Hiến đất làm đường ở vùng quê cách mạng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) là một trong những địa phương sớm nhất cả nước khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. Vùng quê cách mạng này tiếp tục đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường ở Bắc Giang.

Sẵn sàng hiến đất vì lợi ích chung

Đi trên con đường bê tông mở rộng ven đê vào thôn Xuân Biều (xã Xuân Cẩm), nhiều người dân trong thôn vẫn nhớ như in không khí sôi nổi hiến đất mở đường. Gia đình chị Lê Thị Mẫu (SN 1984) là một trong những hộ hiến nhiều đất thổ cư nhất thôn Xuân Biều để làm đường. Chị Mẫu chia sẻ, tháng 10/2022, cán bộ thôn và xã có đến gia đình chị vận động hiến đất mở đường mới vào thôn để việc đi lại được thuận tiện. Vợ chồng chị rất băn khoăn, bởi lẽ, nếu hiến đất thì gia đình chị phải dỡ bỏ một phần ngôi nhà 3 tầng đang ở. “Vợ chồng tôi bàn đi tính lại suốt một tháng, rồi quyết định dỡ nhà để hiến đất làm đường. Nhiều người dân trong thôn hưởng ứng hiến đất để làng xóm phát triển, chúng tôi cũng làm theo”, chị Mẫu bày tỏ.

Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho hay, ngày 12/3/1945, tại đình làng Xuân Biều (xã Xuân Cẩm) đã nổ ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh Bắc Giang và cũng là một trong những địa phương sớm nhất cả nước. Ngày nay, phát huy truyền thống cách mạng, người dân xã Xuân Cẩm đi đầu trong phong trào hiến đất mở đường ở huyện Hiệp Hòa.

Gia đình chị Mẫu tự đập bỏ một phần ngôi nhà 3 tầng để hiến khoảng 50m2 đất thổ cư. Sau đó, gia đình chị bỏ ra hơn 200 triệu đồng để hoàn thiện lại ngôi nhà. Chị Mẫu cho biết thêm, gia đình chị có nghề làm khung nhôm kính. Từ khi có con đường mới rộng rãi, xe ô tô tải vào tận nhà nên đi lại dễ dàng, giúp việc làm ăn của gia đình chị thuận tiện hơn.

Một ngày tháng 4/2022, khi cán bộ xã và thôn đến bàn với ông Nguyễn Tiến Đạt (thôn Xuân Biều) về việc mở rộng đường làng, cần gia đình ông Đạt và các hộ khác trong thôn hiến đất. Cán bộ thôn mong muốn ông là hạt nhân để thúc đẩy các hộ khác hiến đất. Ông Đạt không cần suy nghĩ nhiều, ông đồng ý hiến ngay 15m2 đất thổ cư và 48m2 đất ruộng của gia đình. Gia đình ông tự nguyện tháo dỡ phòng ngủ nằm sát ven đường để hiến đất. Gia đình ông Đạt là một trong những hộ tiên phong trong phong trào hiến đất mở đường ở thôn Xuân Biều. “Tôi từng là người lính, vợ tôi là đảng viên, bởi vậy, chúng tôi nhận thức được việc gì mang lại lợi ích chung, giúp được cho làng xóm phát triển thì mình sẵn sàng làm. Chúng tôi còn vận động bà con hàng xóm cùng tham gia hiến đất để đường làng thêm rộng và đẹp”, ông Đạt tâm sự.

Hiến đất làm đường ở vùng quê cách mạng ảnh 1

Ông Nguyễn Tiến Đạt thôn Xuân Biều (xã Xuân Cẩm) tự nguyện tháo dỡ phòng ngủ để hiến đất mở rộng đường làng Ảnh: Nguyễn Thắng

Đảng viên làm trước, người dân làm theo

Vào ngày nghỉ cuối tuần, những cán bộ xã Xuân Cẩm và ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng thôn Cẩm Hoàng cùng ban, ngành đoàn thể vẫn tranh thủ đi vận động những hộ cuối cùng trong thôn hiến đất để mở rộng đường làng. Ông Dũng cho biết, từ tháng 4/2023, thôn Cẩm Hoàng kêu gọi người dân hiến đất để mở rộng đường làng lên 12m. Đến nay, thôn Cẩm Hoàng đã có 173 hộ hiến 7.200m2 đất. Đặc biệt có 6 gia đình trong thôn tự nguyện phá toàn bộ nhà ở để hiến đất, rồi làm lại nhà mới.

Hiến đất làm đường ở vùng quê cách mạng ảnh 2

Người dân xã Xuân Cẩm tháo dỡ nhà ở hưởng ứng hiến đất làm đường

Ảnh: Nguyễn Thắng

Ông Ngô Hữu Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Cẩm cho hay, những năm gần đây, kinh tế xã Xuân Cẩm có sự “bùng nổ”, trong đó phát triển mạnh nghề mộc và trồng hoa đào bán Tết. Bởi vậy, nhu cầu cấp thiết là mở rộng đường giao thông trong xã để ô tô có thể vào tận nhà dân thuận tiện cho phát triển kinh tế. Đầu năm 2022, Đảng ủy, UBND xã Xuân Cẩm đã chỉ đạo cấp ủy, trưởng phó thôn, các đoàn thể từ xã đến thôn vận động người dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn (do không có kinh phí đền bù). Tuyến đường mở rộng đi qua các làng cổ, người dân làm nhà và các công trình kiên cố. Nhiều gia đình hiến đất thì phải tháo dỡ nhà ở, rồi xây lại nhà mới. Bởi vậy, việc hiến đất làm đường gặp không ít khó khăn.

Ông Thủy cho biết, để có thể thuyết phục người dân hiến đất, cán bộ và đảng viên trong xã Xuân Cẩm phải nêu gương. Những cán bộ lãnh đạo trong Đảng ủy và UBND xã Xuân Cẩm, người đứng đầu mặt trận, đoàn thể, trưởng và phó thôn tự nguyện hiến đất trước. Đồng thời, chính quyền công khai, minh bạch việc làm đường để phục vụ lợi ích chung đến từng người dân. Thấy cán bộ, đảng viên làm trước, người dân hưởng ứng làm theo. Sau đó, người này vận động người kia, tạo nên phong trào cùng hiến đất mở đường phát triển kinh tế và làm đẹp làng xóm trên toàn xã Xuân Cẩm. Đến nay, xã Xuân Cẩm có hơn 500 hộ dân đã tháo dỡ nhà, công trình phụ, hiến hơn 20.000m2 đất (trong đó có 18.000m2 đất ở) để mở rộng trục đường thôn, liên thôn, với tổng chiều dài gần 8km. Ngoài việc hiến đất, người dân còn tự bỏ kinh phí (trên 30 tỷ đồng) xây dựng lại các công trình của gia đình mình. Các thôn trong xã Xuân Cẩm thực hiện xã hội hóa gần 2 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo và người dân tháo dỡ công trình khi hiến đất làm đường. Diện tích đất hiến làm đường nếu quy ra tiền ước khoảng 300 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Đề xuất tăng trợ cấp bảo hiểm xã hội lên 750.000 đồng/tháng
Đề xuất tăng trợ cấp bảo hiểm xã hội lên 750.000 đồng/tháng
TPO - Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay đã có 14 tỉnh, thành phố nâng mức trợ giúp xã hội cao hơn quy định. Để thực hiện đồng bộ với chính sách cải cách tiền lương trong thời gian tới, Bộ đang đề xuất nâng chuẩn trợ cấp mỗi tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng.