HIEUTHUHAI bị lột đồ trên sóng truyền hình Việt: Phản cảm và quấy rối tình dục?

TPO - Quấy rối tình dục không chỉ xảy ra ở nữ giới. Vụ việc của HIEUTHUHAI trong chương trình 2 ngày 1 đêm là trường hợp điển hình của nạn xâm hại dưới vỏ bọc đùa giỡn, "có thiệt hại gì đâu mà sợ".

Ở tập 30 trong chương trình 2 ngày 1 đêm, phân cảnh với nội dung "HIEUTHUHAI bị lột sạch quần áo giữa trời đông rét buốt" gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Trong thử thách, một thành viên trong số 6 người được cử ra làm bia đỡ đạn (ở đây là HIEUTHUHAI), thành viên khác ngân nga bài hát nhưng không được hé miệng, những người còn lại phải đoán tên bài hát. Nếu đoán sai, HIEUTHUHAI phải bị lột một món đồ trên người.

Khi kết thúc trò chơi, HIEUTHUHAI gần như bị lột sạch đồ. Nam ca sĩ phải dùng thùng carton để che cơ thể, bộ phận nhạy cảm trước máy quay, ê-kíp. Trong lúc che chắn, HIEUTHUHAI vô tình bị đồng nghiệp kéo tấm carton xuống. Nam ca sĩ bất ngờ phản kháng. Chương trình phải dùng sticker che chỗ nhạy cảm. Phân đoạn được đánh giá là có kịch bản phản cảm. Hiện nhà sản xuất chưa đưa ra phát ngôn.

Với một số người, họ "phấn khích" vì thấy cảnh trai đẹp cởi trần trên sóng truyền hình. Những bình luận khiếm nhã như "Anh này phải là của em", "Hãy để em thay thế", "Hãy để em là người cởi đồ của Hiếu"... xuất hiện dày trên mạng xã hội.

Số khác lại bình phẩm ngoại hình của HIEUTHUHAI, đủ lời khen chê. Thậm chí có người bình luận rằng: "Tại sao phải che chỗ nhạy cảm khi người khác muốn nhìn".

Đáng chú ý, phần lớn người dùng đòi xem cơ thể HIEUTHUHAI là phái nữ. Điều đó xảy ra nghịch lý: Trong khi phụ nữ tỏ ra bất mãn với những người đàn ông bình luận ngoại hình phụ nữ, vẫn có nữ giới phấn khích, có bình luận thiên về tình dục với nam giới.

Quấy rối tình dục không chỉ xảy ra ở nữ giới hay ở trường hợp cụ thể nào. Nó hiện hữu trong chính cuộc sống chúng ta, mỗi ngày, hàng giờ, kể cả ở đàn ông. Việc bình thường hóa trò đùa về việc lộ cơ thể trên sóng truyền hình dấy lên mối lo ngại về vấn đề lạm dụng tình dục ngoài đời thực. Ở đây là trường hợp của HIEUTHUHAI.

HIEUTHUHAI bị lột đồ trên sóng truyền hình Việt: Phản cảm và quấy rối tình dục? ảnh 1

HIEUTHUHAI la hét vì bị đồng nghiệp trong chương trình 2 ngày 1 đêm cởi đồ.

Đàn ông cũng bị quấy rối tình dục

"Chưa có báo cáo không đồng nghĩa với việc không có", Giáo sư Paula McDonald từ trường Kinh doanh QUT viết trong báo cáo về việc nam giới bị quấy rối tình dục trong môi trường công sở.

Phần lớn trường hợp (khoảng 78,4%) là phụ nữ báo cáo bị nam giới quấy rối, số còn lại là báo cáo quấy rối từ nam giới.

"Thông thường đàn ông chịu trách nhiệm về hành vi quấy rối tình dục phụ nữ tại nơi làm việc, nhưng nam giới cũng là mục tiêu của quấy rối. Nó phổ biến hơn so với giả định của các nhà nghiên cứu, cộng đồng nói chung", giáo sư nói.

Điều quan trọng là phải làm sáng tỏ những biểu hiện ít điển hình hơn, đó là trường hợp nam giới bị phụ nữ hoặc đàn ông quấy rối. Giáo sư cho biết các khiếu nại bao gồm loạt các hành vi liên quan thể chất.

HIEUTHUHAI bị lột đồ trên sóng truyền hình Việt: Phản cảm và quấy rối tình dục? ảnh 2

Đàn ông cũng bị quấy rối tình dục bởi phụ nữ và chính những người đàn ông khác.

