Tại Hà Nội, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều căn hộ ở những khu chung cư cũ như khu Thành Công, Đền Lừ, Bách Khoa, Tôn Thất Tùng, Trung Tự… đều có những khung lồng sẵn nhô ra ngoài ban công. Thay vì nơi này để lấy không khí lưu thông thì các hộ dân biến thành nơi sinh hoạt chính thức của gia đình.
Chị Nguyễn Hà sinh sống tại khu chung cư cũ B7 Thành Công cho biết, nhà chị ở đây bao năm nay chưa thấy nguy hiểm gì. “Ở đây chúng tôi tiện sinh hoạt và con cháu học hành gần nên không muốn đi đâu. Ở khu tôi nhà nào có ban công đều cơi nới thêm một phòng ngủ hoặc là nơi nấu nướng”, chị Hà nói.
Khi được hỏi vừa có vụ cháy xảy ra tại chung cư cũ, chị Hà cũng bình thản cho rằng, việc này do ý thức của mọi người chứ không nên đổ lỗi cho “chuồng cọp”.
Câu chuyện của chị Hà cũng là câu chuyện chung của nhiều người đang ở khu chung cư cũ hiện nay. Họ đều khẳng định họ an toàn và cháy nổ không bao giờ xảy ra ở khu của họ.
Ngoài việc cơi nới thì lối đi ở các chung cư cũ bị các hộ dân lấn chiếm kinh doanh, để xe cũng sẽ gây khó khăn cho cứu hộ nếu hỏa họa xảy ra. Ảnh: Như Ý
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Huy Toản, Chủ tịch phường Thành Công cho biết, trên địa bàn phường có số lượng chung cư cũ nhiều nhất Hà Nội, lên tới 67 chung cư và hầu hết là những chung cư đã hết niên hạn sử dụng. Ngay từ khi đưa vào sử dụng, nhiều hộ dân đã cơi nới, làm “chuồng cọp” phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Đây là những tồn tại lâu năm, bên cạnh đó, nhiều “chuồng cọp” được gia cố lại nhiều lần, ăn vào cốt công trình, nên rất khó xử lý.
“Bây giờ chúng tôi tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân để làm thế nào không để hoả hoạn xảy ra tại khu chung cư mình. Việc phá dỡ là rất khó nên chỉ có thể động viên người dân”, ông Toản nói.
Còn một lãnh đạo thanh tra quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, việc xử phạt người dân “cơi nới” khu chung cư khó bởi hiện tượng này diễn ra lâu. Điều này là vi phạm nhưng cũng phải xét trong bối cảnh sinh hoạt của người dân. Theo vị này, cách tốt nhất xoá bỏ “chuồng cọp” để tạo mỹ quan cho đô thị và an toàn cho chính người dân là cho doanh nghiệp vào cải tạo chung cư cũ.
Đại diện Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, đa số chung cư cũ đều thiếu phòng cháy chữa cháy. Việc gia cố vật liệu kiên cố vào cửa sổ, ban công… nên khi cháy xảy ra, lực lượng PCCC tiếp cận cứu người rất khó khăn. Chưa kể mất thời gian để cắt “chuồng cọp”, cắt khóa cửa… nên tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân gặp nhiều khó khăn.
Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà ghi rõ: Phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: đục phá, cải tạo, cơi nới dưới mọi hình thức. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ bộ phận công trình đối với các vi phạm theo quy định.