Thông tin thêm vụ '25 năm-Nỗi đau của 7 gia đình bị “treo án” vượt biên':

Họ đã gặp nạn và mất tích!

Họ đã gặp nạn và mất tích!
TP - “Họ đã gặp nạn và mất tích”- Đó là câu khẳng định của ông Trần Văn Tính qua điện thoại với chúng tôi và ông hẹn gặp để đưa ra các lập lý cho lời khẳng định này.

Tiền phong đăng tiếp bài “25 năm-Nỗi đau của 7 gia đình bị treo án vượt biên: Người trực tiếp điều tra nói gì?”. Bài viết tiếp tục cung cấp đến bạn đọc những thông tin của người trong cuộc và những người liên quan đến số phận của 7 thành viên trên tàu BTT-07.

Sau khi báo phát hành, chúng tôi đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của những người liên quan tiếp tục cung cấp thêm những thông tin quý giá với một mong muốn vụ án sớm được kết thúc và thanh danh của 7 thành viên trên tàu BTT-07 sớm được cơ quan có thẩm quyền kết luận.

Họ đã gặp nạn và mất tích! ảnh 1
Ông Tính

“Họ đã gặp nạn và mất tích”

Đó là câu khẳng định của ông Trần Văn Tính qua điện thoại với chúng tôi và ông hẹn gặp để đưa ra các lập lý cho lời khẳng định này.

9 giờ sáng 21/1/2008, chúng tôi hẹn gặp ông Trần Văn Tính (61 tuổi), người 2 ngày trước, khi đọc bài về vụ tàu BTT-07 đã tìm cách liên lạc với chúng tôi để cung cấp thêm thông tin. Hiện ông Tính là chủ tour DMZ (du lịch cho khách nước ngoài vùng giới tuyến phi quân sự) ở 88 Lê Duẩn, thị xã Đông Hà.

Ông Tính quê gốc ở Lý Nhân (Hà Nam Ninh cũ). Bố của ông vào Sài Gòn từ năm 1942 và sinh ông tại đó. Trong chế độ cũ, ông là hạ sỹ quan thông dịch viên tiếng Anh cho sư đoàn thủy quân lục chiến. Sau giải phóng, ông đi cải tạo 3 năm và về mở tiệm buôn bán lớn tại Đông Hà. Ông bảo, ngày đó, gia đình ông là trùm buôn bán ở cái đất này.

Trong những năm 1980-1985, hàng Lào (thực chất là của Thái Lan) lúc đó rất được Trung Quốc chuộng (dép tông, áo phông, áo cành, áo mút đỏ, nhất là dép tông ). “Nhân viên của Cty vận tải  thủy Bình Trị Thiên (Cty VTTBTT) lúc ấy giàu có lắm. Nhất Viễn dương, nhì Thủy nội địa mà.

Họ lấy hàng của tôi ở Đông Hà ra Hải Phòng bán, và buôn dầu từ ngoài đó vào Nam lãi lắm. Hành trình của tàu này là Hải Phòng - Quy Nhơn. Đó là thời điểm 1980-1982. Tôi nhớ rất rõ, lúc đó thằng Sơn (Hồ Minh Sơn, quê Lý Hoà, Quảng Bình, đi nhờ trên tàu BTT-07, nêu trong Tiền phong số 17) đi theo anh em tàu thủy buôn bán, chứ không phải người của Cty, lấy hàng của tôi, nhưng còn nợ 6 chỉ vàng.

Nó nói, theo xe Zin của mấy anh em ở Cty VTT BTT ra Hải Phòng nhận tàu mới rồi chở đường ống vào Quy Nhơn. Theo nguyên tắc, anh em lấy hàng của tôi ra Hải Phòng bán xong, khi vào đến Cửa Việt thì tàu dừng, cử người lên Đông Hà tiếp thêm thực phẩm... và trả tiền cho tôi. Nhưng chuyến đó thằng Sơn cũng theo tàu 007 và không thấy hắn trở lại trả tiền cho tôi nữa.

Đó là thời điểm rằm tháng Chạp năm Ất Dậu (1981). Sơn mất tích cùng tàu ấy luôn. Trước khi tàu rời Hải Phòng, Sơn gọi điện vào báo với vợ chồng tôi là ít hôm theo tàu BTT-07 vào Quy Nhơn, sẽ dừng lại Cửa Việt, lên Đông Hà thanh toán tiền. Nếu anh em trên tàu này có ý định vượt biên thì họ chắc chắn không để cho Sơn đi nhờ cùng” - ông Tính kể.

“Tôi là người của chế độ cũ, tôi biết anh em trên tàu BTT-07 có chính trị tốt lắm. Thêm nữa, thời 1980-1982, vùng này chưa có hiện tượng vượt biên. Phải đến năm 1984, “phong trào” vượt biên mới rộ lên. Những người được sắp xếp vào tàu BTT-07, như tôi biết họ đều được thẩm tra lý lịch kỹ. Vào sống ra chết trong chiến trận, tư tưởng kiên định vững vàng.

