Hiệp hội bảo vệ nghệ sĩ: Bình mới rượu cũ?

Các nghệ sĩ mong chờ APPA sẽ thực sự giúp đỡ họ trong nghề
Các nghệ sĩ mong chờ APPA sẽ thực sự giúp đỡ họ trong nghề
TP - Thông tin Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (gọi tắt là APPA) vừa ra đời mới đây đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là giới nghệ sĩ. Bởi đây không phải lần đầu tiên họ có “hội” và không phải “hội” nào ra đời cũng hoàn thành sứ mệnh của nó.

“Mái nhà chung” của nghệ sĩ

Theo NSND Thanh Hoa, người vừa được bầu làm chủ tịch của APPA, hội sẽ là cơ quan bảo vệ quyền tác giả cho các nhạc sĩ - ca sĩ, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội.

“APPA không chỉ là một tổ chức quản lý tập thể bảo hộ quyền của các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam mà còn là ngôi nhà chung của tất cả các nghệ sĩ biểu diễn, nơi đào tạo và giúp đỡ những nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, làm bà đỡ cho các tài năng âm nhạc và tôn vinh những giọng ca thuộc nhiều thế hệ bằng giải thưởng theo mô hình Grammy, dự kiến được tổ chức thường niên từ năm 2017”- Chủ tịch APPA cho biết.

Ban lãnh đạo của APPA là các tên tuổi có thâm niên trong hoạt động văn hóa nghệ thuật như NSND Thanh Hoa, NSƯT Hà Thủy, NSND Thanh Tâm, NSND cello Trần Thị Mơ, NS Lê Quang, NS Bùi Công Duy, ca sỹ Tân Nhàn, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, NSƯT Thanh Lam…

Ngoài ra, APPA còn có trách nhiệm bảo vệ hình ảnh và uy tín của các nghệ sĩ biểu diễn, trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng những thỏa thuận hợp tác cụ thể với Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam và Cục An ninh mạng C50 thuộc Bộ Công an. Theo đó, hội bảo vệ quyền phát ngôn, quyền từ chối xuất hiện, quyền yêu cầu bảo mật, đính chính phát ngôn và những quyền riêng tư của cá nhân người nghệ sĩ trước xã hội. Mọi hội viên của APPA đều có quyền yêu cầu Hội giúp đỡ, khi phải chịu những búa rìu dư luận không đáng có - dù vô tình hay ác ý.

Ngoài ra, các nghệ sĩ còn được bảo vệ quyền lợi tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có ký hợp đồng song phương với APPA. Nghệ sĩ sẽ được hưởng quyền lợi kinh tế với số tiền thu từ các đơn vị trong nước như đài truyền hình, phát thanh, khách sạn, vũ trường, các website âm nhạc… thông qua hợp đồng cấp phép biểu diễn hoặc việc sử dụng sản phẩm. Ngoài ca sĩ, nhạc công, APPA còn bảo vệ các nhạc sĩ, chủ yếu là nhạc sĩ biểu diễn.

Về việc thu phí quyền liên quan (đối với những sản phẩm ghi âm, ghi hình), để không chồng chéo với Trung tâm bảo vệ quyền Tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Hiệp hội ghi âm (RIAV), đại diện Cục Bản quyền cho biết sẽ phối hợp APPA với VCPMC và RIAV để thu các phần phí liên quan đến bản quyền của tác giả, ca sĩ, nhạc công và sản xuất, sau đó chia cho từng đơn vị.

Người trong cuộc ngập ngừng

Ca sĩ Minh Quân thừa nhận với thị trường âm nhạc đang có phần hỗn độn như hiện nay, các nghệ sĩ gặp rất nhiều thiệt thòi. “Bị bầu sô bùng tiền, bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo, thậm chí mời ca sĩ đến hát nhưng hệ thống âm thanh, ánh sáng quá sơ sài, gây ảnh hưởng đến giọng hát, uy tín của ca sĩ… Vì thế, việc có một cơ quan đủ tư cách pháp lý đứng ra bảo vệ, đòi quyền lợi cho chúng tôi là điều mà từ trước đến nay anh em chúng tôi vẫn mong đợi”- anh chia sẻ.

Từ trước đến nay, khi bị “ức hiếp”, các nghệ sĩ thường sẽ kêu than, trình bày trên facebook cá nhân để người hâm mộ và các cơ quan báo chí lên tiếng, tạo sức ép đòi lại quyền lợi cho mình. Liệu khi họ bị bùng cat-xê, bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo, bị nhà tổ chức lật kèo, bố trí chỗ ăn ngủ không tử tế, bị nói xấu, bôi nhọ trên mạng xã hội… APPA có bảo vệ hay đòi quyền lợi cho họ được không? Và sẽ làm thế nào để nhanh gọn, nhẹ nhàng, không làm ảnh hưởng đến thanh danh ca sĩ- đặc biệt là những người không thích scandal?

APPA sẽ hoạt động độc lập với con dấu riêng và phải tự túc hoàn toàn kinh phí. Theo ban điều hành, trước mắt trong năm đầu tiên, hội sẽ kêu gọi các nghệ sĩ tham gia, sau đó các hoạt động sẽ dựa vào nguồn xã hội hóa và đóng góp của các nghệ sĩ.

“Tôi nghĩ một năm đóng vài triệu tiền phí thì không phải quá lớn nhưng việc chi tiêu ở các hội thường thiếu minh bạch. Tôi chỉ sợ bình mới rượu cũ, nghệ sĩ chẳng thấy quyền lợi đâu lại chỉ thêm đau đầu, tốn kém. Có bao nhiêu hội rồi nhưng hoạt động có hiệu quả đâu, toàn nghệ sĩ phải tự bảo vệ mình hoặc chấp nhận thua thiệt”- Một ca sĩ giấu tên chia sẻ. 

“Sẽ rất khó cho ban điều hành bởi tiền không có, phải đi kêu gọi, mà không phải nghệ sĩ nào cũng sẵn sàng, nhất là trong giai đoạn ban đầu này, khi họ chưa thấy được lợi ích thực sự mà mình nhận được”- ca sĩ Minh Quân nhận định.

Ca sĩ Ánh Tuyết cũng thẳng thắn bày tỏ: “Tôi không tin tưởng lắm, mục đích thì tốt nhưng làm thế nào mới quan trọng”.

Lo ngại này không phải không có căn cứ khi trước đây đã có những vụ lùm xùm. Hay công ty Nhạc Xanh tố cáo Hiệp hội Công nghiệp ghi âm chỉ tư lợi mà không quan tâm đến quyền lợi của thành viên. Hay ồn ào nhất là sự kiện tác quyền ca khúc nhạc Trịnh Công Sơn giữa Ban tổ chức liveshow của ca sĩ Khánh Ly và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đã khiến nhiều người mất lòng tin vào trung tâm này.

Nhiều nghệ sĩ vẫn chần chừ tham gia APPA vì e ngại thủ tục sẽ rườm rà, bị quản lý gò bó… Tuy nhiên, theo số liệu ban lãnh đạo cung cấp thì hiện tại, APPA đã có hơn 500 hội viên. Vẫn còn sớm để nói APPA sẽ thành công hay thất bại với sứ mệnh của mình nhưng với ban điều hành là những nghệ sĩ hoạt động lâu năm trong nghề, gần gũi và thấu hiểu, họ sẽ biết rõ hơn ai hết nghệ sĩ cần gì.

MỚI - NÓNG