Hậu quả từ khai thác titan: Dân lãnh đủ

Hậu quả từ khai thác titan: Dân lãnh đủ
TP - Vùng động cát ven biển xã Hòa Thắng, Hồng Phong (Bắc Bình, Bình Thuận) trở thành công trường khai thác titan từ năm 2007. Hai xã Hòa Thắng và Hồng Phong là căn cứ kháng chiến nổi tiếng với tên gọi mật khu Lê Hồng Phong.

Theo kết luận của Viện Địa lý tài nguyên TPHCM thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sau khi thực hiện khảo sát hiện trạng môi trường do quá trình khai thác titan tại đồi cát ven biển Hòa Thắng và Hồng Phong đã khiến nơi đây thay đổi một phần cảnh quan, địa hình một đoạn đường dân sinh dài 150m được làm từ nguồn vốn từ chương trình 135 của Chính phủ bị phá hủy…

Ngoài ra, các phân tích mẫu quan trắc môi trường cho thấy: Hoạt độ phóng xạ alpha, bêta trong các mẫu nước biển ven bờ cao hơn so với quy chuẩn Việt Nam (hoạt độ phóng xạ alpha cao hơn quy chuẩn từ 2,49 đến 8,88 lần và hoạt độ phóng xạ bêta cao hơn từ 5,43 đến 10,35 lần); phông phóng xạ gamma tại nơi tập kết sa khoáng rất cao so với mức tối thiểu của dị thường phóng xạ, có nơi cao gấp 26-36 lần so với phông phóng xạ tự nhiên. Nước sử dụng khai thác và nước thải sau khi khai thác titan đều nhiễm mặn. Đây là hệ quả dễ thấy vì các đơn vị khai thác đã dùng nước biển để tuyển titan thay vì nước ngọt như cam kết.

Trong khu vực khảo sát, nước ngầm đã bị nhiễm mặn đến độ sâu khoảng 10m. Người dân thôn Hồng Chính (xã Hòa Thắng) chịu ảnh hưởng trực tiếp vì ở gần khu khai thác, đã có 19 nhà với khoảng 100 khẩu có giếng nước bị nhiễm mặn.

Theo kiến nghị của Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bình Thuận, Cty Khai thác titan phải điều chỉnh quy trình khai thác để không thải ra môi trường mức phóng xạ vượt mức cho phép; ở những nơi tập kết titan cần có hàng rào ngăn cách và đặt biển cảnh báo phóng xạ; công nhân được trang bị liều kế cá nhân để theo dõi tổng mức liều nhiễm xạ trong năm… Những kiến nghị này liệu có quá khả năng của đơn vị khai thác, khi mà điều đơn giản nhất họ vẫn không chấp hành: nghiêm cấm sử dụng nước biển để khai thác titan?

Ở Bình Thuận từng có chủ đầu tư dự án du lịch xin tận thu sa khoáng trước khi làm du lịch, còn mới đây, sau khi Cty Thuận Nhiên Phong làm lễ động thổ xây dựng nhà máy điện gió, người dân xã Hòa Thắng lại một phen lo sợ khi Cty này xin khai thác titan trên diện tích đặt trụ điện gió.

Nước ngầm nhiễm mặn dễ biết nhưng các tác hại lâu dài về môi trường sống của dân nơi đây rất cần được các nhà khoa học nghiên cứu.

MỚI - NÓNG