Truyền hình truyền thống xuống dốc
Thói quen xem truyền hình miễn phí khiến Youtube luôn nằm ở vị trí dẫn đầu trong số các ứng dụng được tải ở các nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Các ông lớn truyền hình rõ ràng đang đứng trước thách thức.
Câu chuyện VTVCab đột ngột thay đổi các kênh quen thuộc thời gian qua, dường như là một giọt nước tràn ly với sự “chịu đựng” của người xem.
Thời kỳ các đại gia lao đầu vào truyền hình trả tiền dường như thể hiện sự lỗi thời. Ông Đàm Mỹ Nghiệp, Tổng Giám đốc VTC từng than thở việc dịch vụ truyền hình số vệ tinh của VTC đang bị cạnh tranh rất mạnh bởi các đối thủ có tiềm lực mạnh về hạ tầng viễn thông.
Những đại gia như VNPT cũng phải xoay hướng khác khi các thuê bao truyền hình MyTV lần lượt rời mạng. Viettel đầu tư vào truyền hình trả tiền một thời gian cũng phải điều chỉnh.
Theo kết quả một khảo sát được đưa ra tại hội thảo “Tương lai phát triển truyền hình trên Internet tại Việt Nam” năm ngoái, có tới 45% số người được hỏi cho rằng họ có xu hướng ít xem truyền hình qua ti vi. Với cách hành xử vừa qua của VTVCab, việc khán giả quay lưng thêm nữa càng trở nên dễ hiểu.
Một trong những nguyên nhân lãnh đạo VTVCab đưa ra để giải thích cho việc thay đổi kênh là chiến lược phát triển phù hợp với xu hướng dần chuyển hướng sang xem trên internet ngày càng nhiều. Tuy nhiên, có lẽ câu chuyện nằm ở việc thực hiện cam kết và tôn trọng khách hàng.
Khi Youtube là sự cứu rỗi?
Năm 2011, khi Youtube bắt đầu có chế độ live video, các kênh truyền hình trong nước bắt đầu tìm đến Youtube như một “cứu tinh”. Theo khảo sát của Value Penguin, Youtube đang giữ vị trí số 1 trong số các ứng dụng streaming video được tải nhiều nhất hiện nay.
Quý I/2018, khi POPS Worldwide – đối tác của YouTube tại Việt Nam tổ chức sự kiện trao nút Vàng và nút Bạc cho các kênh, một loạt các gương mặt thuộc lĩnh vực tin tức xuất hiện như truyền hình Đồng Tháp, Bóng đá, gameshow Một trăm triệu một phút, kênh VTC1- Tin tức với hơn 1,3 triệu người theo dõi và hơn 2 tỷ lượt views.
Thực trạng này khiến ông ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử từng cảnh báo: “Cách đưa tất cả nội dung do mình sản xuất ra lên YouTube và mạng xã hội của các đài truyền hình Việt Nam giống như đang quẳng “cái mâm” ngon lành ra ngoài cho người khác hưởng, rồi tranh nhau “cái bát” ở trong nước”. Đây chẳng phải nói quá, bởi thực tế số tiền thu được từ quảng cáo Youtube là con số rất nhỏ bé so với đầu tư của các đài truyền hình vào mỗi chương trình.
Tương lai nào?
Để tự chủ về kinh tế trong thời buổi cạnh tranh và người xem mong manh này, các đài truyền hình bắt đầu xoay qua phát triển truyền hình OTT. VTV Go hiện có hơn 6 triệu lượt người dùng, nhiều phim phát độc quyền trên ứng dụng này. FPT Play có giai đoạn từng tự hào là ứng dụng được tải nhiều nhất ở Việt Nam, vượt qua cả Youtube trong một thời gian ngắn.
Hay một kênh như VTC1 Tin tức, hiện đang rò rỉ tin kênh này từ chối hợp tác với POPS Worldwide khi vắng mặt trong lễ trao nút Vàng hồi tháng 3, có thông tin rằng VTC đang chính thức bước chân vào đường đua OTT. Bằng cớ là cách đây không lâu, đài này đã cho chạy thử nghiệm VTC Now – một ứng dụng OTT đa phương tiện bao gồm cả truyền hình, tin tức, giải trí, hợp tác với các đơn vị hàng đầu thế giới như Brightcove và Accedo.
Nhiều nhà sản xuất truyền hình thừa nhận, muốn thoát khỏi thế lực của YouTube không dễ dàng, thậm chí còn là con đường chông gai vì phải thay đổi thói quen người dùng, tuy nhiên xu thế truyền hình OTT là giải pháp mà các ông lớn truyền hình đang chọn để đầu tư ngày càng mạnh. Mới đây, VTV trong cuộc làm việc với Bộ TTTT “xin” được chính thức để cung cấp dịch vụ truyền hình OTT. Đây cũng là nguyện vọng của nhiều đài địa phương trên cả nước.
Khi khán giả có nhiều lựa chọn, các nhà đài càng cần phải biết “giữ lời”. Bởi trên môi trường OTT – khi khán giả có thể rời bỏ mình bất cứ lúc nào, nội dung mới là thứ quyết định, không còn có thể chơi trò “một chiều” như cách VTVCab đã thực hiện.