Hậu Giang thêm hơn 400 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
Hậu Giang thêm hơn 400 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng
TPO - Theo Sở Y tế Hậu Giang, từ 18 giờ ngày 17/12 đến 18 giờ ngày 18/12/2021, tỉnh Hậu Giang ghi nhận 447 ca mắc COVID-19 mới, cao hơn cả con số kỷ lục 430 ca hôm 4/12.

Cụ thể, 447 ca mắc mới bao gồm: 2 trường hợp về từ ngoài tỉnh, 23 trường hợp là F1 được cách ly tập trung và 422 ca mắc cộng đồng.

Trong 422 ca cộng đồng, ghi nhận nhiều nhất là tại thành phố Vị Thanh với 216 ca; tiếp đến là huyện Châu Thành (91 ca); huyện Châu Thành A (77 ca), thị xã Long Mỹ (29 ca) và huyện Long Mỹ (9 ca).

Tính từ đầu đợt dịch (ngày 8/7/2021) đến nay tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận tổng số 11.368 ca mắc COVID-19; điều trị khỏi 8.226 ca; tử vong tại tỉnh 41 ca; chuyển tuyến điều trị 3 ca (đã tử vong 1 ca; 2 ca đã điều trị khỏi).

Toàn tỉnh còn 957 người cách ly tập trung hiện; 4.943 người cách ly tại nhà và nơi cư trú; 4.709 người tự theo dõi sức khỏe.

Về tiêm vắc xin phòng COVID-19, Hậu Giang đã tiêm cho 593.800 người (559.116 người đã tiêm đủ 2 mũi; 34.684 người mới tiêm 1 mũi), đạt tỷ lệ 97,89% trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 12 tuổi trở lên (606.586 người).

Ngoài ra, tỉnh đang triển khai tiêm vắc xin mũi 3 phòng COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch hoặc làm nhiệm vụ ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao đã hoàn thành tiêm ngừa mũi thứ 2 đủ thời gian, đến cuối ngày 18/12 đã tiêm được 2.964 liều.

Tại cuộc họp của Sở Chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang chiều 18/12, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu, nếu chuẩn bị đủ các điều kiện, sẽ triển khai từng bước việc điều trị F0 tại nhà từ đầu năm 2022.

Trước đó, từ giữa tháng 11, UBND tỉnh đã có kế hoạch thực hiện thí điểm quản lý, chăm sóc F0 tại nhà. Ngành y tế tỉnh cũng đã có phương án để thực hiện kế hoạch này. Tuy nhiên, vì một số lý do nên đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trong phòng, chống dịch COVID-19 vẫn hướng đến mục tiêu ít người nhiễm bệnh, ít chuyển nặng và ít tử vong. Để đạt được mục tiêu này, cần tăng cường hiệu quả điều trị tại các tầng. Riêng ‘tầng 1’ đáng lo ngại nhất, sắp tới đây có thể sẽ đưa về điều trị tại nhà, đặt ra nguy cơ lây lan dịch cho người khác.

Do đó, cần rà soát, phải thành lập ngay trạm y tế lưu động tại các địa phương. Địa phương phải bố trí nhân lực cụ thể, hài hòa và chủ động tập huấn chuyên môn cho trạm y tế lưu động. Điều trị F0 tại nhà vẫn trên tinh thần “4 tại chỗ” khi triển khai.

Ngành y tế chủ động đề xuất mua sắm, chuẩn bị đảm bảo phương tiện, trang thiết bị, thuốc điều trị khi triển khai điều trị F0 tại nhà. Nếu chuẩn bị đủ điều kiện, đầu năm 2022 sẽ thực hiện, tinh thần phải chặt chẽ, từng bước, thận trọng. Trước mắt những trường hợp thật sự cần thiết mới cho ở nhà và ngành y tế hướng dẫn thật rõ cho F0 khi điều trị tại nhà, có đường dây nóng để người bệnh liên hệ...

24 giờ, thế giới ghi nhận thêm 503.000 ca mắc COVID-19 mới

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 503.000 ca mắc COVID-19 và trên 4.800 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 274,4 triệu ca, trong đó trên 5,36 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (90.418 ca), Pháp (58.536 ca) và Mỹ (trên 53.000 ca). Với con số trên, ca mắc mới ở Anh đã lập kỷ lục trong ngày 18/12. Tới nay, Anh có trên 121,2 triệu ca mắc tính từ đầu đại dịch.

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.076 ca), Ba Lan (543 ca) và Mỹ (416 ca).

Tại khu vực ASEAN theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 18/12, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 25.796 ca mắc COVID-19 và 424 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 14.559.312 ca, trong đó 299.807 người tử vong.

Trong báo cáo công bố ngày 18/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Omicron đã được ghi nhận xuất hiện tại 89 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đồng thời biến thể này đang lây lan nhanh tại các khu vực lây nhiễm cộng đồng.

Số ca nhiễm biến thể Omicron tăng gấp đôi trong vòng từ 1,5 đến 3 ngày tại các khu vực lây nhiễm trong cộng đồng. Báo cáo cho biết Omicron đang lây lan nhanh ở những nước có tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nguyên nhân do biến thể này có khả năng "né" miễn dịch hay do tính chất siêu lây nhiễm vốn có của biến thể này, hoặc kết hợp cả hai yếu tố trên.

MỚI - NÓNG