Hãy cười lên!…

Chị Hương (đứng giữa) cười cùng các bệnh nhân.
Chị Hương (đứng giữa) cười cùng các bệnh nhân.
TP - Lớp yoga miễn phí mở ngay tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng gần nửa năm qua. Học viên đều là những bệnh nhân ung thư, nhiều người đang ở giai đoạn cuối. Nhưng họ vẫn cùng nhau tập luyện, cùng hát, cùng cười sảng khoái để quên đi những cơn đau, những đợt hóa trị, xạ trị…

Kể câu chuyện chính mình

Lớp học yoga miễn phí cho bệnh nhân do chị Hà Thị Thu Hương (44 tuổi, CLB Yoga Hương, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) mở từ tháng 11/2015, thường diễn ra vào buổi chiều Chủ nhật tại sảnh tầng một của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Các học viên đều mang trong mình căn bệnh quái ác ung thư.

Theo chị Hương, rất khó để nói trong những học viên đang ngồi thiền trong lớp của chị, ai là người theo đuổi thường xuyên các buổi. Bởi lẽ, số bệnh nhân đều thay đổi liên tục, người này ra viện thì người khác lại vào. Vì lẽ đó, có những tuần, lớp học đông gần tám chục người. Nhưng cũng có tuần chỉ độ vài chục học viên, đó là khi có nhiều bệnh nhân nặng không thể tham gia. Nhưng chị nói, lớp dù chỉ có một bệnh nhân chị vẫn cứ dạy.

Tôi dự khán một buổi học đúng vào ngày có nhiều bệnh nhân nặng nên số người đến lớp không đông lắm. Chị Hương có mặt từ lúc 3h chiều, đi từ tầng một lên tầng chín, vào từng phòng để thông báo, động viên mọi người cùng tham gia buổi học. Nhiều bệnh nhân đang kè kè bình hóa chất, bình nước bên người nhưng vẫn vui vẻ nhận lời, dặn chị nhất định chờ họ truyền xong thuốc thì mới bắt đầu dạy. Có những người nhăn nhó, tiếc nuối không thể tham gia buổi tập yoga vì bệnh quá nặng… Chị Hương trấn an họ rằng lớp học không chỉ diễn ra trong ngày hôm nay.

Nói chuyện với các bệnh nhân, chị Hương kể 13 năm trước, khi mới 31 tuổi chị cũng bị ung thư tuyến giáp. Cũng từng đối mặt với những cơn đau hành hạ, từng có những giai đoạn khủng hoảng tinh thần tưởng chừng không lối thoát. Nhưng chính yoga đã cứu chị, chữa lành căn bệnh quái ác cho chị. Bây giờ, khi bước qua tuổi 44 nhưng chị vẫn trẻ, đẹp. Khi có sức khỏe trở lại, chị tiếp tục theo đuổi yoga và mở trung tâm riêng cho mình. Rồi chị mở lớp dạy yoga miễn phí cho các bệnh nhân ung thư theo như tâm nguyện của đời mình.

“Tôi từng cũng giống như các cô chú ngồi đây, rất nhiều lần rơi vào tuyệt vọng, khủng hoảng tinh thần. Nhưng chính yoga đã chữa lành những vết thương đó để tôi khỏe mạnh và yêu đời như hôm nay. Vì thế, tôi muốn các cô, các chú cùng tham gia vào những buổi tập này để tâm hồn thanh tịnh, để những nụ cười chiến thắng cơn đau…”, chị Hương tâm sự.

Cười… để chữa bệnh

Những tấm phản được chị và người bạn đồng hành trải ngay ngắn ở sảnh bệnh viện để các bệnh nhân ngồi. Những học viên trong trang phục màu xanh bệnh nhân ngay ngắn ngồi vào. Những người bệnh nặng hơn, đi lại khó khăn được người nhà dìu ngồi xuống. Bắt đầu buổi tập, chị Hương xin phép những bệnh nhân lớn tuổi cho mình được xưng là “bạn” để dễ tạo sự tương tác. Chị dành 15 phút đầu nói về tác dụng tích cực của yoga đối với thể trạng và cả tinh thần cho những người bệnh. Xen lẫn là những câu nói đùa để giúp mọi người lấy lại được tinh thần.

Ngồi lặng lẽ theo dõi từ phía ngoài, khuôn mặt chị Đỗ Thị Hồng Thái (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) căng thẳng luôn hướng mắt nhìn về phía chồng. Chồng chị, anh Lưu Văn Sơn (51 tuổi) bị ung thư phổi giai đoạn cuối đang nằm ở khoa hóa trị 2 hơn hai năm nay. Chị Thái cho biết, đầu giờ chiều, anh Sơn vẫn đang truyền hóa chất vào người. Nhưng khi biết buổi học yoga sắp bắt đầu, anh hối vợ cùng mình đi xuống tập. Anh Sơn trong bộ đồ bệnh nhân, chăm chú làm các động tác theo sự hướng dẫn của cô giáo. Có những lúc thấy anh nhăn nhó khi trở mình khởi động các khớp nhưng sau đó lại nhoẻn cười.

Khi mọi người đều nhắm nghiền mắt thiền, chị Hương cất tiếng hát. Giọng chị trong trẻo, da diết khiến không khí buổi tập thanh tịnh và nhẹ nhàng. Lớp học mỗi lúc một đông, hàng chục bệnh nhân vươn người, gập đầu theo các động tác chị hướng dẫn.

