Hé lộ về căn cứ thử nghiệm vũ khí hóa học của Pháp

Trong một phòng thí nghiệm tại B2-Namous.
Trong một phòng thí nghiệm tại B2-Namous.
B2-Namous là mật danh chỉ một khu vực rộng hàng ngàn kilômét vuông ở phía bắc sa mạc Sahara. Tại đấy quân đội Pháp đã thử nghiệm vũ khí chiến tranh hóa học từ năm 1935. Bí mật quốc gia này chỉ được hé lộ nhờ cuộc điều tra của Vincent Jauvert.

Có thể xem đây là trung tâm thử nghiệm vũ khí hóa học lớn nhất thế giới, ngoại trừ ở Liên Xô - một khu vực dài 100km và rộng 60km. Căn cứ tuyệt mật này nằm ở phía bắc Sahara, gần thành phố Beni-Wenif (Algeria) do quân đội Pháp kiểm soát. Quân đội Pháp đã thử nghiệm các vũ khí hóa học từ năm 1935 cho đến năm 1978.

Chính phủ Pháp không muốn hé lộ về trung tâm thử nghiệm này, bởi vì nơi đây che giấu 3 điều dối trá. Trước tiên vì từ năm 1945 Pháp luôn khẳng định là không hề thử nghiệm vũ khí hóa học ngoài trời. Kế đó, Paris và Alger đều khẳng định rằng, những căn cứ cuối cùng của Pháp tại Algeria đều đã đóng cửa vào năm 1968. Sau cùng là thỏa ước Evian trao quyền độc lập cho Algeria trong đó bỏ qua tình tiết: Hoạt động của B2-Namous được gia hạn vào năm 1967 và 1972 nhưng điều khoản này nằm trong một phụ lục mật.

Lịch sử những cuộc thử nghiệm vũ khí hóa học trong sa mạc Sahara đã bắt đầu từ trước khi Algeria độc lập, chính xác là từ năm 1935. Trong một báo cáo mật về B2-Namous, Đại tá Moulin, Trưởng phòng vũ khí hóa học và sinh học năm 1966, đã viết: "Từ sau Thế chiến I, đã có nhu cầu về một khu vực đảm bảo mọi điều kiện an ninh để thử nghiệm vũ khí hóa học. Khu vực đó cần phải ít trắc trở, xa những vùng dân cư nhưng phải dễ đến được bằng đường bộ hay đường xe lửa, có khí hậu không khác với châu Âu, ít ra là trong phần lớn thời gian trong năm".

Hé lộ về căn cứ thử nghiệm vũ khí hóa học của Pháp ảnh 1

Căn cứ B2-Namous.

Vào năm 1935, giới quân sự đã chọn một cao nguyên đá vôi trong sa mạc Sahara. Thế là trung tâm thí nghiệm Beni-Wenif ra đời, sau đó được đặt tên là B2-Namous. Tại đấy, trước Thế chiến II, Pháp đã chế tạo ra một lượng lớn vũ khí hóa học, chủ yếu từ khí mù-tạt và phosgène. Năm 1940, Paris đe dọa sẽ dùng đến kho vũ khí đó nếu Đức Quốc xã dùng khí độc trước. Nhưng cuộc chiến hóa học đáng sợ đã không diễn ra.

Vào thập niên 50, các thí nghiệm tiếp tục tại B2-Namous. Nhưng công việc nghiên cứu thuần túy bị ngưng lại. Do vũ khí nguyên tử đã thu hút mọi nhà khoa học quân sự. Vào năm 1962, trước khi Algeria giành lại độc lập, giới quân sự Pháp vẫn muốn giữ lại B2-Namous. Căn cứ bí mật đó được đưa vào nghị trình của hội nghị Evian như mọi căn cứ chiến lược khác của Pháp tại Sahara, bởi vì đối với hai nhà lãnh đạo De Gaulle và Debré, sức mạnh của nước Pháp sẽ nằm tại vùng sa mạc đó. Sau nhiều cuộc thảo luận gay gắt, Pháp giữ lại được 4 căn cứ Reggane, In-Ekker, Colomb-Béchart, Hammaguir trong 5 năm nữa. Trung tâm B2-Namous cũng được gia hạn 5 năm và được đưa vào một phụ lục mật của thỏa ước Evian.

Đến năm 1967, mọi căn cứ của Pháp tại Algeria đều đóng cửa ngoại trừ B2-Namous. Trước đó 2 năm, Tổng thống De Gaulle đã ra lệnh tiếp tục nghiên cứu về vũ khí hóa học. Bộ trưởng Quốc phòng thời ấy là Pierre Messmer kể lại: "Người Mỹ đã nghiên cứu nhiều về lĩnh vực này. Người Nga cũng làm như thế, vì thế chúng tôi không thể để bị tụt hậu".

