> Chốt danh sách ứng cử viên dẫn dắt ĐT Việt Nam
Những kí ức khó quên
Thưa ông, đến bây giờ hẳn ông vẫn chưa quên quãng thời gian dẫn dắt ĐTVN ở vòng lọai World Cup 1994?
Tôi vẫn còn nhớ như in giai đoạn đó. Khi HLV Karl Heiz Weigang từ chối dẫn dắt ĐTVN, với cương vị là trợ lí tôi được chỉ đạo tạm quyền thay thế.
ĐTVN đã tập rất tốt, khí thế hừng hực, vậy mà chẳng hiểu sao cứ ra sân là thua trắng lưới (thua 7 thắng 1 - PV).
Đó là thời bóng đá đang nhiễu nhương, cái đẹp cũng có nhưng cái xấu cũng không thiếu. Nhưng đã là một cuộc chơi thì phải chịu sống chung với lũ.
Có bao giờ ông "chơi bài ngửa" với các cầu thủ chưa?
Con dại cái mang, là HLV trưởng tất nhiên tôi phải chịu trách nhiệm. Tôi cũng chẳng nhắc đến làm gì, bởi đó là chuyện của quá khứ.
Nhưng tôi thấy, ông tự hào về họ lắm…
Đúng thế, họ xứng đáng được coi là "thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam. Mỗi người có một cá tính, một cách chơi bóng khác nhau.
Còn bây giờ, tôi cảm thấy đi xem đá bóng mà như xem ca nhạc, anh chàng ca sỹ nào cũng hát na ná nhau, như thế thì khán giả họ chán lắm.
Để có được "thế hệ vàng" đó, hình như chúng ta đã có những kĩ nghệ đào tạo "gà nòi" rất bài bản?
Đúng thế, hồi đó chúng ta mang gần 30 cầu thủ đi nước ngoài tập huấn trong 2 tháng và đá hơn 30 trận với tất cả các CLB của Đức và Thụy Sĩ, trong bối cảnh đất nước còn rất khó khăn về kinh tế.
Có lúc chỉ đá với đội hạng 4 nhưng cũng có khi gặp đội có đẳng cấp cao hơn, như Bremen chơi ở Bundesliga.
Sau những chuyến cọ xát hàng tháng trời như thế, chúng ta đã lựa chọn được một bộ khung xuất sắc nhất. Chiếc HCB SEA Games 18 tại Chiang Mai (Thái Lan) là hoàn toàn xứng đáng.
Nên thành lập 'ngân hàng" HLV
Theo ông, HLV bây giờ khác với trước đây như thế nào?
Thời chúng tôi, để có được một chỗ đứng thì phải chứng minh được mình bằng cách chứng tỏ khả năng trong các kỳ thi rất khắt khe.
Còn bây giờ, bằng cấp này kia, nhưng thực tế chủ yếu là lý thuyết, thi xong xuôi tất cả lại về. Nói tóm lại, HLV thì phải được đào tạo cơ bản, từ vấn đề chuyên môn, dinh dưỡng, cho đến những thứ bổ trợ cho nghề…
Việc chọn HLV nội nào để dẫn dắt ĐTQG đang khá nóng, theo ông chúng ta nên chọn theo tiêu chí nào?
Dĩ nhiên và kinh nghiệm và sự hiểu biết về bóng đá Việt Nam. Ngoài chuyên môn, người đó phải có mối quan hệ tốt với các cầu thủ, với giới truyền thông, và có thể hoạch định một chiến lược dài hơi chứ không phải làm năm một.
Theo ông, các HLV nội đã đủ sức để thay thế các HLV ngoại chưa?
Tôi ủng hộ HLV nội, nhưng không phải theo cách chữa cháy. Đáng lẽ ra chúng ta phải chuẩn bị vấn đề này từ lâu, có chiến lược hẳn hoi. Sau thời các HLV ngoại, rõ ràng HLV nội cần có một chỗ đứng.
Họ không thể mãi mãi làm "tay sai" vặt vãnh được… Chúng ta cần phải thay đổi tư tưởng lên tuyển là "làm cánh tay nối dài" cho các HLV ngoại. Cần phải thành lập một "ngân hàng" HLV, có như thế mới không bị động.
Không thể 'vừa xay lúa vừa bế em'
Trong số những ƯCV cho chức HLV trưởng ĐTQG, ông chọn ai?