Chứng thực cho điều này, bây giờ còn một số người còn như Lê Lộc hiện là Hội trưởng Hội người mù ở TT-Huế (trước Lộc cũng ở tàu 007 qua, sau nó bị mù do tàu cháy), Nguyễn Tiến Cương (lúc đó là lính nấu ăn trên tàu của Cty hiện GĐ Cty Nam Hải ở Đông Hà), ông Ly (GĐ Cty ti tan khoáng sản Trung Trung bộ ở Đông Hà)”.

“Tôi khẳng định tàu 007 gặp nạn và mất tích vì tháng 10/1982 tôi bị bắt do tội buôn lậu. Ở lao Thừa Phủ, Huế 18 tháng. Ở Thừa Phủ tôi được làm buồng trưởng phụ trách 70-80 người, trong đó có Hồ Bắc Sơn ở Cty VTT BTT, đi tù 4 năm vì ăn trộm dầu của Cty mình.

Sơn nói, tàu 007 bị bão mất tích rồi vì đã có  tàu gặp tàu BTT-07 trên biển Bắc Trung Bộ đang đi vào trước đó một ngày. Tôi gặp Hồ Bắc Sơn tháng 12/1982. Vì mối quan hệ làm ăn, nên tôi rất rõ tàu BTT-07. Tàu vỏ sắt, 50 tấn. Với tàu này nếu muốn vượt biên sang Hồng Kông thì từ Hải Phòng chạy một mạch 8 giờ đồng hồ là đến nơi thôi. Nếu họ muốn sang Hồng Kông thì hà cớ chi phải chạy vào biển miền Trung trước?”.

“Năm 1984 tôi có mua nguyên một chiếc tàu VS như thế để tổ chức vượt biên, nhưng bị bắt. Hồi đó chỉ có quốc doanh mới có tàu như thế. Đã vượt biên, người ta phải toan tính kỹ lắm, không thể ngẫu hứng được. Phải tập kết đủ từ 40-50 người để thu phí hàng trăm cây vàng luôn. Chứ 7 người vượt biên trên tàu to như thế thì phí lắm.

Nói thật, nếu đi thì tôi là người nhòm chiếc tàu ấy đầu tiên và sẽ là người móc nối với họ trước nhất. Nhưng nhiều lần tiếp cận, tôi biết không thể, vì họ kiên định, vững vàng lắm. Thứ nữa, hồi đó vượt biên do đói kém và lý lịch có vấn đề. Còn các thành viên trên tàu đó thì lý lịch sáng choang và họ là những người khá giả so với đời sống trung bình ngày ấy. Thế thì họ phải vượt biên làm gì?” - ông Tính kể tiếp. 

“Tôi biết, theo thông lệ của Hồng Kông, những người vượt biên sang Hồng Kông tổ chức cúng bái ăn uống 2-3 ngày để “tẩy rửa”..., sau đó một thời gian được nhận qua nước thứ 3 thì tổ chức đốt tàu (tàu vượt biên). Và những tàu đó đều được lưu cẩn thận trong danh sách...

Khi đọc xong các bài của báo Tiền phong về vấn đề này, tôi liên lạc với thằng bạn thân của tôi ở Hồng Kông, biệt danh là Hoàng Anh “râu”, người Bắc. Hắn tra mạng và trả lời không có  tàu nào của Cty VTTBTT có biển số BTT-07 sang Hồng Kông đầu năm 1982.

(Tất cả các tàu vượt biên sang Hồng Kông đều lưu ở địa chỉ www.vuotbien.com (ví dụ vượt biên năm 1982 thì www.vuotbien1982.com. Tất nhiên muốn vào địa chỉ này thì phải qua mấy thao tác nữa...). Địa chỉ của bạn tôi ở Hồng Kông là: hoanganh122@yahoo.com.

Lâu quá rồi, tôi không còn nhớ nữa

Họ đã gặp nạn và mất tích! ảnh 2
Ông Bảy

Đó là câu trả lời của ông Nguyễn Đình Bảy, nguyên là Giám đốc CA Bình-Trị- Thiên thời kỳ đó.

Chúng tôi đến tìm gặp ông tại nhà riêng nằm trên đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế. Ông đang sống với con trai hiện là Trưởng CA huyện Phú Vang.

Năm nay ông 92 tuổi (Kỳ 1 của phóng sự “25 năm - Nỗi đau của 7 gia đình bị “treo án” vượt biên”, thông tin của những người trong ngành CA thời kỳ đó cung cấp cho Tiền phong nói rằng ông đã mất. Tiền phong thành thật xin lỗi gia đình và ông Nguyễn Đình Bảy).

Khi chúng tôi đưa Công văn 342/PA17 ngày 25/8/1986 do ông ký, khẳng định 7 thành viên trên tàu BTT-07 tội “vuợt biên, phản bội Tổ quốc” để hỏi rõ thêm các căn cứ, tư liệu mà ông có được khi đặt bút ký công văn này.

Ông Bảy trả lời rằng, vụ việc này ông không còn nhớ rõ vì đã lâu quá rồi (hơn 25 năm). Hơn nữa, khi ở cương vị ấy, một năm phải xử lý cả hàng trăm vụ việc nên giờ không thể có thông tin gì hơn...

MỚI - NÓNG