Hôm 30/5, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) đã tiến hành thử nghiệm thành công hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất trong tình huống giả định là Mỹ bị tấn công bằng một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Quân đội Mỹ đã phóng thiết bị đánh chặn từ một hầm ngầm tại căn cứ Không quân Vandenberg ở bang California (Mỹ). Trong khi tên lửa mục tiêu giả định là ICBM được phóng từ căn cứ Kwajalein Atoll.
Thiết bị đánh chặn mặt đất đã tiêu diệt thành công tên lửa mục tiêu giả định chỉ bằng một cú va chạm với độ chính xác cực cao, dù bệ phóng tên lửa và bệ phóng thiết bị đánh chặn nằm cách nhau tới 8.000 km.
Trong số 17 cuộc thử nghiệm hệ thống GMD tính từ năm 1999 đến 2014, chỉ có tổng cộng 9 cuộc thử nghiệm đạt được thành công.
Kể từ lần thử nghiệm thành công hồi tháng 6/2014 cho đến trước ngày 30/5, MDA chưa tiến hành thêm cuộc thử nghiệm nào.
Lần thử nghiệm mới nhất được Phó Đô đốc Jim Syring - Giám đốc MDA gọi là một “thành tựu đáng kinh ngạc”, cho thấy “nước Mỹ có khả năng chống lại những mối đe dọa thực tế”.
Tuy nhiên, ông Philip E. Coyle – cựu quan chức Lầu Năm Góc, nghiên cứu viên tại Trung tâm Giải trừ và Kiểm soát vũ khí (Mỹ) lại cho rằng cuộc thử nghiệm tiêu tốn 244 triệu USD hôm 30/5 thực chất chỉ là một bước tiến rất nhỏ của Mỹ. “Một bước tiến nhỏ mà mất tới 3 năm (từ 2014 đến 2017 – PV)”, ông E. Coyle nói.
E. Coyle chỉ ra rằng tên lửa mà Mỹ sử dụng làm mục tiêu giả định thực chất có tốc độ bay chậm hơn tên lửa ICBM của Triều Tiên. Kỹ sư Triều Tiên cũng đã bắt đầu sử dụng nhiên liệu rắn cho các loại tên lửa của mình, giúp tên lửa khai hỏa nhanh hơn.
Thậm chí, Bình Nhưỡng được cho là đang tiến gần hơn tới khả năng có thể đưa đầu đạn hạt nhân vào tên lửa và có thể phát triển những đầu đạn mồi đủ tinh vi để đánh lừa hệ thống đánh chặn của Mỹ.
Vì vậy, E. Coyle nhận định: “Thành công mà chúng ta đạt được trong lần thử nghiệm này rất quan trọng, vì nó đánh dấu hai lần thành công liên tiếp kể từ năm 2014.
Nhưng nhìn rộng ra, trong 5 cuộc thử nghiệm gần nhất kể từ năm 2010, chúng ta chỉ thành công 2 lần. Tỉ lệ thành công chỉ là 40%. Như ở trường học, điểm số đạt 40% thì chưa đủ để qua môn.
Dựa trên kết quả thử nghiệm của MDA, tôi nghĩ rằng chúng ta chưa thể hoàn toàn tin tưởng rằng hệ thống đánh chặn này có thể ngăn chặn tên lửa tầm xa của Triều Tiên.”
Cùng quan điểm, Hạ nghị sĩ Adam Smith, thành viên cấp cao trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ dù đã chúc mừng thử nghiệm thành công của MDA nhưng vẫn nhấn mạnh rằng “còn rất nhiều thứ cần làm để đảm bảo rằng chúng ta có một hệ thống lá chắn hiệu quả và đáng tin cậy.”