HLV Mai Đức Chung thuộc tuýp người hiền lành, đôi khi được lòng cầu thủ, nhưng không quá cá tính.
Phan Thanh Hùng đã có kinh nghiệm và thành tích, nhưng Hùng cũng hiền lành. Huỳnh Đức và Hữu Thắng rất cá tính. Ai trong số này làm cũng xứng đáng, nhưng nếu là tôi, tôi sẽ chọn Huỳnh Đức hoặc Hữu Thắng.
Tại sao?
Như tôi nói họ là những HLV có cá tính và bản lĩnh. Nói thẳng ra, Đức và Thắng là những người tỏ tường bóng đá Việt Nam.
Họ biết rõ mánh khóe, chiêu trò này nọ của các ngôi sao. Nói chung, tôi tin cả 2 người sẽ làm tốt, bởi HLV không chỉ có huấn luyện bóng đá.
Nhưng có ý kiến 2 con người này khó "chung xuồng". Hơn thế nữa, chúng ta cần ngay một kết quả tốt để lấy bàn đạp cho tương lai.
Hãy giao cho họ mỗi người một đội tuyển, để cho họ lên kế hoạch huấn luyện dài hơi. Phải cho họ thời gian chứ không thể làm kiểu ăn xổi ở thì nếu muốn thành công.
HLV nội giờ được hưởng mức lương 200 triệu đồng/tháng, ông thấy thế nào?
Theo tôi đó là mức lương không cao, cũng không thấp, nó xứng đáng với vị trí của một HLV trưởng ĐTQG. Nói nôm na, ngoài vinh dự, trách nhiệm, anh đã ngồi vào chiếc ghế đó, thì phải chấp nhận rủi ro.
Tiền lương cao cũng giống như một thứ phí, hay bảo hiểm, bởi không phải người nào, hay thời điểm nào cũng thành công.
Ông nghĩ thế nào về chuyện HLV ĐTQG nhưng vẫn huấn luyện CLB?
Tôi hoàn toàn phản đối kiểu làm HLV "2 trong 1", "vừa xay lúa vừa bế em". Đã là HLV ĐTQG thì nhiệm vụ quốc gia phải đặt lên hàng đầu, nếu làm việc cho CLB nữa sẽ rất dễ phân tâm, chưa nói đến cầu thủ bất phục, vì chuyện quân anh quân tôi.
Nhưng cái khó là những HLV này vẫn còn hợp đồng với đơn vị chủ quản…
Làm HLV trưởng ĐTQG là vinh dự không ai cũng có thể làm được. Tôi nghĩ điều quan trọng là HLV đó có muốn hay không. Còn phía các ông chủ, tôi tin vì lợi ích quốc gia họ sẽ ủng hộ thôi.
Xin cám ơn ông!
HLV Trần Duy Long (sinh năm 1941) quê gốc ở Vị Xuyên, Mỹ Lộc, Nam Định, từng nằm trong danh sách "Các cầu thủ vàng 50 năm bóng đá Việt Nam". 18 tuổi, ông đã khoác áo ĐTQG và nổi tiếng là một tiền vệ tổ chức tấn công mang phong cách hiện đại. Ông góp công xây dựng lối chơi theo sơ đồ chiến thuật 4-3-3 và đưa đội Tổng Cục Đường Sắt (TCĐS) đến ngôi vô địch bóng đá Việt Nam lần đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Sau năm 1980, ông chuyển vào TP.HCM làm HLV Trường Năng khiếu chuyên nghiệp. Hiện tại, ông Long giữ chức chủ tịch LĐBĐ TP.HCM (HFF). Ba đời thầy nội trong lịch sử Người đầu tiên lãnh nhiệm vụ dẫn dắt ĐTVN hội nhập là HLV Vũ Văn Tư, chuẩn bị tham dự SEA Games 1991. Tuy nhiên, ông chỉ tại vị đúng 7 ngày. Để lấp chỗ trống, người ta đã phải huy động HLV Nguyễn Sĩ Hiển lên làm nhiệm vụ. Thế nhưng, kết quả kỳ hội nhập ở Philippines năm đó không khả quan khi BĐVN mới lần đầu trở lại đấu trường quốc tế. HLV Trần Duy Long là người thứ ba ngồi lên chiếc ghế HLV trưởng ĐTVN chuẩn bị cho vòng loại World Cup 1994. |
Theo bongdaplus.vn