Hé lộ về căn cứ thử nghiệm vũ khí hóa học của Pháp ảnh 2

Một ổ pháo bảo vệ cho B2-Namous.

Tại B2-Namous có đến 400 người làm việc trong những giai đoạn thử nghiệm. Bãi bắn có 2 tháp cao 20m (bắn và quan sát), 50 cột thu thập mẫu, 10km đường ống ngầm, 2 hầm nấp cho việc quay phim… Một sự đầu tư khổng lồ. Nhưng làm thế nào để điều đình nhằm giữ lại B2-Namous? Ngày 31/1/1967, phân bộ Bắc Phi của Bộ Ngoại giao Pháp trình lên Ngoại trưởng Maurice Couve de Murville một báo cáo rằng Algeria đang nghĩ sẽ phải trả tiền cho các trang thiết bị mà Pháp để lại. Như thế, nếu Pháp tặng không một phần hay tất cả những thiết bị đó, điều này sẽ là ưu thế trong cuộc đàm phán. Và quả thật số thiết bị được định giá 50 triệu frăng đã được trao lại cho Algeria với giá 21 triệu frăng, trả trong vòng 3 năm.

Nhưng tiền bạc chưa đủ để giải thích lý do chấp thuận của phía Algeria. Còn 2 lý do khác nữa. Trước tiên vì người Pháp không giải thích rõ tầm mức những cuộc thử nghiệm tại B2-Namous. Họ chỉ cho biết rằng đó là các nghiên cứu về phương pháp bảo vệ trước những tác nhân hóa học. Thứ hai, đây là vấn đề cá nhân giữa 2 nguyên thủ. Tổng thống Boumediene không muốn từ chối với Tổng thống De Gaulle. Và cuối cùng Algeria đã đồng ý gia hạn thêm 5 năm đối với căn cứ B2-Namous, chỉ với một đòi hỏi là phải… tuyệt đối giữ bí mật.

Ngày 27/5/1967, thỏa ước được ký kết nhưng các điều kiện có thay đổi. Nhân sự Pháp phải làm việc dưới danh nghĩa dân sự mà bình phong là chi nhánh Sodeteg của Hãng Thomson. Tất nhiên quân đội Pháp vẫn giữ quyền kiểm soát công việc. Sự canh phòng bên ngoài do quân đội Algeria đảm nhiệm. Phương tiện vận chuyển của Pháp đều phải bị xóa biển hiệu. Vật liệu không phải khai hải quan.

Sau 5 năm, đến năm 1972, vấn đề lại được đặt ra. Nhưng lúc ấy vũ khí hóa học đang bị báo chí công kích mạnh mẽ. Một đạo luật ở Mỹ đã hạn chế đáng kể những cuộc thử nghiệm vũ khí hóa học ngoài trời. Thậm chí Washington còn quyết định đình chỉ việc sử dụng chất độc hóa học tại Việt Nam. Ngoài ra mối quan hệ Algeria-Pháp không còn tốt đẹp như trước. Tổng thống Boumediene đã quốc hữu hóa các công ty dầu khí của Pháp. Nhưng phía Algeria vẫn tỏ ra thông cảm về vấn đề B2-Namous. Thông cảm nhưng đòi hỏi. Họ yêu cầu phải cho nhân viên của họ tham gia vào công cuộc nghiên cứu.

Nhưng phía Pháp viện lý do bảo mật nên chỉ chấp nhận 5 hoặc 6 nhân viên Algeria. Algeria cũng muốn Pháp đào tạo chuyên viên của họ về vũ khí hóa học. Điều kiện này Pháp chấp nhận, nhưng chỉ đào tạo ở Pháp, tại Trường Quân sự về vũ khí đặc biệt ở Grenoble. Dù sao thì B2-Namous cũng được gia hạn thêm 5 năm nữa. Đến năm 1978, căn cứ B2-Namous bị phá hủy hoàn toàn, nhưng việc thử nghiệm vẫn tiếp tục trên đất Pháp cho đến năm 1987 mới bị bãi bỏ hẳn.

Năm 1997, Pháp đã trình lên Ủy ban Kiểm soát Hiệp định chống vũ khí hóa học một báo cáo chính xác về các hoạt động trong lĩnh vực chiến tranh hóa học từ năm 1946. Pháp khẳng định rằng không hề có kho vũ khí hóa học nào. Nói cách khác, những thử nghiệm tại B2-Namous không dẫn đến việc sản xuất đại trà vũ khí hóa học mà chỉ sản xuất các…công cụ bảo vệ.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG