Cà Mau lần đầu tiên ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19 trong ngày

0:00 / 0:00
0:00
Cà Mau lần đầu tiên ghi nhận 1.000 ca F0 trong một ngày.
Cà Mau lần đầu tiên ghi nhận 1.000 ca F0 trong một ngày.
TPO - Chiều tối 14/12, thông tin từ Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau cho biết, trong 24 giờ qua trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.011 ca F0, trong đó có 859 ca ghi nhận trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 18.237 ca.

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh Cà Mau đã cho kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 8 điều trị COVID- 19 tại Trường Chính trị tỉnh Cà Mau, kể từ ngày 13/12. Sở Y tế tỉnh Cà Mau cũng giao Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tổ chức điều hành mọi hoạt động tại Bệnh viện dã chiến số 8 để điều trị hiệu quả bệnh nhân COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Cà Mau đang diễn biến rất phức tạp, mỗi ngày ghi nhận thêm hàng trăm người mắc mới. Ngành Y tế tỉnh Cà Mau dự báo trong những ngày tới số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng.

Đến thời điểm hiện tại, thuốc kháng virus điều trị COVID-19 chưa được sản xuất trong nước nên việc tiếp cận nguồn thuốc kháng virus để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cung ứng. Để đáp ứng cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh hiện tại, tỉnh Cà Mau kêu gọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho tỉnh được mua thuốc kháng virus để điều trị cho người bệnh COVID-19.

Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cũng đề nghị tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập tiếp tục góp công, góp sức vào các hoạt động phòng, chống dịch, nhất là tham gia Trạm Y tế lưu động trên địa bàn.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau - Nguyễn Văn Dũng, mỗi bệnh viện ngoài công lập, mỗi phòng khám đa khoa tư nhân đăng ký tham gia phụ trách ít nhất một Trạm y tế lưu động trên địa bàn huyện, thành phố và xã phường, thị trấn.

“Việc tăng cường nêu trên là để tiếp tục góp phần kiểm soát dịch bệnh COVID-19; giảm mắc, giảm chuyển tầng nặng và giảm tử vong do mắc COVID-19 trên địa bàn”, ông Dũng thông tin thêm.

Hiện tại, Cà Mau đang cách ly điều trị 9.165 ca; lũy kế tử vong 76 ca; khỏi bệnh 9.083 trường hợp. Đang cách ly tập trung 194 người; đang cách ly tại nhà 6.053 người; đang cách ly tại hộ gia đình 2.838 hộ. Lũy kế đã tiêm mũi 1 là 894.156 (đạt 95,86%) và mũi 2 824.043 (đạt 88,34%).

Hậu Giang thêm hơn 300 ca mắc COVID-19 cộng đồng

Tối 14/12, Sở Y tế Hậu Giang cho hay, từ 18 giờ ngày 13/12 đến 18 giờ ngày 14/12, tỉnh Hậu Giang ghi nhận 352 ca mắc COVID-19 mới, bao gồm: 2 trường hợp về từ ngoài tỉnh; 44 trường hợp là F1 được cách ly tập trung và 306 ca mắc cộng đồng.

Trong số 306 trường hợp là ca mắc cộng đồng, tại huyện Phụng Hiệp ghi nhận nhiều nhất với 75 ca, TP Ngã Bảy 55 ca, huyện Châu Thành A 44 ca, TP Vị Thanh 35 ca, huyện Châu Thành 30 ca, thị xã Long Mỹ 26 ca, huyện Vị Thủy 25 ca, huyện Long Mỹ 16 ca.

Tính từ đầu đợt dịch (ngày 8/7/2021) đến nay, tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận tổng số 10.612 ca mắc COVID-19; điều trị khỏi 6.999 ca; chuyển tuyến điều trị 3 ca (đã tử vong 1 ca; 2 ca đã điều trị khỏi).

Toàn tỉnh còn 553 người cách ly tập trung; 4.587 người cách ly tại nhà và nơi cư trú; 5.040 người tự theo dõi sức khỏe.

Về tình hình tiêm vắc xin phòng COVID-19, tỉnh Hậu Giang đã tiêm cho 586.553 người (554.993 người tiêm đủ 2 mũi; 31.560 người mới tiêm 1 mũi), đạt tỷ lệ 96,70% trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 12 tuổi trở lên (606.586 người).

Ngoài ra, đến cuối ngày 14/12, tỉnh cũng đã tiêm được 892 liều vắc xin mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch hoặc làm nhiệm vụ ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao đã hoàn thành tiêm ngừa mũi thứ 2 đủ thời gian.

Hiện toàn tỉnh Hậu Giang vẫn còn gần 20.000 người dân từ đủ 12 tuổi trở lên chưa tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19. Đây là những trường hợp đi làm ăn xa, chưa trở về địa phương trong các đợt triển khai tiêm phòng hoặc e ngại chưa đồng ý tiêm vì nhiều lý do. CDC Hậu Giang đã lên kế hoạch, phân bổ vắc xin cho các địa phương để khẩn trương tiêm vét.

An Giang, Cần Thơ triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 trong tháng 12

Theo đó, ngày 14/12, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt kế hoạch tiêm liều bổ sung, tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 và giao cho Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tại các cơ sở tiêm chủng có điều kiện ở tất cả các tuyến cố định và lưu động trên phạm vi toàn tỉnh từ tháng 12/2021 – 2022.

Tỉnh An Giang dự kiến sẽ tiêm liều vắc xin bổ sung ít nhất là 400.000 người từ 18 tuổi trở lên; ưu tiên tiêm trước cho người trên 50 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, bệnh tim mạch, tiểu đường, suy thận, người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…

Liều nhắc lại sẽ được tiêm cho ít nhất 1.312.200 người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung; ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người trên 50 tuổi, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.

UBND tỉnh yêu cầu, trước ngày 15/12/2021, các cơ sở thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 phải hoàn thành lập danh sách các đối tượng và tiếp tục cập nhật số đối tượng mới trong thời gian tiếp theo.

Cùng ngày UBND TP Cần Thơ cũng có kế hoạch thực hiện tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 trên toàn thành phố từ tháng 12/2021 cho người dân trên địa bàn.

Các đối tượng được tiêm tương tự như trên. TP Cần Thơ yêu cầu sử dụng tất cả các loại vắc xin đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tiêm cho người dân đã tiêm đủ liều cơ bản; không để xảy ra hiện tượng xin – cho, tránh tâm lí chờ đợi, lựa chọn vắc xin và phải đảm bảo tiêm hết số lượng được phân bổ.

Cạnh đó, thành phố còn huy động cả hệ thống chính trị, lực lượng trong và ngoài ngành y tế, công an, quân đội,... tham gia chiến dịch tiêm chủng.

Trong quá trình tiêm, tuyệt đối không để tập trung đông người tại một thời điểm ở các nơi tiêm và thực hiện nghiêm 5K. Đồng thời, công khai minh bạch trong quá trình thực hiện; kết quả tiêm chủng phải được đăng tải trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 để người dân biết.

MỚI - NÓNG