Dù kết quả không được như ý, với nhiều hy sinh mất mát, song chiến công của những người lính dù nước Anh chống phát xít vẫn luôn là câu chuyện kể hấp dẫn mọi thế hệ cho đến ngày nay.
Ký I: Chiến dịch Loyton trên đất Pháp
Ngồi trong xe jeep, luôn sẵn sàng hành động, các thành viên Đội đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) gần như không bao giờ biết trước được việc gì sẽ xảy ra một khi chạm trán địch. Vận may là từ không bao giờ có trong từ điển của họ. Tất cả đều phải dựa vào bản lĩnh và những kỹ năng được huấn luyện bài bản, thuần thục.
Đằng xa, phía khu vực Vosges núi non hẻo lánh của Pháp, đột nhiên xuất hiện một xe quân đội Đức - mục tiêu ngon lành của một nhóm SAS. Một trong những sứ mệnh của SAS trong chiến dịch mật kéo dài 2 tháng là phá hủy cơ cấu chỉ huy và giảm khả năng chiến đấu của kẻ thù. Và chiếc xe tách lẻ kia là một cơ hội tuyệt vời.
Vận may của SAS càng tăng vì ngay sau chiếc xe thứ nhất là một chiếc thứ hai, rồi chiếc thứ ba. Tất cả đều chở đầy sĩ quan Đức và như đang mời gọi SAS nhằm bắn khi đoàn xe chầm chậm tiến tới chỗ giao nhau của hai con đường. SAS dùng súng máy đặt ở đầu xe jeep và bắn. 2.000 viên đạn xuyên qua thành xe của quân Đức cho đến khi không còn bất cứ dấu hiệu cử động nào trong xe. Sau khi tiêu diệt 3 chiếc xe, SAS nghe thấy từ xa có một đoàn xe đang rầm rập kéo đến. Đoàn xe chừng 20 xe tải - quá nhiều đối với SAS. Họ nhanh chóng lái xe lùi vào nơi ẩn náu trên núi, hài lòng với công việc vừa thực hiện. Đó là mùa thu năm 1944. SAS đã nhảy dù vào khu vực hẻo lánh gần biên giới Đức này cách đó vài tuần và trở thành nỗi lo sợ đến ám ảnh của quân Đức.
Sự cố khó lường
Nhiệm vụ của SAS ở Pháp là một chiến dịch liều lĩnh và nguy hiểm như bất kỳ chiến dịch nào mà SAS từng thực hiện từ khi thành lập cách đó 3 năm. Phương châm của họ là "Who Dares Wins" (Dám làm thì sẽ thắng). Nhiệm vụ của họ ở Pháp có mật danh là “Chiến dịch Loyton” và ít được dư luận biết tới.
Đây cũng là một nhiệm vụ được cho là nguy hiểm và nhiều tổn thất về sinh mạng. Gần một nửa số người nhảy dù vào Pháp không bao giờ trở về nhà. Có những người phải chịu kết cục thảm khốc dưới tay quân phát xít Đức. Người dân Pháp cũng chịu tổn thất không nhỏ. Hàng nghìn người đã bị giết hoặc bị đưa vào trại tập trung vì che giấu các thành viên SAS.
Trong những năm thời hậu chiến, SAS chính thức bị giải tán nhưng chính các thành viên tham gia Chiến dịch Loyton bất chấp lệnh từ cấp trên và vẫn duy trì hoạt động, tồn tại và trở thành hình ảnh của một lực lượng tấn công quân sự vô song ngày nay. Một trong những điều đặc biệt về chiến dịch Loyton là khoảng thời gian thực hiện. Lúc đó, chiến dịch với 120 binh sĩ do đại úy Henry Druce 23 tuổi chỉ huy được dự kiến chỉ diễn ra trong khoảng nửa tháng, đánh nhanh rút nhanh sau khi quân Đồng minh tiến vào. Nhưng cuối cùng, chiến dịch kéo dài đến 2 tháng trời.
Nguyên nhân đầu tiên là do Không quân Anh tính toán sai hai thời điểm: Thời điểm lực lượng quân Đồng minh tiến vào Pháp chậm hơn dự kiến và khu vực họ nhảy dù xuống không hề ít quân Đức như họ nghĩ mà trái lại gồm cả một sư đoàn 5.000 quân. Đối thủ của đại úy Druce và đồng đội là đại tá giàu kinh nghiệm của Đức Erich Isselhorst. Tay này là Giám đốc Cơ quan Mật vụ Đức ở Vosges. Phản ứng của Isselhorst khi nghe tin về nhóm SAS nhảy dù vào địa bàn của mình ở Pháp là lập tức mở chiến dịch săn lùng Waldfest chuyên nhằm vào SAS. Trợ thủ đắc lực của Isselhorst là thiếu tá Hans Ernst, người vừa mới "lùa" 800 người Do Thái ở Pháp vào trại tập trung tử thần Auschwitz.
