Hé lộ về nàng thơ của Trịnh Công Sơn - danh ca Thanh Thúy

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một trong những “Em” giúp nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật, chính là danh ca Thanh Thúy. “Ướt mi”, được xem là ca khúc đầu tay của Trịnh, ra đời nhờ nguồn xúc cảm về hình bóng và tiếng hát của mỹ nhân có giọng hát liêu trai. Nhưng trong nghệ thuật Trịnh Công Sơn - Thanh Thúy không phải một “cặp”. Nhắc đến tiếng hát Thanh Thúy phải nhắc đến những nhạc phẩm của nhạc sỹ Trúc Phương, người được mệnh danh “Ông hoàng Bolero”.

Trịnh Công Sơn viết “Ướt mi” để bày tỏ niềm ngưỡng mộ với Thanh Thúy. Ông từng chia sẻ hoàn cảnh sáng tác “Ướt mi” như sau: “Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, đêm nào tôi cũng đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì chưa hẳn, vì tôi mang mặc cảm nghèo và vô danh. Trong khi đó Thanh Thúy là một ca sỹ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền mua một ly đá chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát khao đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc “Ướt mi” đầu tiên trong đời”.

Tình cảm của “Ông hoàng Bolero” đối với ca sỹ Thanh Thúy không giống Trịnh Công Sơn. Con trai nhạc sỹ Trúc Phương, ông Trúc Lê, đã chia sẻ những kỷ niệm giữa cha anh với người hát nhạc Trúc Phương thành công nhất: Danh ca Thanh Thúy.

Hé lộ về nàng thơ của Trịnh Công Sơn - danh ca Thanh Thúy ảnh 1

Cố nhạc sỹ Trúc Phương, thời trẻ. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng "Nửa đêm ngoài phố", "Ai cho tôi tình yêu", "Mưa nửa đêm"... (Ảnh: Internet)

Danh ca Thanh Thúy khi còn trẻ được ca ngợi về dung nhan hơn người. Một tâm hồn giàu xúc cảm, yêu cái đẹp như nhạc sỹ Trúc Phương liệu có khi nào rung cảm trước “hoa hậu nghệ sỹ”?

Trúc Lê: Không đâu. Cha tôi coi cô Thanh Thúy như em gái. Còn cô Thanh Thúy coi cha tôi như anh trai. Hai người rất thương quý nhau nhưng không có tình cảm “ngoài lề”. Mà ngày xưa má tôi cũng đẹp, Hoa khôi Bến Tre đó. Bố tôi không ưu ái cô Thanh Thúy vì nhan sắc, mà vì giọng ca của cô rất hợp với nhạc bố tôi. Ông hết lời khen ngợi

Thanh Thúy - Trúc Phương cũng giống như Khánh Ly - Trịnh Công Sơn trong âm nhạc. Trước khi hát nhạc Trúc Phương, nữ danh ca có thử nghiệm với sáng tác của các nhạc sỹ khác không?

Trúc Lê: Có chứ. Cô có hát nhạc người khác nhưng không nổi. Đến khi cô hát “Đò chiều” của ba tôi năm 58 thì nổi hơn. Nhưng phải đến “Nửa đêm ngoài phố”, năm 60, mới đưa tên tuổi Thanh Thúy lên đỉnh cao: “Buồn vào hồn không tên/Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời/Đường phố vắng đêm nao quen một người/Mà yêu thương trót trao nhau nụ cười”.

Hé lộ về nàng thơ của Trịnh Công Sơn - danh ca Thanh Thúy ảnh 2

Danh ca Thanh Thúy thành công với những nhạc phẩm của "Ông hoàng bolero" Trúc Phương (Ảnh: Internet)

Danh ca Thanh Thúy có phải người hát “Nửa đêm ngoài phố” đầu tiên?

