Bi kịch từ sự dị dạng
Khoảng 6 giờ sáng, chúng tôi gặp một phụ nữ dáng tiều tụy, ngồi rầu rĩ ở hàng ghế cuối tại sảnh hành lang BV phụ sản Từ Dũ. Nghe hỏi thăm, chị thở dài kể chuyện đời mình trong nước mắt: “Anh ấy là con trai trưởng, gia đình toàn chị em gái nên hy vọng có đứa cháu đích tôn được ông bà gửi gắm vào vợ chồng mình. Khốn nỗi tử cung của mình bất thường, hễ có thai được 2 - 3 tháng là thai chết. Mình đã chữa trị khắp nơi, tìm đến nhiều thầy bà có tài nắn tử cung nhờ chữa trị nhưng chẳng thấy tiến triển gì”, vừa kể chị vừa rấm rứt khóc.
Chị bảo mình tên Hòa (PV đã đổi tên) năm nay đã 29 tuổi, ngụ huyện Từ Liêm, Hà Nội. Hỏi vì sao không chữa trị ở ngoài ấy mà phải lặn lội vào Nam, chị giãi bày hai vợ chồng cùng là công chức, quan hệ cũng rộng nên sợ khám tại Hà Nội bị đồng nghiệp, người thân, bạn bè biết rồi đồn rần lên, mẹ chồng mà biết thì chuyện sẽ rất nghiêm trọng.
Vào trung tuần vừa qua, sau rất nhiều bàn luận, luật cho phép người thân trong gia đình hai bên vợ (hoặc chồng) mang thai hộ, chính thức có hiệu lực. Đây là tin vui với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, mà nguyên nhân bắt nguồn từ những trục trặc về đường sinh nở.
Chị Hòa tâm sự: “Nếu lần này không thành, vợ chồng mình chắc sẽ nhờ người mang thai hộ. Mình đã rao trên các diễn đàn cần người thực hiện dưới hình thức thụ tinh ống nghiệm và có danh sách gần cả chục người sẵn sàng... Đường cùng phải nhờ họ thôi! Và trong rất nhiều tin phản hồi, vợ chồng mình chấm một cô 24 tuổi, đang là công nhân, từng trễ một lần đò. Cô ấy cho biết có nhiều điểm trội hơn người khác như đã từng một lần sinh đẻ bằng phương pháp tự nhiên, không uống thuốc ngừa thai, không nghiện thuốc lá”.
Có nỗi buồn nào hơn những người vợ như chị Hòa, để giữ hạnh phúc gia đình đã phải cậy nhờ người khác giúp mình mang thai hộ: “Nói thật là ở ngoài mình, những người chịu mang thai hộ cũng đáo để lắm nên vợ chồng mình không yên tâm. Nếu đường cùng chắc mình phải xin chuyển công tác vào đây rồi nhờ người trong này. Nói trước bước không tới, thôi thì tới đâu hay tới đó!” - chị bộc bạch.
Được một lần làm sản phụ bế bồng con trẻ là khát khao của nhiều người vợ hiếm muộn.
Chỉ mong một lần mang thai
Chuyện tìm con của chị Lan Anh (28 tuổi, ngụ Hà Tây, Hà Nội) cũng đong đầy nước mắt. Tại hàng ghế chờ trước quầy thuốc BV Từ Dũ, chị tâm sự: “Trong cuộc sống vợ chồng, dù căn nhà to đến cỡ nào đi nữa, điều kiện kinh tế có đủ đầy đến thế nào cũng chẳng thể gọi là tổ ấm, nếu thiếu tiếng nói cười của trẻ thơ”.
Điều may mắn cho chị là trong khi nhiều người vợ bị áp lực con cái từ phía chồng và gia đình thì chị hoàn toàn ngược lại: “Biết vợ có tiền sử về tim mạch, nếu mang thai dễ nguy hiểm đến tính mạng nên nhà em không cho mang thai. Anh ấy bảo con ruột không có thì tìm con nuôi hay nuôi con các chị em của mình. Nhưng anh ấy càng độ lượng bao nhiêu thì em càng lo sợ bấy nhiêu” - giọng chị Lan Anh chùng xuống - “Vì dẫu có yêu thương nhau thế nào đi nữa nhưng theo thời gian, do khát vọng được làm cha mẹ thôi thúc, người chồng hoặc vợ sẽ tìm cách “cải thiện” để kiếm con. Chuyện tan vỡ do một trong hai người bị vô sinh là điều khó thể tránh khỏi”.
Có tận mắt thấy và nghe những người vợ không được trời ban cho thiên chức làm mẹ mới hiểu họ đáng thương đến thế nào. Đặc biệt, khoảnh khắc họ nhìn những người vợ, người mẹ bế bồng con trẻ xuất viện sau khi sinh với ánh mắt khát khao, ngưỡng mộ mới hiểu tiếng trẻ bi bô là thứ quý giá nhất trong cuộc đời họ.
Vào Khoa hiếm muộn của BV Từ Dũ nuôi hy vọng được mang thai và có con như bao người, chị Lan Anh đang tính đến giải pháp liều: “Với tình trạng bệnh của em, nếu mang thai thì xác suất sống chết là 50/50. Như vậy còn hơn chứ sống như vầy, không bằng chết. Em tính kỹ rồi, nếu lần này khám vẫn không cho kết quả như mong đợi thì khi về Bắc em sẽ liều một phen. Được cái là lâu nay hai vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai bằng thuốc, nếu quyết định mang thai em chỉ việc ngưng thuốc thôi. Anh nhà em không thể biết được”.
Càng nghe tâm sự của những phụ nữ từ các tỉnh phía bắc vì nhiều lý do phải vào Nam chữa chứng hiếm muộn sao mà xót xa quá đỗi. Người tính đến chuyện dứt áo ra đi để chồng lập gia đình với người khác đặng có cơ hội được làm bố, người bất chấp mạng sống để có thể một lần mang thai và sinh được đứa con trong mơ..., càng thấy cuộc đời quả là nghiệt ngã, bởi với những người tôi gặp hôm nay, đứa con là cả một trời mơ ước với họ, trong khi đó một số người mẹ lại nhẫn tâm vứt bỏ núm ruột của mình, có người khi biết mang thai sau khi “sống vội” đã đoạn đành hủy hoại sự sống đang lớn dần trong cơ thể. Sự đời sao mà lắm nỗi oái ăm!
(Còn tiếp)