SAS đã nhảy dù vào Pháp để thực hiện sứ mệnh.
Khi vùng trú ẩn của SAS đầy rẫy lính Đức trang bị vũ khí hạng nặng, Druce và đồng đội phải chạy khỏi căn cứ họ chọn lúc đầu, vượt qua núi non trong hoàn cảnh kẻ thù truy đuổi sát nút. Điều kỳ diệu là họ không bị người dân địa phương tố giác với quân Đức cho dù bọn chúng đã sử dụng những biện pháp trừng phạt dã man với người dân.
Ở làng Moussey, 220 người dân gồm cả nam nữ, già trẻ đã bị Đức Quốc xã lôi ra khỏi nhà và tra khảo: Lính dù Anh đang trốn ở đâu? Bất kỳ ai cung cấp thông tin về SAS sẽ được tự do, còn không sẽ phải chết. Đối diện với cái chết nhưng không một người Pháp nào khai báo cho dù tất cả mọi người đều biết trại bí mật của SAS chỉ cách đó vài cây số. Ngay cả khi nam giới trong làng bị quân Đức đưa đi xử tử, những người còn lại cũng không hé răng, kể cả khi bị tra tấn.
Dù không bị phát hiện nhưng chiến dịch Waldfest của quân Đức đã khiến Druce và đồng đội gặp khốn khó. Khi xe tăng và binh sĩ Đức rầm rập trên mọi con đường, dân làng hầu như không có mấy cơ hội để tiếp tế thức ăn cho họ. Druce kể lại: "Chúng tôi thực sự bị cô lập và bắt đầu đói lả". Tình hình khó khăn hơn khi thời tiết liên tục mưa khiến quần áo họ ướt sũng. Họ tiếp tục chờ đợi trong cơn đói và nguy hiểm mà không biết khi nào quân Đồng minh sẽ tới.
Kết cục không như mong đợi
Tuy nhiên, thay vì ngồi chờ thụ động và hủy chiến dịch, Druce đã bật đèn xanh để nhóm SAS tiếp theo vào Pháp và tấn công quân Đức kiểu du kích. Họ lẻn vào các kho của quân phát xít Đức và làm nổ tung xe tải chở đạn dược, tiêu diệt và làm bị thương 80 lính Đức. Sau đó, hơn 20 lính SAS tiếp tục nhảy dù vào Pháp để chi viện. Nhóm này do chỉ huy SAS là đại tá Brian Franks đích thân dẫn đầu. Cũng như Druce, Franks không nao núng khi thấy tình hình tại thực địa khó khăn mà còn tăng cường chiến dịch.
Một lần khi Druce lái xe jeep trở về ngôi làng Moussey thì phát hiện dân làng đang bị lính Đức quây lại để tra hỏi. Lúc đó, quân Đức đã kịp phát hiện ra Druce nhưng anh đã nhanh chóng tăng tốc nhằm thẳng vào quân thù và bắn súng máy ở cự ly gần. 20 lính Đức chết và bị thương sau khi Druce thoát khỏi hiện trường. Anh chỉ hy vọng dân làng có thể trốn trong lúc hỗn loạn nhưng trong thực tế, họ đều bị đưa đi đày.
Phẫn uất trước số phận của dân làng, SAS tăng cường đột kích để khiến quân Đức ăn không ngon ngủ không yên và nơm nớp lo sợ mỗi khi đi qua khu vực Vosges. Một phần quan trọng trong chiến dịch của họ là tiêu diệt sào huyệt của phát xít Đức ở Vosges và họ đã thành công. Cơ cấu chỉ huy của quân Đức bị suy giảm mạnh, quân Đức luôn thường trực nỗi sợ bị bắn bất cứ lúc nào ở Vosges.
Một toán SAS trên đường tuần tra tại Pháp.
Về phần mình, SAS cũng chịu nhiều tổn thất. Họ có thương vong ngay từ đầu khi trung sĩ Kenneth Seymour bị thương lúc đáp xuống đất và bị bắt rồi bị thẩm vấn dã man. Hạ sĩ Gerald Davis trốn quân Đức trong một nhà thờ và bị một tu sĩ giao cho mật vụ Đức. 5 thành viên khác bị bắt trong một cuộc phục kích và bị giam cùng với những người khác tại trại an ninh trong thành phố Schirmek. Đây là trung tâm đầu não của chiến dịch chống SAS mà Isselhorst lập ra.
