Phí đầu năm:

Hồ nghi nhưng chả dám kêu...

Hồ nghi nhưng chả dám kêu...
TPO - Có nhiều khoản cũng còn thấy băn khoăn, nhưng “người ta sao mình vậy, chả dám thắc mắc hỏi han” vì ngại... Đó là tâm lý chung của các bậc cha mẹ trong những buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm ở Hà Nội mà PV Tiền phong ghi nhận được.

>> Nhiều trường 'lách luật'

Nhập cuộc cùng phụ huynh trong buổi họp phụ huynh đầu năm, chúng tôi đã ghi nhận được thực tế phụ huynh đang phải gánh trên vai rất nhiều khoản phí, trung bình một phụ huynh của học sinh trong 1 lớp học phải đóng hơn 10 khoản.

Hồ nghi nhưng chả dám kêu... ảnh 1
Phía sau niềm vui đến trường của các em là nỗi lo đóng tiền của cha mẹ (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Đi họp phụ huynh nhớ mang tiền triệu

Tại cuộc họp phụ huynh ở một trường THCS (sáng 20/9), vào một lớp 7, chúng tôi thấy hoa mắt khi đọc các khoản cần thu đầu năm được ghi rành mạch trên bảng. Có thể kể tên các khoản ứng với số tiền mà mỗi phụ huynh phải nộp như sau:

Học phí chính 40.000 đồng/2 tháng, học phí học buổi chiều 140.000đồng/2 tháng, xây dựng trường 40.000 đồng/cả năm, bảo hiểm y tế 120.000 đồng, bảo hiểm thân thể 50.000 đồng, sổ theo dõi kết quả học sinh 12.000 đồng, nước uống 35.000 đồng/5 tháng, quỹ phụ huynh (đóng cho quỹ phụ huynh nhà trường): 50.000 đồng/học kỳ, quỹ lớp 153.000 đồng/học kỳ, hỗ trợ giáo dục 10.000 đồng/học kỳ.

Tính sơ sơ các khoản trên mỗi phụ huynh sẽ đóng 650.000 đồng, trong đó còn nhiều khoản mới đóng 2 tháng học đầu, nếu tính cả năm học mỗi phụ huynh phải đóng tới 1.328.000 đồng. Chưa kể nếu phụ huynh nào cho con ăn bán trú tại trường phải đóng thêm hai khoản 14.000 đồng/bữa ăn và 40.000 đồng/tháng tiền chăm sóc các em trong buổi trưa. Ngoài ra phụ huynh còn lo khoản tiền photocopy bài kiểm tra cho các con, tiền vệ sinh lớp học, thuê lao công về dọn (1 triệu đồng/9 tháng/lớp).

Khoản tiền phải nộp, nhất là đối với những gia đình làm công ăn lương hẳn không hề nhỏ. Nhưng không một ai thắc mắc, không một ai hỏi xem khoản này, quỹ kia cụ thể sẽ chi như thế nào, tất cả họ tham gia cuộc họp chỉ biết lắng nghe, ghi chép, tính tổng số tiền cần nộp cho xong.

“Đằng nào thì cũng thế, con mình cũng phải như con nhà người khác, phải nộp theo số đông” - Chị Hương thở dài khi thấy trong ví còn 800.000  đồng mà phải nộp hết 650.000 đồng, còn lại ít tiền đi chợ là hết. Ra về, có đôi ba nhóm còn đứng lại nói chuyện, thở than về các khoản tiền, nhưng rốt cục  tất cả đều... nộp.

Chị T.D (ở phường Khương Thượng) phân trần với PV sau khi vừa đi họp phụ huynh đầu năm tại một trường tiểu học: “Mới năm ngoái vừa đóng tiền mua rèm che cửa sổ, thay đèn, thay bàn ghế hỏng… thế mà năm nay lại phải tiếp tục đóng các khoản này. Thật chả hiểu ra làm sao?”.

Chị T.M (Tô Hiệu, Cầu Giấy) cho biết: “Các khoản thu phí đầu năm là một phần gánh nặng đối với các gia đình, bên cạnh đó còn tiền quần áo, giày dép, sách vở cho con vào lớp mới, mỗi đứa con đi học, lại thêm một nỗi lo. Như đi họp phụ huynh hôm nay, ngoài việc nghe nhận xét về con mình thì vấn đề chính tôi lo là đóng học phí. Sáng nay, tôi vừa phải vay nóng 1 triệu đồng cầm đi họp cho con”.

Bảo hiểm y tế: “Đề nghị 100% học sinh tham gia”

Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thân thể là 2 khoản thu không bắt buộc học sinh phải tham gia, nhưng có một số trường, phụ huynh học sinh phải ký vào danh sách mua bảo hiểm 100% trên cơ sở khẳng định sự đồng thuận.

Nộp tiền nước nhưng không uống

“Nước có nhiều cặn bẩn và tanh lắm, chúng em không uống được” - Một học sinh lớp 6 trường THCS Thịnh Liệt than thở về chuyện nước uống, mặc dù đầu năm đi họp phụ huynh mẹ em đã đóng khoản tiền nước là 5.000 đồng/tháng.

Đề cập tới khoản tiền vệ sinh 3.000 đồng/tháng, em học sinh này giải thích đó là tiền dọn dẹp vệ sinh lớp học và khu đi vệ sinh kèm theo sự ca thán:  “Nhà vệ sinh rất bẩn, chỉ có các anh chị lớp 9 dũng cảm đi thôi, còn bọn em, chẳng dám bước chân đến vì nó không những bẩn mà còn bốc mùi, chúng em phải nhịn về nhà”.

Chị H. (Giáp Tứ, Thịnh Liệt) có 2 con học ở trường THCS Thịnh Liệt cho biết: trong danh sách các khoản thu đầu năm ở 2 khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể có ghi rõ số tiền kèm theo đề nghị 100% học sinh tham gia. Vì thế nên tất cả các phụ huynh đều nộp cho con.

“Có gia đình đã mua bảo hiểm cho con rồi thì sao?”- Tôi hỏi.  “Ở hai lớp tôi tham gia họp không thấy phụ huynh nào lên tiếng với trường hợp như thế, tất cả đều ký vào danh sách tự nguyện mua” - Chị Hà cho biết.

Một cô giáo nhấn mạnh: Nhà trường khuyến khích các phụ huynh mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể cho các em (170.000 đồng/năm) vì bên Cty Bảo hiểm sẽ trích phần trăm cho nhà trường, trên cơ sở đó nhà trường có thêm khoản mua bông băng, thuốc thang cho bộ phận y tế của nhà trường phục vụ các em nếu có sơ sẩy trầy xước hay cảm cúm đau bụng trong giờ học...

Qua một số trường, chúng tôi nhận thấy đa số các trường đều thu khoản hỗ trợ các hoạt động giáo dục nhưng mỗi trường thu một kiểu. Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy) thu 10.000 đồng/ học kỳ, trường THCS Thịnh Liệt (Hoàng Mai) 15.000 đồng/tháng (gấp hơn 6 lần trường THCS Nghĩa Tân), trường Tiểu học Thịnh Quang (Đống Đa) thu 10.000 đồng/4 tháng. Ở một số trường, khoản tiền này nằm trong phần “hội phụ huynh đề xuất”.

Khi hỏi phụ huynh tiền này cụ thể là như thế nào, nhiều phụ huynh lắc đầu không hiểu, chỉ biết nôm na là hỗ trợ giáo dục cho con em mình thì nộp. Và mức tiền của các trường khác nhau rất nhiều.

Ngoài ra có rất nhiều khoản khác như: quỹ chi cho bảo vệ và các cô giáo không đứng lớp có quà trong các dịp lễ mỗi em 5.000 đồng (ở trường Tiểu học Thịnh Quang), tiền trang trí lớp học 30.000 đồng/em, tiền bảo trì máy tính, cơ sở vật chất 50.000 đồng/năm (bên cạnh đó là tiền xây dựng trường  40.000 đồng/năm).

Mỗi khoản chi là một nỗi lo cho mỗi người làm cha làm mẹ, con học lớp nhỏ nhưng số tiền không nhỏ. Anh N.T (Nghĩa Hưng, Nam Định), người bán tào phớ rong trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) than thở: “Bố mẹ gò lưng đạp xe đi bán hàng, tiết kiệm từng đồng nhưng 3 thằng con trai đang ăn học ở nhà nó “bóc lột” hết.

Đứa lớn lớp 12, đứa thứ hai lớp 9 và đứa út lớp 5, mỗi đứa lấy đi của bố mẹ hơn 1 triệu bạc trong đầu năm học này. Mai tôi phải gửi về nhà cho 3 đứa 5 triệu nộp học, mua sách vở, quần áo. Biết là tốn kém, nhưng cũng phải cố”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Mai Đức Quang

Cảm ơn Tiền phong Online đã đưa lên chủ đề này. Tôi cũng rất bức xúc về các khoản thu đầu năm của nhà trường. Tuy nhiên, không phải bức xúc vì thu nhiều mà bức xúc vì các khoản thu dường như không được sử dụng đúng như tên của nó.

Vấn đề là ai quản lý các khoản thu đó và tại sao không có sự giám sát từ phía hội phụ huynh học sinh (nhất là các khoản đóng góp tự nguyện).

Đơn giản như vấn đề nhà vệ sinh của các cháu, năm nào cũng sửa chữa, tháng nào cũng đóng góp tiền vệ sinh, nếu tính tổng số tiền đóng góp của tất cả học sinh trong trường thì cũng không phải là nhỏ, đó là chưa kể kinh phí hỗ trợ của nhà nước. Tại sao nhà vệ sinh vẫn bẩn.

Tôi thiết nghĩ vấn đề chung của xã hội ta, không chỉ riêng ngành giáo dục đó là vấn đề từ bộ máy quản lý nhà nước. Tôi thì nghĩ việc ăn ngủ của các cháu học sinh tiểu học còn quan trọng hơn là việc học hành. Nhưng thực tế hiện nay, các trường cũng như cả ngành giáo dục chưa quan tâm đầy đủ.

Theo tôi để giải quyết các vấn đề này, mỗi trường nên lập ra một hội phụ huynh chuyên trách về chăm sóc đời sống cho các cháu (hội này gồm những phụ huynh tâm huyết, có thời gian, có thể là ông bà của các cháu đã về hưu).

Hội sẽ chịu trách nhiệm quản lý các khoản thu hỗ trợ như vệ sinh, các khoản đóng góp xây dựng trường lớp, các khoản thu tự nguyện... và chịu sự giám sát của các phụ huynh khác, thông báo công khai đến các phụ huynh trong trường về hiệu quả của việc sử dụng nguồn thu đó. Như vậy thì khoản thu sẽ được sử dụng đúng mục đích hơn. Xin cảm ơn !

Nguyễn Thanh Hà

"Dịch bệnh" Đóng góp Tự Nguyện !

Chỉ có một tên gọi chính xác là : "Dịch bệnh" Đóng góp Tự Nguyện . Trường nào cũng vậy, từ Mẫu giáo cho tới Cấp 3. Các lãnh đạo nhà trường có biết rằng bố mẹ các cháu, đa phần, đều phải đi làm vất vả mới có được tiền để mà nộp các khoản đóng góp theo các Danh sách Tự nguyện đóng góp cho con minh.

