Huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) là huyện vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hội liên hiệp phụ nữ huyện Ea Súp đã triển khai được 4 mô hình, 2 câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”, qua đó góp phần đẩy lùi tình trạng này trên địa bàn.
Xã Cư Kbang là xã vùng khó của huyện, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 97% dân số toàn xã. Trước đây, nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, một số phong tục tập quán và quan niệm sống lạc hậu đã tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, tình trạng tảo hôn ở đây vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Trong các buổi sinh hoạt của thôn, buôn lồng ghép tuyên truyền |
Chị Đinh Thị Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cư Kbang, cho biết, trước đây, tình trạng tảo hôn xảy ra nhiều ở các thôn chủ yếu là người dân tộc Mông di cư vào. Phần lớn người dân điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Trước thực trạng trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chỉ đạo và hướng dẫn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã chọn thôn 15 để triển khai xây dựng mô hình điểm về “Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Từ khi tuyên truyền qua mô hình, người dân hiểu và nhận thức rõ, đến nay tình trạng này trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo chị Hương, giải pháp chủ yếu được địa phương triển khai là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, chủ yếu vào các buổi tối. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cư Kbang sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; đồng thời, sẽ nhân rộng mô hình này đến các thôn trên địa bàn.
Ban chủ nhiệm mô hình, câu lạc bộ đa dạng hình thức tuyên truyền |
Mô hình đầu tiên được triển khai tháng 3/2018 ở Chi hội phụ nữ buôn A2, thị trấn Ea Súp, với 80 hội viên ở mọi lứa tuổi tham gia sinh hoạt. Thành công từ mô hình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Súp đã nhân rộng được 6 mô hình, câu lạc bộ tại một số xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết đều hoạt động hiệu quả, từng bước hạn chế tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn. Bên cạnh nhân rộng mô hình, Hội đang đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để mỗi hội viên, là một tuyên truyền viên tích cực nâng cao nhận thức cho người dân.
Theo bà Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Súp, 3 tháng câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt 1 lần, nhưng có thời điểm đột xuất, có những nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ địa phương thì 1 tháng sinh hoạt 1 lần. Câu lạc bộ phổ biến đến các toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn Luật Hôn nhân và Gia đình; nguy cơ, hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các kỹ năng chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan… bằng ngôn ngữ nói và các hình ảnh trực quan sinh động để chị em dễ hiểu, dễ nắm bắt. Trong tình hình dịch bệnh, hạn chế tập trung đông người, các thành viên câu lạc bộ sẽ đi đến nhà của người dân tuyên truyền. Một năm ít nhất 2 lần, Hội phụ nữ huyện đi đến các thôn, buôn đông người dân tộc để tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Một mô hình, câu lạc bộ có trung bình từ 60 -70 thành viên. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa ra dẫn chứng cụ thể để phân tích rõ những hệ lụy của tình trạng tảo hôn làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt và hạnh phúc gia đình của họ trong tương lai... đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhận thức của bà con trong thôn, buôn từng bước được nâng cao, theo số liệu thống kê trong năm nay, toàn huyện không có trường hợp nào tảo hôn hay kết hôn cận huyết.