Hé lộ về sức mạnh của 'mắt thần' Nga trên chiến trường Syria

Nga phóng vệ tinh Resurs-P2 vào tháng 12/2014. Ảnh: Roskosmos.
Nga phóng vệ tinh Resurs-P2 vào tháng 12/2014. Ảnh: Roskosmos.
Không chỉ có vũ khí trên bộ, trên biển và trên không, quân đội Nga còn vươn xa sức mạnh đến không gian để kiểm soát tình hình trên chiến trường Syria.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đến nay đã kéo dài hơn hai tháng, với sự tham gia của các loại chiến đấu cơ công nghệ cao, máy bay ném bom hạng nặng, những khẩu pháo uy lực trên mặt đất, và thậm chí cả chiến hạm và tàu ngầm phóng tên lửa từ rất xa. Tất cả đều được trình diễn công khai với hình ảnh tràn ngập mặt báo. Nhưng có một lực lượng ít lộ diện hơn, dù sức mạnh không kém phần ấn tượng đã được Nga huy động, đó là các vệ tinh không gian.

Nga tuyên bố đã điều hướng 10 vệ tinh - chiếm hơn 10% số vệ tinh của nước này - về phía Syria để lập bản đồ địa hình, tìm kiếm mục tiêu, thu thập thông tin tình báo, cũng như làm cầu nối liên lạc giữa các lực lượng hải, lục, không quân.

Theo The Daily Beast, từ giữa tháng trước, điện Kremlin bắt đầu cung cấp thông tin chi tiết về lực lượng không gian của mình, đầu tiên dưới dạng thông cáo chính thức và sau đó là thông qua các kênh truyền thông nhà nước.

Đầu tháng này, chính phủ Nga đã công bố hình ảnh từ các vệ tinh của mình, trong một nỗ lực nhằm chứng tỏ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tay cho các phần tử khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) "xuất khẩu" dầu.

"Nga giờ có trong tay một trong những lực lượng vệ tinh đông đảo và hiệu quả nhất thế giới, và cường độ hoạt động đã lên đến mức cao nhất trong chiến dịch quân sự tại Syria", trang web tuyên truyền Russia Beyond the Headlines của Moscow viết.

Hé lộ về sức mạnh của 'mắt thần' Nga trên chiến trường Syria ảnh 1

Nga công bố ảnh vệ tinh mà họ nói rằng cho thấy xe chở dầu của IS gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.

Mỹ hàng thập kỷ qua cũng sử dụng vệ tinh trong các cuộc chiến, với nhiệm vụ dẫn đường cho bom, truyền phát tín hiệu và thu thập tin tức tình báo. Theo tổ chức phi lợi nhuận Union of Concerned Scientists, Mỹ đang dẫn đầu thế giới về số lượng vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất, với khoảng 400 vệ tinh, trong đó có 200 mẫu phục vụ quân sự. Trong khi đó, cũng theo số liệu của tổ chức này, Nga xếp thứ hai thế giới với 89 vệ tinh, trong đó có khoảng 50 thuộc sở hữu hoặc phục vụ các lực lượng vũ trang.

Dù vậy, sau giai đoạn suy yếu hậu Chiến tranh Lạnh, Moscow đang tái thiết lực lượng vệ tinh của mình. Và nếu những tuyên bố của Kremlin là chính xác, thì một số vệ tinh mới nhất và hiện đại nhất của Nga đang tham gia cuộc chiến tại Syria.

Hôm 17/11, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov tóm tắt cho các phóng viên về hoạt động triển khai lực lượng không gian. "10 vệ tinh hình ảnh và trinh sát tác chiến điện tử, bao gồm các vệ tinh dân sự, đã tham gia trinh sát", ông Gerasimov nói. Tổng tham mưu trưởng cho biết thêm các trạm điều khiển mặt đất đã hiệu chỉnh quỹ đạo một số vệ tinh hướng về Syria.

Tướng Gerasimov không tiết lộ chính xác những loại vệ tinh nào được nói tới, nhưng chuyên gia độc lập về chương trình không gian Nga, Anatoly Zak, cho rằng có thể suy luận được. "Có thể rút ra một số nhận định dựa trên dữ liệu sẵn có về các vệ tinh đang hoạt động của Nga", ông Zak viết.

Theo chuyên gia này, 10 vệ tinh đó bao gồm vệ tinh lập bản đồ địa hình Bars-M, vệ tinh chuyển tiếp tín hiệu radio Garpun, vệ tinh nghe lén điện tử Lotos-S, và có lẽ đáng chú ý nhất là các vệ tinh hiện đại Resurs-P2 và Persona. Đây là hai vệ tinh mang theo các camera có độ phân giải cao, hay nói cách khác là "vệ tinh tình báo".

Persona là một hệ thống chỉ phục vụ cho quân đội và là "vệ tinh trinh sát hiện đại nhất của Nga", ông Zak khẳng định. Resurs-P2 là phiên bản kém hiện đại hơn của Persona, phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự. "Vệ tinh này có thể nhận lệnh chụp ảnh từng vật thể riêng biệt trên bề mặt Trái đất, cũng như quét một dải đất tới 2000 km", Zak bình luận về Resurs-P2.

Sức mạnh trinh sát này giúp ích lớn cho Kremlin, khi hồi cuối tháng trước, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào thế đối đầu tại Syria. Moscow đang hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ trợ giúp một số nhóm đối lập, và tấn công các chiến binh người Kurd tại Syria.

Mối quan hệ giữa Ankara với IS khá phức tạp. Một số nhà phê bình thậm chí cáo buộc nước này cho phép, nếu không muốn nói là khuyến khích, các hoạt động của IS dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Hôm 24/11, chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi một máy bay ném bom Nga, trên khu vực gần biên giới Syria, với cáo buộc máy bay Nga vi phạm không phận, khiến một phi công Nga thiệt mạng. Đáp lại, Moscow áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt kinh tế, trước khi cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu dầu phi pháp của IS. Dầu được cho là hoạt động đem về một nửa doanh thu cho nhóm khủng bố này.

Hôm 3/12, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố ảnh vệ tinh, gần như chắc chắn do các vệ tinh Persona hoặc Resurs-P2 ghi lại, cho thấy hàng nghìn xe chở dầu của IS hướng về một kho cảng của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống nước này, ông Recep Tayyip Erdogan, đã bác bỏ cáo buộc.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.