Hiu hắt khối C, vì đâu?

Hiu hắt khối C, vì đâu?
TP - Ông Lê Văn Đức - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Đồng Nai vừa cho biết, lượng hồ sơ khối C những năm trước của tỉnh này đã ít, năm nay càng ít hơn.

> Luyện thi là đỗ - thật hay bịp?

Trong số hơn 53.000 trường hợp, số hồ sơ đăng ký dự thi khối C chỉ có 1.417 bộ. Trong khi đó khối A chiếm hơn 50%. Với những gì được thông tin trên báo chí thì đây là tình trạng chung ở nhiều địa phương chứ không riêng gì Đồng Nai.

Đã có nhiều người cho rằng, tình trạng thiếu cân bằng này xảy ra là cái họa. Coi thường khối C tức là coi thường những giá trị nhân văn, giá trị tinh thần. Tất nhiên, học sinh có quyền lựa chọn và điều dễ thấy nhất khi người ta quay lưng với khối C là do quan niệm khối này học xong ra trường khó kiếm việc làm, khó có mức lương cao.

“Tất nhiên, việc học sinh thực dụng với sự lựa chọn của mình không có gì xấu. Nhưng ở góc độ phát triển xã hội, đây là điều đáng suy nghĩ”, một giảng viên (không muốn nêu tên) của Đại học KHXN& NV TPHCM nói.

Theo ông, sự lựa chọn của giới trẻ bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những nguyên nhân sâu xa như cơ chế, phương pháp đào tạo, hướng nghiệp...

“Ví dụ, giới trẻ lo học khối C không kiếm được nhiều tiền, nhưng không ai chỉ cho các em thấy, thực ra khoa học xã hội liên quan mật thiết đến kinh tế, đến đời sống”. Ông dẫn chứng: Một công ty bột ngọt có vốn FDI đang hoạt động ở VN khi vào thị trường nước ta đã thuê một trường KHXH&NV khảo sát thói quen ăn bột ngọt (mì chính) của các vùng.

Và sau đó, từ kết quả khảo sát, họ xây dựng các gói sản phẩm cho từng vùng. Ví dụ , ở miền Trung chỉ bán gói 3gr, miền Nam bán rất chạy các loại gói 30gr - 50gr. “Nhưng có mấy học sinh biết học KHXH&NV cũng là làm kinh tế?”, ông nói. “Kinh nghiệm của tôi cho thấy, học sinh bây giờ cứ nghĩ đến khối C là chỉ nhìn thấy hình ảnh của cô giáo dạy văn, ông cán bộ thư viện, anh phóng viên báo chí nghèo kiết xác”.

Về việc khuyến khích học sinh đến với các môn khoa học xã hội, cũng đã có một số ý kiến được đưa ra trên các diễn đàn. Ví dụ, có người cho rằng phải có cơ chế để tôn vinh các giá trị tinh thần (ví dụ như nhuận bút bài thơ phải nuôi sống được nhà thơ hay ít ra nó bằng cát-xê của một ca sĩ...), phải nâng cao đời sống vật chất cho đội ngũ những người làm nghiên cứu, giảng dạy, hoạt động trên lĩnh vực KHXH&NV.

Tức là, dù giá trị tinh thần là vô giá, nhưng ít nhất cũng phải có những việc “vật chất hóa” những giá trị tình thần ấy và chỉ nhà nước mới làm được điều này, thông qua các chính sách.

“Tuy nhiên, có những điều sâu xa mà chưa thấy ai đề cập”, vị giảng viên nói tiếp. “Đó chính là cách chúng ta giảng dạy các môn khoa học xã hội như văn, sử, triết học hay báo chí… Cứ nhìn môn văn trong nhà trường thì thấy. Họ đâu cho học sinh học văn (tức là học về cái đẹp), mà gần như là học chính trị.

Chính trị hóa các môn khoa học xã hội một cách quá mức sẽ khiến người học mỏi mệt, mất hứng thú. Họ quay lưng cũng là tất yếu”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vua Charles và Hoàng tử William tại lễ chuyển giao. (Ảnh: Reuters)
Vua Charles phong hàm cho Hoàng tử William
TPO - Vua Charles của Anh vừa chuyển giao vị trí cấp cao trong quân đội cho con trai ông là Hoàng tử William tại buổi lễ diễn ra ngày 13/5. Đây là lần xuất hiện hiếm hoi của hai người từ khi Vua Charles trở lại thực hiện nghĩa vụ sau thời gian điều trị bệnh ung thư.