Bản Ỏn, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) có 100% đồng bào dân tộc Thái với 285 hộ dân, gần 1.400 người. Toàn bản có 29% dân số là hộ nghèo. Bao đời nay, bản làng này bị chia cắt bởi Khe Lòa khiến người dân địa phương gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong hoạt động sản xuất và đi lại. |
Cuối tháng 7/2022, Báo Tiền Phong phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn Nghệ An, UBND huyện Tân Kỳ khởi công xây dựng cây cầu trong niềm mong đợi của người dân địa phương. |
Ông Lang Văn Thuyên – Bí thư chi bộ Bản Ỏn cho biết: “Hàng chục năm qua, Khe Lòa chia cắt Bản Ỏn thành hai cụm độc lập, người dân khó khăn trong sản xuất, đi lại. Trẻ em nơi đây cũng đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm khi đi tìm cái chữ, đặc biệt vào mùa mưa lũ, nên việc có được cây cầu vững chãi là điều mà bao thế hệ mong ước”. Trong hình, đơn vị thi công nỗ lực triển khai xây dựng cây cầu. |
Sau một năm thi công, cầu tràn liên hợp Bản Ỏn hoàn thành, đưa vào sử dụng trong niềm vui, phấn khởi của chính quyền và người dân địa phương. |
Cầu được thiết kế bằng bê tông cốt thép, gồm 6 nhịp, dài 39,48m. Bề rộng mặt cầu tràn 5m. Đường hai đầu bê tông rộng 3,5m. Tổng kinh phí xây dựng cầu là 4,9 tỷ đồng. |
Đây là cầu tràn được thiết kế, xây dựng vĩnh cửu, đảm bảo giao thông đi lại cho nhân dân và học sinh. |
Ngày 15/10, Báo Tiền Phong phối hợp với Tỉnh đoàn Nghệ An, Sở GD&ĐT và UBND huyện Tân Kỳ (Nghệ An) tổ chức khánh thành cầu tràn Bản Ỏn bắc qua Khe Lòa. |
Ông Phan Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ - cho biết việc cây cầu được xây dựng, đưa vào sử dụng không chỉ phục vụ đi lại cho người dân địa phương, trẻ em tới trường mà còn nâng cao, phát triển kinh tế, xã hội của huyện nhà. |
Đoàn thanh niên, chính quyền địa phương cùng người dân nêu cao tinh thần bảo vệ môi trường, sử dụng, bảo vệ hiệu quả cây cầu vừa xây xong. |
Người dân địa phương phấn khởi, vui mừng rảo bước trên cây cầu mới xây xong. |
Vẻ đẹp những cô gái đồng bào dân tộc Thái check-in trên cây cầu. |