Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu nói gì về quy định cấm xe máy ở Hà Nội

Với việc có thêm đường sắt đô thị trên cao, đường Nguyễn Trãi được Sở GTVT lựa chọn thí điểm cấm xe máy. Ảnh: A. Trọng
Với việc có thêm đường sắt đô thị trên cao, đường Nguyễn Trãi được Sở GTVT lựa chọn thí điểm cấm xe máy. Ảnh: A. Trọng
TPO - Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, nguyên nhân dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn của Việt Nam nằm ở việc quản lý thiếu hiệu quả phương tiện tham gia giao thông, kỹ năng lái xe kém và ý thức chưa cao về an toàn giao thông đường bộ... Do đó, cấm xe máy ở các thành phố lớn là không khả thi.

Thị trường xe máy Việt Nam đứng thứ 4 thế giới

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), xe máy đã và đang là phương tiện giao thông phổ biến nhất tại Việt Nam. Vào năm 2017, Việt Nam có hơn 56 triệu xe máy, trung bình mỗi hộ gia đình sở hữu 2,4 chiếc xe. Xe máy đáp ứng hơn 70% nhu cầu đi lại và sẽ tiếp tục đóng góp vai trò là phương tiện giao thông chính ở Việt Nam trong những năm tới.

Trong giai đoạn 1995-2016, tổng doanh số xe máy tăng 13 lần, từ 4 triệu chiếc lên 52 triệu chiếc. Việt Nam cũng là thị trường xe máy lớn thứ 4 trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia), và thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, ổn định cả về chất và lượng.

Trong khi thị trường của các quốc gia khác đang bị bão hòa thì nhu cầu về xe máy tại Việt Nam dự kiến vẫn ở mức cao. Gần 3,4 triệu xe máy đã được bán ra trong năm 2018, tăng 3,5% so với năm 2017, theo số liệu của Hiệp hội các Nhà sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM).

Cũng theo EuroCham, nhu cầu lớn của thị trường khiến một số nhà đầu tư vẫn dành một nguồn vốn lớn vào ngành công nghiệp xe máy. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), có hơn 60 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này ở Việt Nam. Trong đó, có 50 công ty trực tiếp sản xuất trong khi các DN còn lại chuyên về lắp ráp xe máy.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10 DN đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường, bao gồm các công ty sản xuất xe máy đến từ Nhật Bản (Honda, Yamaha, Suzuki), Ý (Piaggio) và Đài Loan (SYM). Thu nhập tăng lên cũng dẫn đến nhu cầu về xe máy tăng cao và thị hiếu của khách hàng hiện nay thiên về các mẫu xe hiện đại, thời trang hơn, bằng chứng là xe tay ga tăng mạnh từ 18% vào năm 2012 lên 33% năm 2017.

Trên thực tế, doanh thu xe tay ga đã vượt xe máy thông thường ngay từ năm 2015. Các mẫu xe mới với nhiều chức năng cải tiến và thiết kế hiện đại ngày càng được ra mắt thường xuyên hơn, các nhà sản xuất cũng đầu tư nhiều hơn vào Nghiên cứu và Phát triển (R&D).

Các nhà sản xuất xe máy đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam trong những năm qua. Điều này đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ và kiến thức chuyên môn cho lao động trong nước.

Chẳng hạn, năm 2012, Piaggio Việt Nam công bố khoản đầu tư vào nhà máy sản xuất động cơ với công suất đạt 300.000 xe/năm, đã đi vào vận hành từ năm 2013. Thêm vào đó, tháng 11/2014, Honda Việt Nam đã đầu tư tổng số vốn 120 triệu USD để đưa vào vận hành nhà máy sản xuất xe máy thứ 4 với công suất đạt 500.000 xe/năm.

Thị trường xe máy Việt Nam sẽ tiếp tục là ngành công nghiệp đầy hứa hẹn cho các nhà sản xuất với tốc độ tăng trưởng cao về doanh thu và lượng tiêu thụ trong tương lai, đặc biệt là khi được hỗ trợ bởi một chiến lược phát triển rõ ràng và minh bạch của Chính phủ.

Cấm xe máy không hiệu quả

Trên phương diện đóng góp cho xã hội, ngành công nghiệp xe máy đã tạo ra số lượng lớn công việc cho lao động địa phương. Hơn nữa, ngành công nghiệp này đã và đang thực hiện các hoạt động khác nhau, góp phần phát triển xã hội, đặc biệt là những hoạt động nhằm cải thiện an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, EuroCham lo ngại, ngành công nghiệp xe máy vẫn gặp phải nhiều thách thức. Trước hết là đề xuất cấm lưu thông xe máy tại một số thành phố lớn vào năm 2030 như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

EuroCham cho rằng, xe máy là phương tiện không thể thiếu đối với đời sống hàng ngày và sinh kế của hàng triệu người. Nó đã trở thành phương tiện tiết kiệm và linh hoạt nhất, đặc biệt tại các thành phố như Hà Nội và TP.HCM, nơi đường phố chật hẹp và hệ thống phương tiện giao thông thay thế còn chưa phát triển.

Hiện nay và trong tương lai gần, hạ tầng giao thông công cộng trong các thành phố lớn không đủ để đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông của người dân. Vì lý do đó, việc cấm xe máy có thể tạo ra những khó khăn và bất lợi lớn cho người dân ở các thành phố lớn.

“Có thể lấy thành phố Jakarta là một ví dụ cho trường hợp này. Chính phủ Indonesia quy định cấm xe máy nhưng gặp phải sự phản đối của người dân do hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng của Jakarta không đủ để đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông của người dân, sau đó quy định cấm xe máy đã bị bãi bỏ", EuroCham dẫn chứng.

Ngoài ra, EuroCham cũng cho rằng, việc cấm xe máy không phải là giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tai nạn giao thông tại các thành phố lớn.

Nguyên nhân của các vấn đề này nằm ở việc quản lý thiếu hiệu quả phương tiện tham gia giao thông, kỹ năng lái xe kém và ý thức chưa cao về an toàn giao thông đường bộ. Quy định cấm được đề xuất cũng có thể gây thách thức lớn cho ngành sản xuất xe máy mà trong một thập kỷ qua đã thực hiện những khoản đầu tư dài hạn vào Việt Nam nhằm phát triển thị trường trong nước và quốc tế, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bên cạnh giá trị nộp thuế lớn và tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Trên cơ sở đó, EuroCharm cho rằng, chính quyền địa phương nên xem xét các giải pháp hiệu quả hơn nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

MỚI - NÓNG