Hiện thực hóa giấc mơ dang dở

Hiện thực hóa giấc mơ dang dở
TP - Bị ám sát ngày 4/4/1968 khi mới 39 tuổi, cuộc đời ngắn ngủi của mục sư Martin Luther King thức tỉnh lương tri nước Mỹ, đặc biệt là thế hệ trẻ, với khát khao cháy bỏng về một thế giới tự do, bình đẳng.
Hiện thực hóa giấc mơ dang dở ảnh 1
Mục sư Luther King: “Tôi có một giấc mơ...”

Ngày sinh của mục sư Luther King trở thành ngày lễ quốc gia King Day từ cách đây 23 năm. Ngày 15/1 hàng năm, trên khắp nước Mỹ diễn ra hàng loạt sự kiện để tưởng nhớ và vinh danh mục sư Luther King, người cống hiến cả thời trai trẻ trong cuộc đấu tranh cho dân quyền của người Mỹ da đen.

Sự kiện năm 2009 gây xúc động đặc biệt vì ngay sau đó sẽ là lễ tuyên thệ nhậm chức (20/1) của ông Barack Obama, Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia ở Mỹ cho rằng, việc ông Obama đắc cử tổng thống mới chỉ hiện thực hóa một phần giấc mơ của tiến sĩ Luther King.

“Tôi có một giấc mơ, tới một ngày trên những ngọn đồi vùng Georgia, con cái của nô lệ và chủ nô có thể ngồi cùng nhau như anh em. Tôi có một giấc mơ, bốn người con của tôi sẽ có một ngày sống trong một đất nước, nơi chúng sẽ không bị đối xử bằng màu da mà bằng cá tính của chúng. Hôm nay tôi có một giấc mơ.” –

 (trích diễn văn “Tôi có một giấc mơ”.)

Tổng thống Obama kêu gọi nhân dân tham gia hoạt động tình nguyện trên toàn quốc để hiện thực hóa giấc mơ của tiến sĩ Luther King thông qua công việc tưởng như giản đơn như phục vụ bữa ăn miễn phí, quét dọn trường học, đường phố hoặc giúp đỡ người già.

Ông Collin Powell, người làm nên lịch sử khi trở thành ngoại trưởng da đen đầu tiên ở Mỹ, được giao trách nhiệm phát động phong trào này. Ông Obama cùng gia đình tham gia một số hoạt động tại Washington nhằm góp phần khơi gợi lại những mục tiêu còn dang dở của mục sư Luther King.

Ông Sandy Scott, Phát ngôn viên Cơ quan Dịch vụ Cộng đồng & Quốc gia chuyên tổ chức sự kiện, cho biết năm 2008 có khoảng 500.000 người tình nguyện tham gia vào gần 5.000 dự án trong ngày lễ quốc gia King Day.

“Năm nay sẽ là sự kiện lớn chưa từng có khi được chính Tổng thống Obama kêu gọi tham gia. Số người tình nguyện sẽ lên tới hàng triệu”, ông Scott nói với tờ Washington Post. Theo đài CNN, trong giới sinh viên, đang diễn ra phong trào thảo luận về bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ”, so sánh giữa giấc mơ của tiến sĩ Luther King với cuộc sống hiện nay ở Mỹ. 

Giấc mơ dang dở

Tuổi thơ tổn thương vì bị phân biệt đối xử, sau khi tốt nghiệp đại học ở tuổi 19 và lấy bằng tiến sĩ, chàng trai da đen Luther King bắt đầu lãnh đạo các phong trào đấu tranh nhân quyền trên nguyên tắc bất bạo động.

Cuối năm 1956, khát khao của tiến sĩ Luther King đạt được bước ngoặt lớn khi thành công trong cuộc đấu tranh của người da đen chống lại việc chủ xe ở Montgomery phân chia khu vực ngồi trên xe buýt cho người da đen và da trắng.

Năm 1960, tiến sĩ Luther King, mới 31 tuổi, gặp và thuyết phục Tổng thống John Kennedy ban hành Luật Nhân quyền. Phong trào lên đến đỉnh điểm vào mùa hè năm 1963 khi mục sư Luther King đọc bài diễn văn bất hủ “Tôi có một giấc mơ” trước 250.000 người tại Đài tưởng niệm Lincoln, Washington.   

“Nhân dân Mỹ tưởng nhớ đến người đã đánh thức lương tri của một quốc gia. Chúng ta cũng tái cam kết sẽ theo đuổi giấc mơ mà tiến sĩ King từng một thời tận tụy. Đó là một nước Mỹ trong đó phẩm giá của mỗi người đều được tôn trọng, nơi mỗi người được đánh giá không qua màu da mà là cá tính và ở mỗi khu phố đều mang niềm hi vọng về một ngày mai tươi sáng hơn”.

 Tổng thống Mỹ George Bush

Mục sư Luther King cũng là một trong những người đi đầu phong trào phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ tiến hành tại Việt Nam.

Bằng sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử quật cường của Việt Nam qua các bài diễn văn nổi tiếng như “Thương vong của cuộc chiến tranh ở Việt Nam”, “Thời điểm phá vỡ sự im lặng”..., tiến sĩ Luther King gây tác động mạnh mẽ tới đông đảo nhân dân và giới lãnh đạo ở Mỹ.

“Tôi phản đối chiến tranh vì tôi yêu nước Mỹ. Tôi chống chiến tranh không bằng sự giận dữ, mà với sự lo lắng cùng nỗi buồn tận đáy lòng… Cuộc chiến này là một sự phỉ nhổ chống lại tất cả những gì mà nước Mỹ đại diện”, mục sư Luther King phát biểu năm 1967.

Những thông điệp về hi vọng và công lý trong cuộc đấu tranh bất bạo động của tiến sĩ Luther King giúp mang lại thay đổi lớn lao cho nước Mỹ, chế ngự tâm thức của hàng triệu con tim trên toàn thế giới.

Ông không chủ trương kêu gọi lòng hận thù chủng tộc mà là lý trí, không khơi dậy sự phẫn nộ mà là lương tâm của mỗi con người. Năm 1964, mục sư Luther King trở thành người trẻ nhất thế giới đoạt giải Nobel Hoà bình.

Vậy nhưng, khi giấc mơ còn dang dở, mục sư Luther King bị James Ray ám sát tháng 4/1968. Kẻ sát nhân này chết năm 1998 khi đang thụ án 99 năm tù giam.  

MỚI - NÓNG