Không Tự nguyện thì lo cho con mình vô cùng, chỉ vì thiếu tinh thần Tự nguyện tham gia xây dựng trường lớp. Mà Tự nguyện đóng góp thì Ấm ức, Khó chịu vì thấy:

+ Nhiều khoản đóng góp quá vô lý: Tiền Hỗ Trợ Hướng Dẫn Học, Tiền Hỗ Trợ Tin Học, Tiền Hỗ Trợ Bán Trú (!?)

+ Không biết được rằng số tiền mà mình phải đóng góp được sử dụng như thế nào ? (không có sổ sách công bố công khai Thu-Chi cho phụ huynh học sinh được biết)

+ Liệu bao nhiêu % số tiền này thực sự mang lại lợii ích cho con cháu mình ? Bao nhiêu % vào túi của ai ? Tôi khẩn thiết đề nghị Bộ Trưởng bộ Giáo dục ra tay tẩy trừ dịch bệnh này.

le thu

Tôi là một GV đang giảng dạy THPT, Xin chia sẻ những bức xúc với các bậc PHHS. Thú thực với các vị , Bản thân mỗi người thầy có lương tâm chúng tôi cũng bức xúc lắm; khi thấy HS của mình chủ yếu là con nhà nông dân mà phải đóng quá nhiều khoản phi lý: Tiền hao mòn máy tính( trong khi đã đóng tiền XD), Tiền photo đề thi trắc nghiệm (trong khi không công khai số tiền thu được bao nhiêu, trả cho GV còn thừa bao nhiêu, để làm gì), Tiền học chuyên đề ( GV trực tiếp giảng dạy chỉ được có 70 phần trăm, trong khi các vị tiếng là quản lý nhưng chẳng làm gì thì hưởng tới 25 phần trăm của một lớp: XIN THƯA RẰNG CẢ MỘT TRƯỜNG THÌ KHOẢN NÀY KHÔNG NHỎ),tiền tự phục vụ học sinh(khi mà sự phục vụ không xứng với số tiền HS phải nộp). .. Nhưng XIN THƯA VỚI CÁC BẬC PHỤ HUYNH, CHÚNG TÔI KHÔNG THỂ LÀM GÌ ĐƯỢC, DŨNG CẢM NÓI RA CHÚNG TÔI SẼ PHẢI TRẢ GIÁ.

Minh Vỹ

Nỗi bức xúc của các Phụ huynh về các khoản đóng góp đầu năm là vần đề nói mãi mà không hết. Ở đây tôi muốn nói đến một vấn đề mới không kém phần bức xúc- đó là sự biến tướng của nạn dạy thêm.

Tôi có con học lớp 6 trường PHCS N.T, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Cách đây 2 tuần,vợ tôi có đi họp phụ huynh cho cháu và một nội dung quan trọng là bầu ra Ban đại diện Hội Phụ huynh của lớp.

Từ đó đến nay, không biết Ban đại diện họp hành khi nào và có thông tin đến các phu huynh không? Chỉ biết rằng cách đây 2 ngày cháu mang về cho vợ chồng tôi một thông báo của Hội Phụ huynh để đăng ký cho cháu học thêm vào ngày chủ nhật với lí do là để bổ trợ kiến thức cho các cháu.

Việc mỗi tuần nộp thêm vài chục nghìn cho cháu cũng chưa phải là quá nặng nề( mặc dù vợ chồng tôi đều là công chức hưởng lương ). Nhưng thiết nghĩ, trong khi các cháu hoc bán trú cả ngày và tối về vẫn phải học đến 10- 11giờ đêm, giờ lại học thêm ngày chủ nhật thì làm gì còn thời gian vui chơi, giải trí và không biết có thực chất là phải bổ trợ thêm kiến thức cho các cháu hay không?

Việc làm này của Ban đại diện Hội Phụ huynh có thể sẽ làm nhiều gia đình khó xử- không cho con đi học thêm liệu có sao không, liệu cô giáo có hiểu cho không?

Còn nếu cho con đi học thêm thì lại kéo theo bao hệ lụy( tiền học thêm, đưa đón con...), đặc biệt với những gia đình không có điều kiện. Câu hỏi đặt ra ở đây là: liệu đây có phải là sự biến tướng của nạn dạy thêm?

Nguyễn Thu Hà

Mỗi khi đi họp phụ huynh cho các cháu, chúng tôi mong biết con mình học tập thế nào ở trường, nhưng nỗi lo về tiền đóng góp lại trĩu nặng, vì hầu như đó là việc thường kỳ của các kỳ họp phụ huynh.

Trong khi số tiền học phí chỉ khoảng 1/3 số tiền phải đóng, thậm chí ở tiểu học thì được miễn giảm, thì những khoản khác lại tới 2/3 là điều không hợp lý, như vậy sẽ trái với chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển giáo dục của Nhà nước ta.

Quan trọng là, việc đóng góp những khoản tiền đó có thực sự giúp cho chất lượng giáo dục cao hơn, các cháu được học tập tốt hơn? Tiền khuyến học, quĩ hội p/huynh trường rồi lớp, quĩ lớp, tiền bảo vệ, vệ sinh, hỗ trợ đội tuyển ( với h/s trường chuyên), tiền ủng hộ ngày thành lập trường, tiền đồng phục (không cần biết các cháu có thích và có mặc vừa hay không, cứ đầu năm là nhà trường phát cho một bộ rồi thu tiền sau, trong khi bộ cũ vẫn vừa và còn rất mới vì ít mặc đến...), có trường tiểu học chuẩn quốc gia ở TN nhưng "xã hội hoá" giáo dục bằng việc yêu cầu gia đình HS học từ lớp 1 phải đóng tiền mua bán ghế "đủ chuẩn" cho các cháu ngồi học, giá khoảng gần 500 ngàn một bàn cho 2 cháu, năm nào cũng thu thì ...làm sao có chỗ mà để ?...

Hay là việc nhà trường cho mang sách giáo khoa đến bán vào buổi họp phụ huynh cuối năm (có giáo viên quan niệm cuối năm không nói nhiều đến khuyết điểm của các cháu nữa, nên chỉ nhận xét qua loa rồi còn lo...bán sách, thu tiền)...

Những việc làm đó mang tính áp đặt nên đã gây bức xúc cho phụ huynh...khó nói hoặc có nói cũng chẳng đi đến đâu.

Nhờ Bộ giáo dục xem xét và điều chỉnh, để tránh những áp lực tinh thần không đáng có đến với HS, gia đình và ngành giáo dục nói chung.

Nguyễn Thị Kiều Hương

Nỗi lo con vào lớp 1

Sau khi đọc bài trên Tiền phong Online, tôi cảm thấy phóng viên đã phản ánh rất đúng phần nào những nỗi lo của các bậc phụ huynh có con đi học trong thời nay.

Tôi cũng có con lớn năm nay vào học lớp 1, gia đình tôi sống trên điạ bàn tỉnh Bắc Ninh. Trước khi buổi họp phụ huynh diễn ra tôi phải đóng cho con tôi số tiền là 251.000+375.000 (tiền mua bát đĩa, tiền BH các loại và một số khoản khác) trong đó không bao gồm tiền sách vở vì tôi đã mua ở ngoài cho cháu.

Sau khi họp phụ huynh ngày 28/9/2008 thì các cháu phải đóng thêm 560.000đ nữa (tiền điện nước, tiền thuê lao công, bảo vệ, tiền mua maý lọc nước, tiền mua máy chiếu cho nhà trường, tiền tình nghiã...). Trong đấy tiền ăn bán trú cuả cháu là 230.000/22 ngày theo giá năm trước và sẽ tăng năm nay.

Chúng ta hãy nhìn về mặt bằng chung cuả xã hội. Ngươì lao động thì không phải nói, còn những cán bộ nhà nước thì sao, liêụ lương cuả một ngươì bố hoặc một ngươì mẹ có đủ cho một đưá con đi học không, vâỵ còn bản thân thì ai nuôi.

Trong khi Đảng và nhà nước có rất nhiều chủ trương và chính sách thúc đẩy giáo dục, xóa mù chữ, bớt một số khoản tiền như XD, học phí ... cho bậc tiểu học, nhưng một thực tế rất nghịch lý khi các trường thu đầu vào lớp một thậm chí còn lớn hơn cả học phí đầu vào 6 tháng cuả một trường Đaị học.

Như vậy nhà nước, ngành giáo dục có nên xem laị cách quản lý thu phí cuả các trường công lập hay không, con đi học phải đóng tiền từ chỗ ngôì chở đi, muốn con mát thì đóng tiền mua quạt, muốn không lạnh đóng tiền sưả cưả sổ. Vâỵ ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục thì dùng vào mục đích gì?

Một đưá trẻ học lớp 1, 2 đã phải đóng những khoản tiền rất vô lý (máy chiếu-đến các cô còn đang phải học thì bao giờ các cháu được học) nhưng laị không thể nói ra bơỉ ai cũng sợ động chạm, mà thực ra nếu lớp này không đồng ý, lớp khác đồng ý thì vẫn quyết vì đấy là chủ trương cuả nhà trường đã đưa ra là phải hợp lý mà.

Trần Minh Tâm

Tôi rất chia sẻ với bài báo của bạn Hoàng Trang, tôi cũng có con học trường THCS H.L - Quận Hoàng Mai - Hà Nội ( chắc là cùng trường con bạn ).

Phụ huynh lớp tôi cũng rất bất bình với việc thu học phí học buổi chiều 150.000đ/tháng, chưa kể có nhiều gia đình không có điều kiện đưa đón con nên các cháu phải ở lại bán trú, lại thêm 1 khoản tiền ăn bán trú hơn 300.000đ/tháng. Đó là một khoản chi lớn đối với đồng lương công chức như chúng tôi.

Các cháu phải học hai buổi/ngày suốt cả tuần ( chỉ được nghỉ chiều thứ 5 ), rất vất vả, mệt mỏi. Họp phụ huynh đầu năm chúng tôi không đồng ý, nhưng nhà trường gần như ép chúng tôi ký vào biên bản tự nguyện đóng góp.

Mà chất lượng học buổi chiều rất kém, các cô dàn chương trình chính khoá ra để dạy vào buổi chiều, các cô lại còn dùng buổi học chiều để kiểm tra 15', 1 tiết để lấy điểm vào sổ (nên không học cũng không được).

Lạ nhất là nhà trường giải trình việc chi tiêu của mình trong đó có 5% tiền học phí buổi chiều thu của học sinh chi cho " Quản lý của Phòng và Sở giáo dục" . Như vậy thì còn biết kêu ai ? Mong Tiền phong hãy lên tiếng để giúp các cháu học sinh được giảm tải cho việc học hành.

Ngoc Long

Qua buc xuc thu tien hoc

Day la van de rat buc xuc trong du luan ,nhat la cac gia dinh ngheo.Cac truong dai da so "bat den xanh" cho giao vien goi y ban phu huynh tang cac khoan thu ngoai quy dinh.

Giao vien CN con "goi y"cac khoan chi lam kho cho ban phu huynh. Day la van de duoc rat nhieu nguoi quan tam .De nghi quy bao tiep tuc co nhung bai cu the hon ve de tai nay (theo phan anh cu the cua cac phu huynh) de moi truong GD tro nen trong sach,khoi lam phien long cac giao vien trong sang het long vi hoc sinh than yeu.

Linh Linh

Đọc được những ý kiến của rất nhiều phụ huynh, tôi cũng cảm thấy rất bức xúc bởi con tôi mới học mẫu giáo thôi mà năm nào cũng phải đóng gót gét gần 2.000.000đ đấy là chưa kể tiền ăn hàng ngày của cháu. Chúng tôi là phụ huynh ở Trường Mầm non H.H - Phường Kim Tân - TP Lào Cai chúng tôi rất ủng hộ những khoản đóng góp thiết thực cho con cái mình như tiền sửa chữa nhà vệ sinh, tiền sửa bàn nghế, tiền mua đồ dùng học tập .....

Nhưng chúng tôi đóng góp như vậy kết quả chẳng thấm vào đâu đồ chơi của các cháu toàn đồ chơi cũ chỉ lác đác vài bộ đồ chơi mới, cái đu quay của các cháu phải hỏng đến 02 năm mới sửa, bàn ghế của các cháu.

Phụ huynh thử nghĩ xem con em mình học lớp mẫu giáo lớn sắp bước vào lớp 1 rồi mà bàn ghế từ năm học lớp cháo đến năm cuối cùng vẫn ngồi bàn ghế phải gù lưng ra mà viết thử hỏi Bộ giáo dục đang kêu gọi chống cong vẹo cho các cháu ở đâu.

Họp phụ huynh lần 1 không xong lần 2 có cả Ban Giám hiệu nhà trường phụ huynh nói bức xúc quá cô hiệu trưởng tuyên bố một câu xanh rờn "Phụ huynh cho con học ở đây thì học, mà không học thì thôi" thử hỏi phụ huynh đồng ý.

Chúng tôi những phụ huynh có con em đi học rất mong được sự quan tâm, theo dõi sát sao của Bộ giáo dục và Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Lào Cai.

Nguyễn Trung Kiên

Tôi là người đang làm công tác quản lí trong một nhà trường ở một thị trấn miền núi, đọc bài báo này nhận thấy : Việc thu của học sinh hàng triệu đồng ngay đầu năm học quả thực là không nên.

Tôi cũng không đồng ý với những khoản thu kì cục và quá lớn núp dưới vỏ thoả thuận với phụ huynh.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, các nhà trường hiện nay không có khoản thu nào khác ngoài lương của giáo viên được cấp phát hàng tháng. Vậy bao nhiêu việc cần phải làm và chi phí trong năm học nhà trường lấy tiền đâu ra để làm?

Thu tiền thì phụ huynh không thông cảm lại kêu nhiều, ít thậm chí còn kiện. Trừ lương giáo viên ư? Không hiệu trưởng nào dám làm vì đó là phạm luật. Vậy thì biết làm sao đây? Có lẽ Hiệu trưởng cũng đành từ chức nếu không được phụ huynh ủng hộ.

Nguyễn Thị Thành

Nhiều khoản thu bất cập trong ngành giáo dục

Sau khi có quyết định của nhà nước không thu học phí các học sinh cấp 1.2. Thì tại Thành phố vinh- Nghệ An. Trường tiểu học L.M một trường trung tâm thành phố. Cách đài truyền hình Nghệ An 300 m lại có những khoản thu bất cập lại có công văn dấu dỏ của thầy hiệu trưởng như: Tiền xây dựng nhà trường: 170 000 đồng, tiền bù trượt giá xây dựng: 50 000 đồng, hổ trợ giáo dục 70 000 đồng... 

Nguyên Đình Nhật Phương

Đọc được những dòng thắc mắc của các bậc phụ huynh tôi cũng rất lấy làm bức xúc. Con trai tôi năm nay cháu mới học lớp mẫu giáo lớn trường mần non H.H ở Thành phố Lào Cai - Lào Cai.

Đầu năm mới đi học nhà trường yêu cầu đóng 324.000đ tiền bát đũa, thìa, đồ chơi...., khi họp phụ hunh nhà trường đòi nộp thêm: 810.000đ tiền thuê các thầy cô giáo (nhà trường giải thích năm nay nhà trường chuyển lên nửa dân lập), 133.000đ tiền quần áo văn nghệ ...., 150.000đ tiền mua ti vi, sửa chữa, tiền chuyển nhà để xe cho các thầy cô giáo, 50.000đ tiền quỹ nhà trường. Tổng cộng cũng gót gét 1.500.000đ đấy là chưa kể tiền học phí.

Phụ huynh lớp con tôi buổi họp đầu không đồng ý, bởi nhà trường bắt nộp thì nhiều mà mua sắm toàn những thứ đâu đâu không thiết thực giúp ích cho việc học hành của con cái chúng tôi: như các cháu gần đi học lớp 1 rồi mà vẫn bắt các cháu ngồi bàn nghế cũ phải gò lưng lên không ngồi được.

Kiến nghị với nhà trường thì tuần sau cô hiệu trưởng và hội trường hội phụ huynh xuống họp cùng lớp, có ý kiến đồng ý có ý kiến không cô Hiệu trường chốt lại một câu "học thì học, không học thì thôi nhà trường cũng không cần" , chúng tôi cũng rất bức xúc bởi ai cũng làm cha làm mẹ cả ngay cả các cô cũng vậy.

Bây gìơ cháu mới học mẫu giáo đã đóng góp nhiều như thế có khác gì như đi học cấp 1, 2 đâu. Chúng tôi là những công nhân viên chức nhà nước còn có điều kiện, như những người dân lao động họ có muốn cho con đi học thì còn khó khăn nhưng thế nào.

Rất mong Bộ giáo dục và đào tạo và Sở Giáo dục tỉnh Lào Cai xem xét.

