Hậu Epco - Minh Phụng qua hồi ức nguyên Chủ tịch TPHCM Võ Viết Thanh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - LTS: Trung tướng, Anh hùng LLVTND Võ Viết Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM là người luôn trăn trở về vụ “Đại án kinh tế” Epco-Minh Phụng nói chung và quá trình thi hành án nói riêng. Tiền Phong trân trọng giới thiệu bài viết của ông Võ Viết Thanh ghi lại những năm tháng đầy gian nan, thử thách nói trên của thành phố.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, đọc các bài viết về vụ khiếu nại của “cựu tử tù” Liên Khui Thìn đăng trên báo Tiền Phong, tôi chợt nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ rất trầm trọng ở các nước Đông Nam Á, tác động không nhỏ đối với Việt Nam trong 3 năm 1997-1999.

Cũng trong giai đoạn này, vụ “đại án kinh tế” ở hai công ty Epco và Minh Phụng (vụ Epco - Minh Phụng) xảy ra liên quan đến nhiều ngân hàng trên địa bàn TPHCM. Hầu hết các ngân hàng rúng động, vốn bị ứ đọng vì không dám mở rộng cho vay đầu tư phát triển. Nhiều lao động mất việc làm, kinh tế đình trệ…

Trước tình hình đó, Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND TPHCM (tập thể nhỏ) chủ trương “Kích cầu thông qua đầu tư” để giải quyết đọng vốn ở các ngân hàng, kích hoạt đầu tư phát triển và ưu tiên cho hạ tầng các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông.

Hậu Epco - Minh Phụng qua hồi ức nguyên Chủ tịch TPHCM Võ Viết Thanh ảnh 1

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM

Cụ thể, TPHCM dùng vốn ngân sách hình thành quỹ đầu tư “mồi vốn”, hạ lãi suất bảo lãnh rủi ro để các ngân hàng yên tâm đồng tài trợ cho những dự án TP xác định ưu tiên, không phân biệt của Trung ương hay TPHCM cũng như thành phần kinh tế.

Về nguyên tắc, chủ trương này chưa phù hợp với một số Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Ngành và một số quy định của luật pháp tại thời điểm đó. Lãnh đạo TP rất ý thức về chấp hành luật pháp, nhưng đồng thời phải vận dụng luật pháp trên cơ sở có lợi cho dân, cho nước; không vụ lợi, lãng phí.

Tập thể nhỏ đã cụ thể hóa khẩu hiệu “Dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm” thành “Dám nghĩ, biết làm, tự chịu trách nhiệm” vì dám làm chưa chắc làm có hiệu quả, dám chịu trách nhiệm chung chung có thể dẫn đến không ai chịu trách nhiệm, hoặc chỉ có tập thể chịu trách nhiệm khi có tổn thất, bị xử lý kỷ luật như “nước đổ lá môn”. Tự chịu trách nhiệm chỉ rõ vài đồng chí điều hành ở tập thể nhỏ phải ý thức nếu trong tổ chức thực hiện để xảy ra tổn thất thì chỉ có tập thể nhỏ chịu trách nhiệm.

Nói như vậy không có nghĩa tập thể nhỏ xem nhẹ tập thể lớn (Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP và Hội đồng nhân dân TP), thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng lãnh đạo. Như tôi đã đề cập, những chủ trương mới phải “vận dụng” luật pháp hay nói cách khác, có vi phạm luật pháp chừng mực nào đó. Trình ra tập thể lớn để xin quyết định hoặc Nghị quyết thì không bao giờ thông qua được vì tập thể lớn bao giờ cũng tuân thủ tính pháp lý. Do đó, tập thể nhỏ phải tự trách nhiệm, vừa tổ chức thực hiện chủ trương mới, lấy kết quả từ thực tiễn để báo cáo tập thể lớn, tạo sự đoàn kết chung trong lãnh đạo TP.

Nếu không làm như vậy thì phải xin ý kiến cấp trên, rồi cũng chỉ ngồi chờ không biết đến bao giờ. Tổ chức nhỏ nếu không “am hiểu” luật pháp sẽ không bao giờ đáp ứng kịp thời nhu cầu của cuộc sống và sự phát triển nên phải vận dụng có hiệu quả để có thể bổ sung cho luật pháp từ thực tiễn.

Khi TPHCM tạo được cơ chế huy động vốn, các đơn vị ngoài khu vực nhà nước tiếp thu rất nhanh. Trong khu vực nhà nước thì vẫn trì trệ theo tư duy cũ. Nhà nước cấp vốn đến đâu làm đến đó, không bị rủi ro! Duy nhất chỉ có bệnh viện của trường Đại học Y dược TPHCM trực thuộc Bộ Y tế đã đi tiên phong, “gõ cửa” rất nhanh với quỹ đầu tư để vay vốn mồi hỗ trợ lãi suất từ ngân sách TP, đảm bảo rủi ro (nếu có) cho các ngân hàng đồng tài trợ khoảng 1.000 tỷ đồng xây dựng bệnh viện trường Đại học Y dược TPHCM.