Có những trường hợp một người nam cáo buộc cấp trên là nữ yêu cầu anh vén áo lên để xem cơ bắp. Một người khác cáo buộc bị đồng nghiệp nam quát tháo cứng rắn lên, nếu không sẽ bị sờ chỗ nhạy cảm.

Hình thức quấy rối thể chất thường gặp nhất (chiếm đến 40% ở nạn nhân nam, 30% ở nạn nhân nữ) là đụng chạm, sờ, ôm một cách không mong muốn mà thường bị cho là đùa giỡn.

"Nghiên cứu này cho thấy bất kể giới tính của người khiếu nại hay cáo buộc quấy rối nào đều gây ra thiệt hại đáng kể về mặt tâm lý", giáo sư McDonald cho biết thêm.

Nạn nhân nam không dám lên tiếng

Bài viết trên Guardian cho thấy nhiều nam giới không dám lên tiếng sau khi trải qua việc bị tấn công tình dục.

"Tôi không dám tin điều đó đã xảy ra. Tôi muốn phủ nhận nhưng không thể", biên kịch Patrick Sandford nói với Guardian. Ông cho biết giấu kín chuyện bị tấn công tình dục từ khi còn nhỏ suốt 25 năm qua.

Về lý do che giấu, Sandford nói ông lo sợ khi nói ra sẽ bị người khác nói là kẻ yếu đuối. Nguy hại hơn là quan điểm: "Đàn ông mà, bị sờ soạng chút có gì đâu"...

Trong cuộc khảo sát trên 1.000 người của Guardian, có đến 9% nam giới tự nhận bị cưỡng hiếp, 14% bị gây áp lực, ép buộc quan hệ tình dục và 21% bị ép quan hệ tình dục với người lớn dù chưa đủ tuổi.

Nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Stop Street Harassment lại cho thấy có đến 81% phụ nữ và 43% nam giới Mỹ đối mặt hình thức quấy rối, tấn công. Trong khi nữ giới bị tấn công sẽ lên tiếng (dù sớm hay muộn), nam giới chỉ im lặng vì không dám lên tiếng hoặc thấy đó chỉ là "điều bình thường", "dù sao mình cũng không mất gì"...

HIEUTHUHAI bị lột đồ trên sóng truyền hình Việt: Phản cảm và quấy rối tình dục? ảnh 3

Nam giới thường không lên tiếng bị quấy rối tình dục do lo lắng, sợ bị cười chê.

Trong nghiên cứu của Trung tâm công lý, hòa bình và nhân quyền châu Phi, lý thuyết "nạn nhân lý tưởng" thường thuộc các đối tượng: nạn nhân yếu đuối (người già, phụ nữ), người được tôn trọng, người vô tội, kẻ phạm tội to lớn và xấu xa; không có mối liên hệ giữa nạn nhân và kẻ phạm tội

Kết quả cho thấy nạn nhân là nam giới không được xem là "nạn nhân lý tưởng" của việc bị quấy rối. Điều đó giải thích tại sao họ thường không bộc lộ mặt dễ tổn thương, thường bị phán xét gay gắt mỗi khi báo cáo bị xâm hại.

Giáo sư Nils Christie còn nói thêm rằng cảm giác tự trách mình và độ xác thực về lý do tại sao nam giới nhưng bị tấn công tình dục quá nặng nề khiến họ không dám lên tiếng.

"Sự kỳ thị xã hội, chuẩn mực văn hóa, sự kỳ thị đồng tính luyến ái là chất xúc tác ngăn cản nạn nhân nam tiết lộ trải nghiệm tấn công tình dục", Nils Christie nói thêm.

Ngoài ra, các nạn nhân nam bị tấn công, quấy rối tình dục có liên quan chặt chẽ đến nỗi sợ không được tin tưởng, bị đối xử tiêu cực hoặc bị đổ lỗi. Họ cảm thấy xấu hổ, không nhận được sự giúp đỡ hoặc xử lý triệt để chứng rối loạn tâm lý hậu sang chấn.

"Nạn nhân nam gặp định kiến về nam tính độc hại. Có người cho rằng chỉ nữ giới là người chịu thiệt trong các vụ sàm sỡ, quấy rối. Còn ở nam giới là 'có thiệt đâu mà sợ'. Giáo dục và nâng cao nhận thức về giới tính, tình dục và bạo lực tình dục là điều cần thiết để chống lại định kiến, bảo vệ nhạn nhân của nạn xâm hại và chữa lành vết thương tinh thần của nạn nhân", nghiên cứu chỉ rõ.

Tin liên quan