Minh Anh

Theo toi, cac khoan thu cua nha truong khong hoan toan vo ly nhu cac qui vi da neu. Thuc te nha truong can cac khoan chi nhu vay nhung nha nuoc khong cap ngan sach thi ho biet lam the nao?

Vi du, toilet cua hoc sinh cac chau y thuc rat kem khong biet giu ve sinh, nhung truong khong co khoan thu nao ca de thue nguoi don dep nen chang con cach nao khac thay vi de ban nhu vay ho phai thu cua hoc sinh. Co le nganh giao duc can phai xem lai chinh sach cua minh de ho tro nha truong hon.

nguyen thị nhung

Đầu năm học ở 1 trường thị trấn tỉnh Yên bái ngèo nàn như thế này mà các bậc phu huynh phải đóng rất nhiều các khoản. Con tôi lớp 5 tuổi, đóng 700.000đ các loại chưa kể tiền ăn, cơ sở vật chất thì chẳng có gì nên hồn, ngoài nhà cấp 4, nền láng xi măng, mái lợp prô xi măng.

1 trường 7 lớp học chung nhau chỉ có 1 nhà vệ sinh khoảng 3 người lớn chui vào là chật, quái lạ, tại sao ở thành phố cũng đóng góp chỉ đến 700.000 thôi mà trường lớp khang trang, sạch sẽ hơn ,vậy thì tiền của chúng tôi đóng cho con mình nó đi đằng nào ???

Minh Thu

Nhân chủ đề này tôi cũng muốn nói đến nhà vệ sinh. Ở trường tiểu học K.T, quận Đống Đa, Hà Nội, nhà vệ sinh thật kinh khủng. Con tôi thường xuyên phải nhịn tiểu, và đại tiện.

Đưa con đến lớp sờ bàn ghế, cửa sổ, hay bất cứ chỗ nào bụi cũng dày một lớp. Các con được giáo dục là rửa sạch tay trước khi ăn nhưng nhà vệ sinh hôi hám, vòi nước cái hòng, cái thì không có nước, không hiểu các con rửa tay thế nào, ngoài 1 chậu nước cho 54 cháu rửa tay.

Mỗi lần họp phụ huynh chúng tôi đề nghi xây thêm nhà vệ sinh, vòi nước, hay thuê thêm lao công dọn dẹp. Nhưng chưa bao giờ ý kiến đó thành hiện thực.

Ngoài việc phải đóng nhiều khỏan, học nhiều, học thêm cả tiếng Anh theo chương trình thử nghiệm Phonix gì đó đối với lớp 2 con tôi.... thì chuyện nhà vệ sinh tôi cũng muốn nói trong diễn đàn này. Các bậc cha mẹ chúng ta hãy cùng lên tiếng nhé.

Hoàng Trang

Các khoản thu "khó hiểu" của một trường THCS ở Hà Nội

Các khoản thu góp năm học 2008-2009 của trường THCS H.L - Quận Hoàng Mai - Hà Nội. 1/ Học phí : 20.000đ/tháng 2/ Xây dựng : 40.000đ/năm 3/ Học 2buổi/ngày : 70.000đ/tháng. 4/ Quĩ hội CMHS : 50.000đ/tháng 5/ Học phí tin học: 15.000đ/tháng 6/ Bổ sung cho 2 buổi/ngày 40.000đ/tháng 7/ Học nâng cao bồi dưỡng học sinh giỏi chiều thứ 7: 40.000đ/tháng. 8/ Tiền ăn : 12.000đ/bữa. 9/Tiền phục vụ than, củi,, nước, chi phí nhà bếp & trông bán trú : 60.000đ/tháng 10/ Dụng cụ nhà ăn 25.000đ/năm 11/ Quần áo đồng phục 92.000đ/bộ 12/ Nước uống tinh khiết 80.000đ/năm 13/ Trông xe 60.000đ/năm 14/ Quĩ hội thiếu niên 13.500đ/năm 15/ Túi bài kiểm tra 9.500đ/túi 16/ Sổ liên lạc 7.500đ 17/ Bảo hiểm ytế 120.000đ/năm 18/ Bảo hiểm thân thể 50.000đ/năm. Cộng 802.500đ ( Chưa kể đến tiền quĩ phụ huynh lớp thu riêng - 200.000đ ).

Nhà trường cũng yêu cầu chúng tôi ký vào biên bản " tự nguyện" đóng các khoản tiền trên. Có nhiều phụ huynh không đồng tình nên không ký ( cá biệt có lớp 7G là số phụ huynh không ký rất đông vì vậy sau đó thầy Hiệu trưởng đã triệu tập toàn bộ phụ huynh lớp 7G để họp riêng với thầy) còn những lớp còn lại số phụ huynh không đồng ý ít hơn thì được các cô chủ nhiệm mời đến sau đó 1 ngày gặp trực tiếp cô để ký nốt , thử hỏi bị rơi vào tình thế đó thì ai là người dám không ký.

Chúng tôi thắc mắc nhất là việc học 2 buổi/ngày, chúng tôi thấy thực chất đây là việc bắt các cháu " học thêm ", trong khi ngành giáo dục đang ra sức chống " dạy thêm, học thêm", thì trường lại hợp pháp hoá việc học thêm của mình bằng mọi hình thức, bắt các cháu học quá nhiều ( học cả tuần ) mà chất lượng thì lại không tốt, học nhiều quá khiển các cháu mệt mỏi, chán nản, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Cho đến ngày 25/9/2008 vừa qua Nhà trường lại gửi về từng gia đình : " Bản thông báo chi tiết thu chi " các khoản nói trên. Với danh nghĩa là Hội CMHS nhà trường ( nhưng thầy Hiệu trưởng lại ký tên và đóng dấu ). Chúng tôi chỉ xin trích ra đây một phần " Chi ". Nguyên văn như sau :

" 2 - Phần chi : - Với phần học thêm của lớp 1buổi/ngày, 2buổi/ngày, học chiều thứ 7: + Giáo viên trực tiếp giảng dạy hưởng 65% + Bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm 4% + Quản lý, phục vụ, bảo vệ ... 16% + Phúc lợi tập thể - CSVC 10% + Quản lý của Phòng và Sở GD 5% .... "

Phần ý kiến cha mẹ học sinh thì phải ghi rõ học tên cha mẹ học sinh, họ tên học sinh, tên lớp...

