Hát trong bệnh viện dã chiến

Chị Tâm đàn hát “Những bông hoa nở giữa mùa dịch” trong bệnh viện dã chiến Hòa Vang
Chị Tâm đàn hát “Những bông hoa nở giữa mùa dịch” trong bệnh viện dã chiến Hòa Vang
TP - Hôm nay, lại một tua trực ngột thở, chỉ một tầng của tôi thôi mà đã 26 bệnh nhân vào. Có người mẹ chết ở nhà, có cả gia đình mẹ con mỗi người nằm một nơi, cha mất ở bệnh viện dưới, hỏa táng chưa có ai nhận tro cốt.

Chúng tôi, trước lúc vào trực thì cả kíp tràn đầy sinh lực. Nhưng sau khi ra có khi không ai nói một lời nào cả, chỉ nhìn nhau thôi. Được cái, kíp tôi toàn người trẻ (chỉ có tôi và một chị nữa là già) nên về nơi cách ly ăn uống, nghỉ ngơi là lấy lại sức và năng lượng ngay.

Đêm trước phải chia tay với chị bạn cùng phòng để về khu điều trị khác, thêm vào là bé điều dưỡng tăng cường của Bệnh viện Thanh Khê rất dễ thương mà đầy tâm trạng. “Cô ơi! Sao cái số con hén khổ ri? Còn 2 ngày nữa là đám cưới rồi, thì có lệnh cách ly toàn thành phố, phải hủy”. Ban đầu nó sốc thực sự khi lần đầu tiên mang bộ đồ bảo hộ suốt 8 giờ ở phòng bệnh nặng. Nhìn nó còn nhỏ hơn con mình, thương lạ... Đêm qua thì các đồng nghiệp Hải Phòng mới vào, sau một tua trực với bộ đồ đó, đã nằm khóc. Nhưng tụi trẻ mau khóc, cũng mau cười lắm, đứa nào cũng dễ thương hết.

Thế rồi, lúc tranh thủ vào phút vào ca trực, tôi cầm lại cây đàn. Là cây đàn ghi ta cũ của bác sĩ trưởng kíp trực. Những lúc căng thẳng, hoang mang nơi bệnh viện dã chiến này, tôi nghĩ âm nhạc sẽ động viên được phần nào tinh thần cho mọi người. Bài “Những bông hoa nở giữa mùa dịch” của nhạc sĩ Tô Văn tôi thường hát, vì rất hợp với tâm trạng của tôi và các đồng nghiệp lúc này. Nhất là đoạn “Cho tôi hát về tình người y đức/Đã bao đêm nhớ tiếng con thơ/Nhớ người thương nhớ vòng tay ấm/Hẹn ngày về khi dịch bệnh xua tan”. Lúc bình thường tôi cũng hay đàn hát. Nhưng không hiểu sao lúc này đây, khi hát giữa bệnh viện dã chiến cảm xúc cứ xốn xang rất lạ…

Lại thêm một bệnh nhân vừa ra đi, một điều dưỡng ở tầng 2 bị nhiễm. Hôm qua, thêm 5 bệnh nhân COVID-19 nữa được bệnh viện dã chiến chúng tôi chữa khỏi. Vậy là bệnh viện chúng tôi đã chữa khỏi cho 20 bệnh nhân mắc dịch bệnh quái ác này. Nhưng vẫn còn gần 200 bệnh nhân khác đang chờ chúng tôi…

Gần 40 người kíp trực chúng tôi giờ là một gia đình, xác định sống chết có nhau, trong cuộc chiến này chỉ có tiến, không có lùi. Mỗi ngày chúng tôi đều dặn nhau phải cố gắng bảo vệ và giữ gìn sức khỏe, vì đã có 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh rồi...

Theo Nhân viên y tế khoa Điều trị và Chăm sóc bệnh nhân - Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, TP Đà Nẵng
MỚI - NÓNG