Hậu Epco - Minh Phụng qua hồi ức nguyên Chủ tịch TPHCM Võ Viết Thanh ảnh 2

Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM hiện nay

Nguồn vốn đầu tư không thiếu nhưng tôi còn rất phân vân. Tôi xin gặp Giáo sư Nguyễn Đình Hối, Hiệu trưởng trường Đại học Y dược TPHCM kiêm giám đốc bệnh viện trường Đại học Y dược TPHCM để tìm hiểu thêm.

Tôi đến bệnh viện trong giờ làm việc. Thực ra bệnh viện không có thời gian đóng cửa. Từ bên ngoài nhìn vào dãy nhà giống như một chung cư xuống cấp nghiêm trọng, nếu không có bảng hiệu phía trước, người ta sẽ nhầm tưởng như vậy. Tôi len qua từng bước, miệng liên tục xin lỗi vì phải lách vào dòng người đang đứng chờ làm thủ tục khám chữa bệnh. Chờ thang máy quá lâu, tôi chuyển sang thang bộ xếp hàng, chậm chạp từng bước mới lên được lầu 4.

Gõ cửa phòng giám đốc, anh Hối tươi cười mời tôi vào. Vài lời thăm hỏi, tôi vào đề ngay: “Nếu không có gì trở ngại, anh có thể cho tôi biết, Ban Giám đốc nghĩ thế nào khi lập dự án, tự chịu trách nhiệm đầu tư bệnh viện với quy mô lớn như vậy và chưa có tiền lệ cả nước?”

Anh Hối trầm ngâm: “Nếu ngồi chờ ngân sách cấp vốn xây mới bệnh viện thì không biết đến bao giờ. Nếu chúng tôi ngồi chờ thì phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân, vì bệnh viện quá tải!”.

Chỉ qua đối đáp ngắn ngủi như vậy đã giải tỏa hết sự phân vân của tôi. Tôi hỏi tiếp: “Anh sẽ xây dựng bệnh viện tại đâu?”

Anh Hối đáp: “Tôi đang liên hệ cơ quan chức năng của TP để hướng dẫn nhưng mấy tháng nay chưa thấy hồi âm”.

Thấy khu đất trống tiếp giáp bệnh viện, tôi hỏi anh Hối thì được biết là mặt bằng của một công ty trực thuộc quận 5 đang chuẩn bị xây chung cư cao cấp để bán. Anh Hối nói nếu được xây dựng bệnh viện tại đây thì rất lý tưởng.

Tôi lập tức gọi điện cho Chủ tịch UBND quận 5, yêu cầu: “Hãy dừng dự án xây dựng chung cư cao cấp… Tôi sẽ gặp, nói rõ hơn”. Giáo sư Hối rất vui mừng, tiễn tôi ra về.

Hai việc rất quan trọng của dự án xây dựng bệnh viện là vốn và mặt bằng xây dựng xem như đã được giải quyết. Vấn đề còn lại là hàng loạt thủ tục hành chính từ dưới lên trên. Chủ đầu tư dự án bệnh viện mất hàng năm đi xin “phép”, giải trình… Nếu Ban giám đốc bệnh viện thiếu trách nhiệm với bệnh nhân thì sẽ bỏ rơi dự án vì quá mệt mỏi và lắm lúc phải “hạ mình xin xỏ” để được giải quyết các thủ tục rất nhiêu khê. Mấy ai thấu cảm nổi gian truân này để có được bệnh viện khang trang và hiện đại như hôm nay.

Hậu Epco - Minh Phụng qua hồi ức nguyên Chủ tịch TPHCM Võ Viết Thanh ảnh 3

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hơn 300 y bác sỹ bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã tham gia hỗ trợ ngành y tế TPHCM chống dịch COVID-19

Đó là bệnh viện Trường Đại học Y dược TPHCM. Đây cũng là mô hình xây dựng Viện – Trường đầu tiên của cả nước hoạt động rất hiệu quả.

Nhân đây, tôi xin chúc mừng những thành quả vượt trội trong đào tạo, xây dựng, khám chữa bệnh và điều trị bệnh của Viện-Trường Đại học y dược TPHCM trong những năm qua. Và giờ đây, Viện - Trường như là một “Binh đoàn áo trắng” đang ngày đêm chiến đấu với “giặc ngoại xâm COVID-19” tại mặt trận Sài Gòn.

MỚI - NÓNG