Hỏi rằng chúng tôi còn có ý kiến gì nữa ngoài chữ " đồng ý ". Việc làm này khác nào là bắt ép chúng tôi phải đồng ý. Phụ huynh chúng tôi rất bức xúc và thắc mắc, nhất là về khoản chi : " + Quản lý của Phòng và Sở GD : 5% ". Mong được chia xẻ cùng Quí báo.

Le Phuong

Toi rat hoan nghenh bai bao nay. Toi de nghi can tim hieu rong hon va viet nhieu ve linh vuc nay de ngan chan bot tinh trang thu phi dau nam hoc ma trong do co nhieu khoan khong thich dang.

Trong thuc te nhieu truong con thu lon hon so tien nhu trong bai bao da neu. Co truong (xin mien neu ten), co giao con yeu cau mua dung cu nay, quyen sach vo kia, v.v...

Toi da dua con di tim mua suot ca buoi ma khong tim thay lam cho con toi khoc suot ca dem vi so ngay hom sau toi truong bi co giao phat. Hom do toi rat phan no, dinh goi dien den nha co giao chu nhiem va hieu truong nha truong de nghi nha truong hoac co giao mua giup nhung con toi bao: "lam nhu vay co giao se phat y va dinh kien" nen toi moi thoi, khong goi nua.

Một cán bộ hưu trí

Học sinh nghèo được miễn giảm các khoản thu ?

Tôi xin nêu cụ thể các khoản thu của một trường THCS T.V.D - Q.Đống Đa năm học 2008-2009. Lớp 7: I. Các khoản thu theo quy đinh: - Học phí 80,000đ (4 tháng)(chỉ giảm đối với con thương bệnh binh, giảm 1/2 với những HS nghèo được trường duyệt(?).

Còn các khoản khác như Xây dựng 20,000đ, Quỹ Hội phụ huynh HS 25,000đ.....Các khoản thu thỏa thuận, thu hộ (BHYT...) tổng cộng 359,000đ Chưa kể đóng góp theo quỹ phụ huynh lớp cũng khoảng 100000đ.

Xin hỏi: - Đã là HS nghèo thì lấy đâu ra mà góp quỹ xây dựng trường, quỹ Phụ huynh, Quỹ khuyến học?

Kính đề nghị các cấp quản lý giáo dục xem xét lại...Đầu năm tôi thay mặt Hội Chữ Thập Đỏ làm các thủ tục cho một cháu nghèo (được UBND Phường trợ cấp hàng tháng 100,000đ) cuối cùng được miễn giảm 50%học phí là 80,000đ/ là 40,000đ trên tổng số gần 500,00đ đồng góp cho 1 học kỳ...

Xin phản ánh tóm tắt để Quý báo có ý kiến miễn giảm tất cả các khoản đóng góp cho các cháu HS nghèo. Xin cảm ơn.

Thân thị Thu

Xã tôi là một xã nghèo thuần nông tại huyện Q tỉnh BN. Đầu năm học mới họp phụ huynh, nhà trường thông báo mỗi học sinh phải đóng góp một khoản tiền gồm: BHYT, BHTT, tiền nước, tiền học thêm... trên dưới 1,2 triệu đồng/học sinh/năm. Nhà trường đề nghị các bậc phụ huynh nộp 1 lần cho cả năm học.

Sau khi đọc bài "Phí đầu năm học: Hồ nghi nhưng không dám kêu", tôi thấy trên địa bàn Thành phố Hà Nội các khoản đóng góp cũng tương tự, mà các trường chỉ thu 1 lần/ học kỳ, các gia đình không có điều kiện vẫn phải đi vay mượn để nộp cho con mình.

Vậy mà xã tôi chủ yếu là bà con nông dân nghèo, nhà trường yêu cầu nộp cả 1,2 triệu đồng/HS/năm. Tôi thiết nghĩ với nông thôn vài trăm ngàn đã là khó khăn, nộp một lúc 1,2 triệu, có gia đình 2 cháu đi học thì bố mẹ các cháu xoay sở thế nào?

Hiện nay Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, tôi nghĩ không thể để vì các khoản thu đầu năm như vậy mà để các cháu không được đến trường (có gia đình không đủ tiền nộp cho con, đã cho các cháu nghỉ học).

Vậy Bộ Giáo dục nên có ý kiến chỉ đạo thu các khoản trên cho hợp lý, vừa với túi tiền của bà con nông dân nghèo.

Một bạn đọc

Tôi cũng có con nhỏ học tiểu học, rất bức xúc vì nhiều khoản thu vô lý. Ví dụ: Quỹ hội phụ huynh trường 50 nghìn, về lớp lại quỹ hội phụ huynh lớp 50 nghìn. Một lớp hơn 30 sinh viên, tổng cộng là 3 triệu đồng, không biết làm gì mà hết trong 1 kỳ chỉ có chi tiêu cho vài ngày lễ tết. Thắc mắc thì ngại ảnh hưởng đến con, thôi thì đành nước nổi bèo nổi...