Cách đó vài cây số là Natzweiler, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết được cải tạo thành một trại tập trung duy nhất trên đất Pháp. Tại đây, hàng chục nghìn tù nhân bị bỏ đói, đánh đập, tra tấn và xử tử bằng hơi ngạt. Số phận này cũng có thể là số phận của các thành viên SAS cũng như dân làng Moussey khi rơi vào tay quân Đức.
Dần dần, chiến dịch Loyton của SAS ở Vosges mất động lực. Tháng 10 đã tới và quân Mỹ vẫn chưa vào Pháp. Các thành viên SAS ngày càng bị cô lập và chịu nhiều áp lực. Đại tá Franks đã đánh điện đài về Anh, nói rằng thứ họ cần nhất bây giờ là thực phẩm, chứ không phải bom và súng.
Lúc này, thời tiết đã chuyển từ thu sang đông. Tuyết đã rơi trên núi khiến những thành viên SAS đang đói khát, kiệt sức nay lại phải gồng mình chịu cái rét. Họ đang rơi vào tình trạng không còn sức chiến đấu. Trong khi đó, nắm bắt được thời cơ, Isselhorst trở nên tàn bạo hơn bao giờ hết. Tay chỉ huy lão luyện ra lệnh mở các cuộc tìm diệt mới. Khoảng 1.000 dân làng đã bị bắt và tống vào trại tập trung. SAS bị cô lập trên núi cao với tuyết lạnh. Trong hoàn cảnh bị bao vây hoàn toàn, họ đành phải chờ đợi điều xấu nhất. Đại tá John Hislop không thể chịu được viễn cảnh bị tra tấn, đã quyết định xuống núi chiến đấu và giữ viên đạn cuối cùng cho mình.
Tuy nhiên, quân Đức không tấn công ngay mà rút lui chờ thời cơ. Dù vậy, có thể chúng vẫn sẽ quay trở lại với quân số còn đông hơn. Franks đã ra lệnh cho nhóm SAS bỏ căn cứ ngay lập tức. Họ bỏ lại xe jeep, cố gắng đi bộ càng nhanh càng tốt men theo con đường hẹp để xuống núi.
Quả đúng như vậy, sáng hôm sau, quân Đức rầm rập tiến vào, phá tan tành căn cứ của SAS. Chống cự với họ là đội SAS đánh hậu gồm 7 thành viên quả cảm do trung úy David Dill chỉ huy. Trong trận giao tranh dữ dội, họ đã cầm cự được 4 tiếng đồng hồ cho đến khi không còn đạn và phải đầu hàng. Họ tuyên bố mình là tù nhân chiến tranh nhưng bị quân Đức bắt và giao cho mật vụ.
Dù nhóm này bị bắt nhưng ít nhất lực lượng nòng cốt của chiến dịch Loyton vẫn tự do dù không còn nhiều đạn, thức ăn cạn kiệt và nơi trú ẩn cũng không còn. Không còn lựa chọn nào khác, Franks ra lệnh chấm dứt chiến dịch. Anh chia 40 thành viên còn lại thành các nhóm 4 và 6 người rồi để các nhóm tự tìm đường thoát. Hành trình của họ đầy gian truân. Franks và nhóm của anh tìm cách vượt qua một cây cầu nhưng bị vướng lựu đạn khiến họ buộc phải nhảy xuống sông. Họ vừa trốn xong thì nhóm tuần tra Đức tới và bắn một cơn mưa đạn về phía họ. Họ lẩn vào các bụi rậm. May mắn cho họ là quân Đồng minh tới kịp, tung hỏa lực mạnh khiến quân Đức phải tháo chạy.
Ngày hôm sau, họ lại gặp một toán lính đi tuần nhưng thật may đó là người Mỹ và cuối cùng họ đã an toàn. Khi về đến Anh, Franks tổng kết lại chiến dịch. Sứ mệnh đã gây hỗn loạn cho quân Đức ở Pháp, làm gián đoạn đường tiếp tế bằng đường bộ và đường sắt, tiêu diệt hàng chục lính Đức, khiến cả một sư đoàn phải bỏ nhiệm vụ chính đi săn lùng SAS.
Nhưng cái giá họ phải trả không hề nhỏ: Vô số người Pháp bị tra tấn, lưu đày và bị giết. 82 thành viên SAS nay chỉ còn 46 người trở về. 5 người chết. 31 người mất tích, có thể là tù binh chiến tranh của quân Đức hoặc bị đưa vào trại tập trung ở Natzweiler. Đau đáu với câu hỏi về số phận của đồng đội còn mất tích, Franks đã mở một chiến dịch mới để trả lời câu hỏi đó và để săn lùng những kẻ đã giết đồng đội. Cuộc chiến mới bắt đầu, cũng đầy liều lĩnh và quyết tâm như chiến dịch họ vừa kết thúc.
*Còn tiếp