HLV tuyển Anh vô địch EURO về... tiền lương

HLV tuyển Anh vô địch EURO về... tiền lương
Không cao ngất ngưởng như lương HLV ở cấp CLB, chẳng thể chót vót như lương của giới cầu thủ, lương của các HLV dẫn quân dự EURO 2016 trầm lắng hơn nhiều. Các vị “tướng” tại EURO 2016 chỉ có cảm giác “đại gia” khi so đọ nội bộ lẫn nhau.

Trông lên thì chẳng bằng ai...


Chuyên trang phân tích về các vấn đề tài chính, kinh tế trong bóng đá Finance Football vừa công bố bảng lương của các HLV dẫn quân tại EURO 2016. 
Chiến lược gia được trả lương hậu hĩnh nhất là Roy Hodgson với mức lương 5 triệu euro/năm. Xếp ngay sau lần lượt là Antonio Conte (Italia - 4,6 triệu euro/năm), Fatih Terim (Thổ Nhĩ Kỳ - 3,5 triệu euro/năm), Joachim Loew (Đức - 3,2 triệu euro/năm) và Vicente del Bosque (Tây Ban Nha - 3 triệu euro/năm). Chỉ có 9 HLV dự EURO 2016 được trả lương từ mốc 1 triệu euro/năm trở lên.

Những con số kể trên vẫn còn hết sức khiêm tốn so với lương ở các CLB hàng đầu châu Âu. Theo tờ Daily Mirror, Jose Mourinho và Pep Guardiola đang “vô đối” với mức lương khoảng 19,2 triệu euro mỗi năm lần lượt tại Man United và Man City, nghĩa là cao gần gấp 4 lần mức lương của Hodgson tại ĐT Anh. Mức lương của Carlo Ancelotti (Bayern), Arsene Wenger (Arsenal) hay Zinedine Zidane (Real) cũng đều vượt xa của Hodgson. Tính ra, Hodgson chỉ xếp ở hạng… 17 trong BXH bảng lương chung của các HLV. Lương của Hodgson còn thấp hơn cả lương của Rafael Benitez tại Newcastle, đội vừa tụt hạng khỏi Premier League.

So với các ngôi sao dự EURO 2016, lương của những HLV “cùng ngạch tuyển” như Hodgson cũng chẳng thấm vào đâu. Theo tờ AS, Cristiano Ronaldo đang nhận lương 21 triệu euro/năm ở Real. Đến cả một ngôi sao tầm tầm như Pepe (5,5 triệu euro/năm) cũng hưởng lương cao hơn Hodgson rồi chứ chưa nói gì tới những tên tuổi sáng giá như Gareth Bale, Wayne Rooney.... 

HLV tuyển Anh vô địch EURO về... tiền lương ảnh 1

... Trông xuống mới thấy ít ai bằng mình

Hodgson, Conte, Terim hay Loew chỉ có được cảm giác “đại gia” nếu so đọ nội bộ với các HLV cũng dự EURO 2016 như mình. Adam Nawalka (Ba Lan), Erik Hamren (Thụy Điển), Jan Kozak (Slovakia), Mykhaylo Fomenko (Ukraine) và Anghel Iordanescu (Romania) đều có mức lương không vượt quá mốc 200.000 euro/năm. Lương của Iordanescu là 120.000 euro/năm, tức là chỉ bằng… 1/42 của Hodgson.

HLV Leonid Slutsky thậm chí còn… làm việc không công cho ĐT Nga. Việc Slutsky không nhận lương khi dẫn dắt ĐT Nga càng đáng chú ý khi người tiền nhiệm của ông là Fabio Capello trước đó nhận lương tới 7 triệu euro/năm.

Trong số 24 đội dự EURO 2016, Hungary là đội duy nhất mà Finance Football không thể công bố mức lương của HLV. Khi được hỏi về mức lương của HLV Bernd Storck, người đại diện của LĐBĐ Hungary chỉ trả lời chung chung: “Tôi chỉ có thể nói rằng lương của HLV Bernd Storck đạt chuẩn chung của HLV các ĐTQG hoặc thấp hơn chuẩn chung một chút”. “Chuẩn chung” ở đây thật khó hình dung. Nhưng nhìn lại bảng lương HLV dự EURO 2016 thì có thể thấy mức lương trung bình của họ thật “bèo”, bởi đến người hưởng lương cao nhất còn khiêm tốn khi so bì với HLV cấp CLB hay với cánh cầu thủ nữa là…

HLV tuyển Anh vô địch EURO về... tiền lương ảnh 2

10 HLV có lương cao nhất EURO 2016.

Theo Theo Bóng Đá +
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.