Kết thúc giai đoạn thiền và tập các động tác, cả lớp bước vào một phần được chờ đợi nhất: yoga cười! Yoga cười không phải là những bài học to tát, đơn giản chỉ là giúp các bệnh nhân học cách… cười. Cười để quên đi nỗi đau của bệnh tật. Cô giáo Hương hô to: “Hôm nay tôi khỏe… ha ha ha; Hôm nay tôi vui… ha ha ha; Hôm nay tôi có thêm nhiều bạn mới… ha ha ha”. Các bệnh nhân đồng thanh hô theo không hề tỏ ra ngại ngùng, rồi tất cả nhìn vào mặt nhau cười hào sảng. Các bệnh nhân cũng làm các động tác hài hước đơn giản như mô tả khuôn mặt cười, tư thế đi cấy, động tác uống nước, nhảy múa…

Cuối cùng, họ nắm chặt tay nhau, hát những bài hát về tình yêu, về hòa bình, về niềm tin trong cuộc sống. Khuôn mặt ai nấy  rạng ngời, trái hẳn với vẻ ủ rũ, nhăn nhó thường ngày...

Bà Nguyễn Thị Bạn (72 tuổi, trú ở Hội An) là người lớn tuổi nhất nhưng lại tham gia buổi học sôi nổi nhất, cũng là người duy nhất nhận được phần quà khích lệ từ cô giáo Hương. Do bị ung thư tử cung và cả bệnh trĩ, nên khi ngồi xuống phản tập luyện rất khó, buộc phải gập phản cao lên, khiến chân bà tê cứng. Thế nhưng, sau gần một tiếng rưỡi đồng hồ, bà đi lại dễ dàng, thoải mái hát hò với những người bạn cùng tập.

Bà cho biết, chồng mất từ lâu, nhà có hai đứa con trai đều đang ở quê. Một đứa phải ngồi xe lăn, đứa còn lại đã có gia đình riêng suốt ngày ở chợ bán cá để lo tiền thuốc thang cho bà. Hằng ngày bà ở viện đều tự phải chăm sóc, lắm lúc rất tủi. Nhưng sau một buổi tập yoga, tinh thần bà cải thiện hẳn. “Lâu lắm rồi, tôi mới thấy tinh thần khỏe như thế này. Cả người tôi bây giờ nóng sực lên, cơ thể giãn ra, tinh thần sảng khoái hẳn cô ạ!”, bà nói.

Hát để quên đi những cơn đau

Hãy cười lên!… ảnh 1

Ông Huỳnh Viên xúc động hát Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh trong chương trình Hát cho bệnh nhân tôi nghe. Ảnh: Đào Phan

Ngoài lớp học yoga, cứ hai tuần một lần, các bệnh nhân ung thư lại được tham gia vào chương trình văn nghệ mang tên “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” do các thành viên trong dự án Một bức tranh, nhiều hy vọng tổ chức. Trong chương trình, chị Hương đảm nhiệm vai trò người dẫn chương trình. Buổi văn nghệ “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” vừa diễn ra chủ nhật tuần qua, hàng trăm bệnh nhân và người nhà đều rưng rức trước những câu chuyện cảm động được kể.

Chiều hôm ấy trời nổi gió lạnh từng cơn, những người bệnh ngồi co ro ở các hàng ghế nhưng ai nấy chăm chú theo dõi hết chương trình kéo dài gần ba giờ đồng hồ. Sau những tiết mục đến từ anh em nghệ sĩ phòng trà Memory, một cánh tay của cụ ông từ phía sau mạnh dạn giơ cao xin được lên hát. Cụ là Huỳnh Viên (80 tuổi, Khoa xạ trị), bị ung thư lưỡi. Cụ bước lên sân khấu, cầm micro nói trước mọi người: “Từ khi có chương trình này, tôi chưa từng bỏ một bữa nào. Hôm nay nhân dịp có các cháu từ thiện từ Hà Tĩnh về đây, lòng tôi bỗng nhớ về những ngày tháng đi bộ đội, ăn nhờ ngủ nhờ bà con tại vùng quê này. Tôi xin hát bài Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh như một lần ôn lại kỷ niệm ấy…”.

Hãy cười lên!… ảnh 2 Con gái hát bài “Cõng mẹ đi chơi” tặng mẹ trước ngày mẹ mình là bệnh nhân Nguyễn Thị Lan lên bàn mổ.

Bị ung thư lưỡi nhưng cụ vẫn tự tin, hát to và da diết.  Cụ nói, mình dự định lên hát ba bài nhưng do thời tiết khá lạnh, cụ xin chỉ hát một bài để giữ sức. Từ phía dưới, chị Thu Hương đẩy xe lăn của mẹ từ từ tiến về hướng sân khấu. Chị xin phép các cô chú cho chị được hát trước một bài tặng mẹ là Nguyễn Thị Lan (Khoa Sản) để sáng sớm ngày mai bà lên bàn mổ. Lời bài hát “Cõng mẹ đi chơi” cất lên, ánh mắt chị hướng về phía mẹ như lời thủ thỉ, trấn an người mẹ yêu quý. Không kìm được sự xúc động, hai mẹ con ôm nhau rưng rức. Những người có mặt, ai cũng nhòe lệ. 

Bác sỹ Nguyễn Út, Giám đốc Bệnh biện Ung bướu Đà Nẵng cho biết, ngoài  CLB của chị Hà Thị Thu Hương, hiện có thêm CLB ở Hà Nội cũng xin tổ chức dạy yoga tại Bệnh viện Ung bướu. Hiện bệnh viện giao cho các bộ phận thành lập một CLB Yoga cười, tập hợp các giảng viên, tình nguyện viên đến từ các nhóm nhằm tổ chức các buổi học bài bản và thường xuyên hơn.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.