Trúc Lê: Đúng rồi. Không chỉ “Nửa đêm ngoài phố”, cô Thanh Thúy thường là người hát ca khúc của bố tôi đầu tiên. Thường có bài mới cô chạy qua nhà tôi hoặc ba tôi chạy qua nhà cô. Cứ có bài mới ba tôi lại nhớ ngay đến cô Thanh Thúy.

Nữ danh ca được mệnh danh “hoa hậu nghệ sỹ” có tập nhạc ở nhà anh không?

Trúc Lê: Cũng có. Ba tôi hát bình thường thôi nhưng đánh đàn hay lắm. Ông biết chơi nhiều nhạc cụ, thường đàn cho cô Thanh Thúy hát.

Không biết giọng hát của nữ danh ca ở ngoài có khác nhiều so với trên băng đĩa?

Trúc Lê: Ở ngoài cô hát mộc rất hay, cha tôi nói nghe nổi da gà. Cứ tìm lại những phần thu của cô trước 1975 sẽ thấy, hồi đó thu băng đĩa giọng hát của ca sỹ không dùng kỹ thuật chỉnh sửa. Nhất là khi cô ấy hát “Nửa đêm ngoài phố” thì hay rụng rời. Nhiều ca sỹ bây giờ hát “Nửa đêm ngoài phố” dù rất hay nhưng so với danh ca Thanh Thúy thì chưa tạo cảm xúc mạnh bằng.

Theo nhạc sỹ Tiến Luân, một nhạc công trước 1975, tác giả “Quê em mùa nước lũ” thì danh ca Thanh Thúy còn thân với nhạc sỹ Thanh Sơn, tác giả “Nỗi buồn hoa phượng”?

Trúc Lê: Nữ danh ca hình như nhỏ hơn cha tôi chừng chục tuổi. Tác giả “Nỗi buồn hoa phượng” ngày xưa thân với cha tôi. Nhạc sỹ Thanh Sơn viết được bài nào thường hay mang qua cho cha tôi xem có ổn không. Cha tôi và nhạc sỹ Thanh Sơn thân nhau từ khi còn trẻ, tác giả “Nỗi buồn hoa phượng” thuộc lớp đàn em.

Ngoài giọng ca, người hát “Nửa đêm ngoài phố” còn nổi tiếng ở dung nhan xinh đẹp. Ấn tượng của anh về nhan sắc của nữ danh ca?

Trúc Lê: Hồi ấy tôi còn nhỏ. Nhưng trong ký ức của tôi, nét đẹp của cô sang lắm, đẹp liêu trai khó tả. Ngoài đời cô cũng mặc áo dài, nhiều người gọi cô là cô Ba. Ngày xưa, cứ bước ra đường là phụ nữ mặc áo dài. Bố tôi nói: Chồng cô làm tỉnh trưởng, chức cao lắm.

Nữ danh ca đã định cư ở nước ngoài. Khi cha anh còn sống bà có liên lạc không?

Trúc Lê: Trước đây thì rất khó liên lạc. Tôi nhớ năm 87,88 mọi sự liên lạc dễ dàng hơn, bắt đầu có những nghệ sỹ hải ngoại về Việt Nam. Danh ca Thanh Thúy vẫn thường liên lạc với cha tôi. Cô còn gửi tiền biếu cha khá thường xuyên, mỗi lần vài trăm đô. Sau này, danh ca Phương Hồng Quế cũng hay hỏi thăm và gửi tiền cho cha tôi. Tôi nghĩ, câu chuyện quan trọng không phải là tiền, mà tấm lòng của các nghệ sỹ lớp trước rất đáng quý, đáng trọng, dù ở đâu, làm gì, vẫn luôn nhớ đến nhau, giữ gìn những kỷ niệm trong quá khứ.

Hé lộ về nàng thơ của Trịnh Công Sơn - danh ca Thanh Thúy ảnh 3

"Nửa đêm ngoài phố", ca khúc đã đưa tên tuổi Thanh Thúy bay xa (Ảnh: Internet)

MỚI - NÓNG
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.