Hồ Chí Minh Sarani ở Calcuta

Hồ Chí Minh Sarani ở Calcuta
TPCN - Tôi tình cờ tìm thấy Hồ Chí Minh Sarani (Đường Hồ Chí Minh) ở Calcuta 5 triệu dân, thủ phủ bang Tây Bengal, Ấn Độ.
Hồ Chí Minh Sarani ở Calcuta ảnh 1
Bác Hồ tiếp Thủ tướng Ấn Độ Nêru tại Hà Nội, tháng 10/1954

“Ông đến từ Việt Nam à? Phải rồi, Việt Nam- Hồ Chí Minh. Đằng kia có Hồ Chí Minh Sarani đấy”, anh bồi bàn Mohamed Rafi 23 tuổi tuôn ào ào sau khi hỏi quốc tịch của tôi để tiện phục vụ món trong khách sạn Senator sát toà nhà Hội đồng Anh lúc nào cũng có hai khẩu súng nòng dài đen ngòm chĩa ra phố ngập tràn xe và người đủ các sắc tộc, tôn giáo.

Ngồi cùng bàn phòng ăn toàn đồ kiểu ấn, anh người Ấn đến từ Trường Cao đẳng Thiên chúa, thành phố Bangalore, thủ phủ bang Karnataka, thấy chúng tôi nói chuyện về Hồ Chí Minh Sarani cũng góp chuyện. “Bọn tôi được học về Việt Nam hẳn hoi”, Antony Raju 34 tuổi kể, “Có hẳn một chương trong sách lịch sử lớp tám và tôi còn nhớ như in một câu thế này- Việt Nam là một nước nhỏ mà chiến thắng một cường quốc”.

A. Raju hứa trở về thành phố quê hương Bangalore cách chỗ chúng tôi ngồi hơn 2000km ở mạn nam tiểu lục địa Án Độ sẽ tìm và gửi cho tôi cuốn lịch sử đó.

Vì là lần đầu tôi tới Calcuta, trung tâm phía đông về tài chính, thương mại và kinh doanh của quốc gia đông dân nhất thế giới, mọi thứ đối với tôi đều lạ lẫm với những cảm xúc tương phản.

Hiện tại, với giá nhân công vô cùng rẻ mạt cộng với tiếng Anh lưu loát ở mọi nơi, mọi cấp, Ấn Độ đang trở thành “cối xay” khổng lồ các hợp đồng gia công phần mềm từ các nước công nghiệp với doanh thu năm 2005 lên đến hàng tỷ USD.

Điều đó cũng đồng nghĩa đất nước của những tương phản xã hội gay gắt này là một trong những hang ổ của các hacker sừng sỏ. Chiến tranh công nghệ thể hiện ngay từ các internet cafe.

Chả thế, ngày 18/12/2005, một bức thư điện tử giả gửi đến Quốc hội nước này thông báo toà nhà quốc hội có bom khiến cả nước náo loạn lập tức được truy tìm và thủ phạm bị tóm ngay sau có mấy ngày!

Hồ Chí Minh Sarani ở Calcuta ảnh 2

Tấm bia khắc chân dung Bác Hồ trên Đường Hồ Chí Minh ở Calcuta

Chui qua tấm biển quảng cáo trên phố Camac, tôi lần tìm đến Hồ Chí Minh Sarani. Vừa đi tôi vừa hỏi và tất cả những người tôi hỏi, nam, phụ, lão, ấu, đều chỉ ngay về một hướng.

Cách tấm pano khổng lồ đề câu truyền thông về y tế độ dăm chục mét, trên vỉa hè bên phải, tôi thấy một khối kiến trúc nho nhỏ như một cái miếu phủ bằng lớp xi măng trần và đã ngả màu xám đen.

Phần mái thiết kế thành lớp giống như mái chùa Ấn Độ. Phần chân đế lại như chân đế tượng đài. Lại gần, tôi ngỡ ngàng vì mặt tiền của khối kiến trúc trên lối đi lúc nào cũng đông người ấy là tấm đá cẩm thạch liền khối ghi danh Bác Hồ của chúng ta:

Hồ Chí Minh

Sinh ngày 19/5/1890

Tạ thế ngày 2/9/1969

Khánh thành bởi Hội đồng Thành phố Calcuta và ủy ban Tây Bengal Đoàn kết Đông Dương- Việt Nam

Vào ngày 2/9/1990 Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người

Tôi sục vào tất cả các quán bình dân có biển kèm dòng chữ Hồ Chí Minh Sarani. Họ khác biệt quá nhiều về văn hoá, về cách ăn, cách uống, cách mặc so với người Việt ta.

Nhưng từng người, từ những khuôn mặt khắc khổ, lam lũ mà bình thản, tôi nhận thấy bầu không khí yên hoà, ấm cúng, và có cái gì đó như về nhà mình mỗi khi bắt gặp dòng chữ Hồ Chí Minh Sarani trên cửa.

Trước khi bách bộ trở về khách sạn cách đó chừng dăm cây số, tôi quay trở lại chỗ tấm bia ghi tóm tắt thân thế sự nghiệp Bác Hồ đánh dấu ngày con đường mang tên Bác.

Hồ Chí Minh Sarani là thêm một minh chứng cho thấy tình cảm của các bạn Ấn Độ với Việt Nam.

Một biểu tượng của tình đoàn kết Việt - Ấn, một kỷ niệm với tôi lần đầu đến đất nước rộng lớn và năng động này.

MỚI - NÓNG