Hậu EURO: Nhiều dấu hỏi cho công tác tổ chức

0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh các cầu thủ Đan Mạch tạo thành vòng tròn bảo vệ khi Eriksen được cấp cứu trên sân trở thành một trong những hình ảnh ấn tượng của EURO 2020
Hình ảnh các cầu thủ Đan Mạch tạo thành vòng tròn bảo vệ khi Eriksen được cấp cứu trên sân trở thành một trong những hình ảnh ấn tượng của EURO 2020
TP - EURO khép lại với trận chung kết kịch tính, để lại nhiều dư âm. Những con số cũng nói lên một kỳ EURO thành công về chuyên môn. Tuy nhiên, khi mọi thứ lắng xuống, người ta bắt đầu nhìn lại hành trình của giải đấu ở những khía cạnh khác.

Sự khác biệt thành tích do di chuyển

UEFA quyết định tổ chức VCK EURO tại 11 quốc gia. Lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu vượt qua giới hạn địa điểm, đáp ứng tiêu chí “châu Âu phẳng” của nhiều người. Tuy nhiên, thực tế giải đấu trở thành những cuộc hành trình khổ ải cho rất nhiều đội bóng.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành, chuyện di chuyển không khác gì thách thức. Bởi, ngoài quãng đường, các đội bóng phải tuân thủ các quy định về COVID-19 ở từng quốc gia họ đến. “Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến các đội bóng khi nó rút ngắn thể lực của cầu thủ ở mức tàn nhẫn”, tờ Blick của Thụy Sĩ lên tiếng.

Cũng theo thống kê của tờ báo này, Thụy Sĩ là đội có hành trình di chuyển dài nhất. Tổng cộng, để phục vụ cho 5 trận đấu, thầy trò HLV Petkovic phải di chuyển quãng đường lên đến 15.485km, cả đường hàng không lẫn đường bộ. Trong khi đó, Scotland chỉ phải di chuyển quãng đường 1.108km cho ba trận đấu vòng bảng, ít nhất trong số các đội dự giải.

Cụ thể, Thụy Sĩ đá ở bảng A tại 2 thành phố Roma của Italia và Baku của Azerbaijan. Khoảng cách giữa 2 địa điểm này lên tới hơn 4.400 km. Đặc biệt, họ phải thi đấu xen kẽ 3 trận vòng bảng tại 2 thành phố này, bắt đầu đá với Xứ Wales tại Baku, rồi bay sang Italia đá với đội chủ nhà, rồi lại trở lại Baku đá trận cuối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Quãng đường mà Thụy Sĩ di chuyển qua lại giữa 2 thành phố này lên tới 8.800km cho 3 trận vòng bảng. Thụy Sĩ đi tiếp hai vòng knock-out và họ phải thêm vào hành trang rất nhiều kilomet!

Về sự chênh lệch trong hành trình di chuyển, Chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin đã thừa nhận bất cập. Ông cho rằng việc tổ chức giải tại 11 quốc gia thực sự “quá thách thức” với các đội tuyển và cả người hâm mộ. Nhưng vấn đề là phương án tổ chức EURO 2020 tại nhiều quốc gia đã được thông qua trước khi ông Aleksander Ceferin chính thức trở thành người đứng đầu UEFA. Điều này khiến vị chủ tịch 53 tuổi không có lựa chọn nào khác.

Hai đội bóng cạnh tranh ngôi vô địch EURO 2020 là Anh và Italia có quãng đường di chuyển lần lượt 3.874km và 4.714km. Nhưng ở vòng bảng, cả hai đội đều… chả phải đi đâu.

Tuyển Anh chơi 3 trận vòng bảng, vòng 1/16, trận bán kết và chung kết đều trên sân nhà Wembley tại thành phố London, trong khi Italia cũng được thi đấu ngay tại Rome ở cả 3 trận vòng bảng. Thành tích của các đội được đá “sân nhà” đều rất ấn tượng.

“Nếu tuyển Anh và Italia phải đá sân khách, liệu họ có vào sâu đến vậy không?”, tờ Blick đặt câu hỏi.

Tại Tây Ban Nha, tờ Marca chỉ ra một thực tế rằng, tất cả những đội phải di chuyển nhiều ở vòng bảng đều bị loại ngay từ vòng bảng, thậm chí trước tứ kết! Con số di chuyển ở vòng bảng của các đội dưới đây là minh chứng cho thành tích của họ: Bỉ (vòng bảng di chuyển 9.157km), Ba Lan (9.456km), Thổ Nhĩ Kỳ (7.971km), Wales (7.287km), Thụy Điển (8.729km), Pháp (6.344km), Croatia (5944km)…

Yêu cầu UEFA có câu trả lời

Sau những bất cập về việc tổ chức giải trên 11 sân đấu mà không có nước chủ nhà đúng nghĩa, UEFA còn bị lên án bởi các quyết định của mình. Trong đó, sự cố Đan Mạch đặt ra một câu hỏi rất lớn về việc “có hay không việc lạm quyền và ‘ép’ các đội khác phải tuân theo ý mình từ UEFA”?

Báo chí Đan Mạch và cả quốc tế liên tiếp yêu cầu UEFA có câu trả lời minh bạch về việc: “Tại sao họ bắt Đan Mạch thi đấu tiếp phần thời gian còn lại trận gặp Phần Lan trong bối cảnh cả đội Đan Mạch chẳng ai còn tinh thần sau khi Eriksen gục ngã?”.

HLV Kasper Hjulmand cho biết, UEFA cho dừng trận đấu, tạm hoãn giải đấu vì dịch bệnh hoặc bất ổn, còn ngưng tim thì không! Nhà cầm quân này ám chỉ đến việc, UEFA coi Đan Mạch là đội bóng “không quá quan trọng” nên tự ý đưa ra quyết định. Các cầu thủ Đan Mạch cũng cảm thấy vô cùng thất vọng khi bị ứng xử như vậy. Họ cho đấy là hành động thiếu tôn trọng của UEFA dành cho các đội bóng nhỏ.

“UEFA im lặng về vấn đề này đến bao giờ? EURO qua rồi, nhưng chúng tôi vẫn chờ một câu trả lời xác đáng. Tôi hoài nghi sẽ có một Đan Mạch tương tự bị ứng xử tồi nếu UEFA không làm rõ trách nhiệm”, đội trưởng Simon Kjaer của Đan Mạch nhấn mạnh trên một kênh truyền thông của Đan Mạch.

Tuy nhiên, trước những chỉ trích, không một thành viên nào của UEFA có câu trả lời về việc này và đây chính là bất cập tạo ra những cơn sóng ngầm trong nội bộ các đội bóng thành viên. Một số quốc gia dường như không còn tin vào sự minh bạch của các thành viên lãnh đạo UEFA!

MỚI - NÓNG