Pham Anh Tu

Tôi cũng có cháu đang học lớp 3 trường N.T.C, Hà Nội, không hiểu các khoản thu thế nào nhưng tôi phải đóng 1 triệu đồng tiền đầu năm cho nhà trường mà thấy giật mình quá, mong có nhà báo nào kiểm tra lên tiếng hộ các vị phụ huynh, nếu để tình trạng thu phí bất hợp lý thế này thì tôi lo các trường sẽ thu phí loạn mất.

Lưu Thị Dung

Tôi rất muốn bộ GD can thiệp vấn đề này. Con trai tôi học lớp 4 trường tiểu học Đ.L, phường TRUNG THÀNH, Thành phố Thái Nguyên.

Đầu năm chúng tôi cũng phải đóng 800.000đ,chưa kể kỳ 2, với mức thu nhập 2 vợ chồng công nhân thì việc đóng góp đầu năm ảnh hưởng rất nhiều tới chi phí tháng 9 và tháng 10.

Tôi rất mong Quý báo lên tiếng nhiều hơn nữa, cũng rất mong các cơ quan có thẩm quyền can thiệp để các cháu có hoàn cảnh khó khăn đều được đến trường.

Đặng Thái Bình

Con tôi đi học trường cấp 3 công lập  ở Đồng Hới phải nộp : Quỹ lớp 100.000đ Quỹ trường 150.000đ, Quỹ hội phụ huynh 150.000đ, Quỹ "bắt học thêm" 270.000đ để học thêm buổi chiều 1 buổi/tuần.

Minh Thu - TP Bắc Giang

Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn Li Lan, hiện nay tôi có con đang học lớp 1 và lớp 3 ở một trường Tiểu học có tiếng tại TP Bắc Giang. Đầu năm học đi họp phụ huynh thấy phải đóng góp rất nhiều khoản tiền, so với đồng lương công chức của hai vợ chồng thì nó không hề nhỏ chút nào.

Nhưng nghĩ cho cùng thôi thì vì tương lai của con mình, cả gia đình sẽ tiết kiệm những khoản chi tiêu khác để cân đối ngân sách gia đình.

Trong số những khoản thu đó rõ ràng có khoản chi cho lao công, tạp vụ để vệ sinh nhà trường nhưng hôm nào đi học về con tôi cũng mếu máo nói rằng không dám đi vệ sinh vì phòng quá bẩn, nhiều cháu khác đại tiện vô tổ chức trong nhà vệ sinh nên buớc vào trong đó sau bữa ăn trưa rất nhiều cháu đã nôn hết sạch thức ăn vừa dùng xong.

Điều đáng lo ngại của chúng tôi là các cháu vì sợ bẩn nên đã nhịn tiểu tiện từ sáng cho đến chiều tối khi về đến nhà là chạy vội vàng vào nhà vệ sinh. Thiết nghĩ điều này nhiều bậc phụ huynh và các nhà quản lý không để tâm đến vì dường như nó quá nhỏ bé so với các danh hiệu mà nhà trường phấn đấu đạt được trong năm học nên chưa chỉ đạo sát sao để tạo ra một môi trường sạch sẽ, vệ sinh thật sự trong học đường.

Vì điều đó gia đình chúng tôi định không cho cháu ăn bán trú ở trường mà sẽ đón cháu vào buổi trưa rồi đầu chiều lại đưa đi học nhưng do cả hai vợ chồng đều là công chức nhà nước cũng rất bận nên đành chấp nhận gửi cháu ở lại trường.

Thực sự phải đóng góp cho nhà trường rất nhiều tiền nhưng chúng tôi không hề yên lòng một chút nào. Mong rằng khi bài viết này được đăng lên các giám đốc Sở Giáo dục, trưởng phòng giáo dục và các hiệu trưởng trong các trường Tiểu học ở các Tỉnh, TP hãy quan tâm đến vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng này.

Nếu cứ phải nhịn đi vệ sinh hết ngày này sang ngày khác sẽ ảnh hưởng không tốt đến hệ bài tiết,đến sức khoẻ của các cháu, những học sinh hôm nay và cũng chính là những chủ nhân tương lai của đất nước mai sau.

Ngô Anh Văn

Xin nêu thêm một số khoản phải đóng khác: Quỹ trồng cây xanh trong khuôn viên trường: 25.000 đ/3 năm; phí mua ghế ngồi chào cờ: 30.000 đ/học sinh; phí hỗ trợ máy tính/15.000 đ/ tháng (trong khi học phí chỉ có 30.000 đ/ tháng), phí hỗ trợ trông xe đạp 15.000 đ/ tháng...

Li Lan

Nhà vệ sinh trong các trường học

Theo tôi hiểu từ mấy năm nay Bộ GDDT đã có chương trình sửa chữa nâng cấp các nhà vệ sinh trong trường học. Tuy nhiên, các nhà vệ sinh của các trường học ở Hà Nội hiện nay đều rất bẩn, mất vệ sinh, khiến nhiều em nhỏ không dám đi.

Tội nhất là các em nhỏ trường Tiểu học, vì bẩn quá không đi được, nhịn cả ngày không nổi nên đành tè dầm và .. ị đùn ra quần (đối với cả các em lớp 2).

Trường Tiểu học C.L ở Hà Nội là một ví dụ, nhà vệ sinh bẩn quá nên các em quyết định ... giải quyết ngay trong lợp, cuối cùng cả lớp chịu đủ. Đề nghị các nhà báo xem xét, nên đưa vấn đề này ra để có chương trình cải tiến, làm thế nào nhà vệ sinh trường học sạch sẽ, đảm bảo cho các em đi vệ sinh, chứ nhịn mãi thành bệnh thận còn nguy hiểm hơn cả uống sữa độc của Trung Quốc. Xin cảm tạ.

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG