Theo Vasep, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad, Bộ NN&PTNT) cho biết, ngày 24/5/2016, Cơ quan thẩm quyền EU đã có văn bản cảnh báo tới các nước thành viên EU, về việc cá chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ nước ta.
Cảnh báo trên của EU có trích dẫn nguồn tham khảo từ một trang web tổng hợp hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế).
Trang này cũng khẳng định được chưa xác định được nguyên nhân cá chết. Những thông tin này đã gây lo ngại cho các nhà nhập khẩu thủy sản tại EU về chất lượng hải sản xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo Vasep, các ngư trường khai thác chính nguyên liệu hải sản phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu gồm các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào Nam Trung bộ (Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận…) và các tỉnh Nam bộ (Kiên Giang, Cà Mau…), được khai thác bằng các tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ.
Nguồn nguyên liệu của các địa phương này cung cấp hầu hết cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu các mặt hàng hải sản chính như cá ngừ, cua ghẹ, surimi cá khô và cá biển khác… Và nhiều doanh nghiệp cũng đang chế biến xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác.
Mặt khác, trong thời gian qua Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo khảo sát, lấy mẫu và khẳng định các khu vực khai thác xa bờ (vùng biển xa bờ ngoài 20-30 hải lý) thuộc 4 tỉnh có hiện tượng cá chết đều an toàn.
Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và triển khai các biện pháp để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Các địa phương đã tổ chức giám sát hoạt động khai thác, tổ chức lấy mẫu sản phẩm hải sản cập cảng để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng đó, Nafiqad đã yêu cầu các cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản tuyệt đối không thu mua cá chết để chế biến xuất khẩu, chủ động lấy mẫu giám sát tăng cường các chỉ tiêu ô nhiễm (thủy ngân, chì, cadimi, arsen) trong các lô hải sản nguyên liệu.
Đến nay, cùng với sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ của Nafiqad, các doanh nghiệp đã và đang nghiêm túc thực hiện việc kiểm soát các chỉ tiêu trên cũng như tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu ổn định.
Xuất khẩu hải sản tăng
Hiện Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 3 thị trường chính là EU chiếm 18%, Mỹ 20% và Nhật Bản 16% và đang có những thị trường tiềm năng như Trung Quốc (9,4%) và ASEAN (7,6%).
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2015, xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam (cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá khô, cá biển khác…) đạt trên 2 tỷ USD, chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Xuất khẩu thủy sản của cả nước 4 tháng đầu năm 2016 đạt trên 2 tỷ USD, tăng gần 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thì các mặt hàng kể trên đã đạt gần 650 triệu USD.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng đóng vai trò quan trọng cho các doanh nghiệp chế biến hải sản, như cá ngừ đạt, các loại cá biển, mực bạch tuộc, cua ghẹ, còn lại là các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ…
Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu hải sản từ 65 nước trên thế giới, trong đó nhập khẩu nhiều nhất từ Đài Loan, Ấn Độ, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Chile…
Vasep cho biết, năm 2016, xuất khẩu các mặt hàng hải sản đều được dự báo sẽ tăng so với năm ngoái, nhờ nguồn cung ổn định, nhu cầu hồi phục trên các thị trường chính. Trong đó dự báo xuất khẩu cá ngừ sẽ tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 10%, cua ghẹ, surimi, các loại cá biển và cá khô tăng 13%.
Theo Vasep, việc cá chết bất thường tại ven biển 4 tỉnh miền Trung không gây ảnh hưởng đến nguồn cung và mức độ an toàn cho nguyên liệu hải sản xuất khẩu.