Hành trình đi tìm ánh sáng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm ấy, khi cái tên Đinh Thị Hoàng Anh cùng hai tiếng Việt Nam vang lên tại Hội nghị Nhãn khoa thế giới (Ấn Độ - 2023) và đón nhận Huy chương Vàng trở thành phút giây hạnh phúc đáng nhớ nhất trong cuộc đời cô gái trẻ. Cũng chính thời khắc đó các thiết bị, kĩ thuật mang tên cô và người thầy đáng kính được ghi dấu trên bản đồ y khoa thế giới - Kĩ thuật Kalinnikov - Dinh.
Hành trình đi tìm ánh sáng ảnh 1

Từ đam mê…

Đôi mắt sáng với ánh nhìn ấm áp lúc trò chuyện nhưng thoáng chốc trở nên linh hoạt khi câu chuyện giữa chúng tôi “bắt đúng sóng”. Không còn thấy trước mắt mình là vẻ trầm ngâm của một trong những tiến sĩ trẻ nhất ngành Y Việt Nam, thay vào đó là cô gái sôi nổi, cá tính và duyên ngầm...

Vô tình biết Hoàng Anh khi lướt Facebook, tôi ấn tượng với những bức ảnh cô say mê nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Và đặc biệt đeo bám trong tâm trí tôi đôi mắt sáng, thông minh và nụ cười rạng rỡ của cô khi nhận những giải thưởng quốc tế danh giá. “Vẻ đẹp rạng ngời của một người phụ nữ phải được nhìn thấy từ đôi mắt của cô ấy, bởi đôi mắt là cửa chính dẫn tới tâm hồn người phụ nữ và là nơi tình yêu cư trú”, tôi nhớ mình từng đọc câu nói đó của nữ diễn viên huyền thoại điện ảnh thế giới người Anh - Audrey Hepburn.

Suốt cuộc trò chuyện tôi cứ nhìn sâu vào đôi mắt của em, thầm tự hỏi không biết duyên số gì đã đưa đẩy cô gái nhỏ nhắn có nụ cười tỏa nắng và ánh mắt tinh anh ấy đến với một trong những chuyên ngành đòi hỏi sự tập trung cao độ và vô vàn những khó khăn khi nghiên cứu: Nhãn khoa. Có bố mẹ là những trí thức cống hiến nhiều cho xã hội nhưng không ai liên quan đến ngành Y. Đinh Thị Hoàng Anh một mình một hướng, đam mê với những tế bào mắt thường không nhìn thấy được và các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Nhãn khoa để nâng cao chất lượng điều trị. 10 năm học phổ thông ở ngôi trường thuộc Đại sứ quán LB Nga tại Hà Nội, nhờ thành tích học tập xuất sắc nên Hoàng Anh được “nhảy cóc” từ lớp 3 lên lớp 5. Thêm vào đó, chương trình học của nước Nga chỉ có 11 năm nên tròn 16 tuổi Hoàng Anh đã đứng trước sự lựa chọn giữa việc sang LB Nga học Y, theo học trường American University của Hoa Kỳ (học bổng 80%) hay học ĐH RMIT Vietnam với học bổng 100%.

Hành trình đi tìm ánh sáng ảnh 2

Bác sĩ Hoàng Anh trong phòng thí nghiệm

Cuối cùng cô chọn học bổng toàn phần theo Hiệp định giữa Việt Nam và Nga ở bậc đại học, nội trú và Tiến sĩ tại khoa Mắt trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Y và Nha khoa Mátxcơva mang tên A.I. Evdokimov để đi sâu vào lĩnh vực ghép giác mạc. May mắn cho cô nghiên cứu sinh khi được trở thành học trò của GS Kalinnikov Yury, Tiến sĩ khoa học, Giáo sư bộ môn Mắt. Không chỉ nổi tiếng trong giới chuyên môn ở Nga, ông chính là đệ tử chân truyền của GS Svyatoslav N. Fyodorov - một trong những người thầy vĩ đại nhất chuyên ngành mắt của Nga, người tiên phong phát triển kĩ thuật mổ cận và phẫu thuật đặt thủy tinh thể nhân tạo trên thế giới.

“Gọi là khát khao thì to lớn quá, nhưng em yêu thích ngành Y, muốn khám phá những bí ẩn mà tạo hóa ban cho cơ thể con người, muốn sửa chữa những lỗi mà vô tình tạo hóa gây ra trong hành trình sống của một người”, Hoàng Anh nói mà như tự sự. Tôi lắng nghe tâm tư của cô gái trẻ, càng hiểu vì sao cô chọn gắn bó với những thứ tưởng như vô hình, chỉ có thể nhìn bằng kính hiển vi.

Đến ghi dấu ấn

Từ bé khi chơi piano Hoàng Anh luôn có cảm giác mình có thể kiểm soát tốt những ngón tay và càng lớn cô càng cảm thấy nó giống như khi phẫu thuật nhãn khoa. Chính sự liên tưởng đó thôi thúc Hoàng Anh đi theo sự lựa chọn của trái tim. Cô dành nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực giác mạc để nâng tầm các kĩ thuật mổ, muốn được từng ngày ứng dụng tại quê hương.

Hành trình đi tìm ánh sáng ảnh 3

TS Hoàng Anh bên Thầy của cô GS.TS Kalinnikov Yury

Tốt nghiệp bác sĩ nội trú, Hoàng Anh về nước, công tác tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Rồi cô nhận học bổng học Tiến sĩ Nhãn khoa tại Nga. Lần nữa quay trở lại đất nước của những rặng thùy dương, cô bắt đầu hành trình gian nan nhưng rất đỗi tự hào của bác sĩ nghiên cứu sinh. Các bác sĩ, nghiên cứu sinh Nga cạnh tranh với nhau đã là áp lực lớn, cô lại là người Việt Nam duy nhất - cuộc “chiến đấu” càng khốc liệt. Thời gian học quá lâu cũng đôi lần khiến cô nản lòng khi bạn bè có công việc ổn định, xây dựng gia đình thì mình vẫn học và học với đằng đẵng tháng ngày cùng khối kiến thức khổng lồ. Nhưng những phút yếu mềm đó nhanh chóng vuột trôi khi cô được học và làm việc với GS Kalinnikov Yury. Cô nhìn thấy ở thầy sự tận tâm, bao dung, nhiệt huyết truyền đạt kiến thức cho trò đến từ đất nước xa xôi. Với cô, thầy là người ít nói nhưng luôn thấu hiểu học trò và đồng nghiệp. Không thể tìm thấy ở ông vẻ đạo mạo hay xa cách mà người ta thường hình dung khi nghĩ đến một nhà khoa học mang tầm quốc tế.

Trong những ngày được theo thầy nghiên cứu, cô tìm thấy điểm chung ở người thầy lớn của mình: luôn tiên phong. Mãi mãi trong tâm trí Hoàng Anh là lời thầy dặn dò: “Mình luôn đi trước người ta dù chỉ 1-2 bước chứ đừng chạy theo họ vì sẽ không bao giờ bắt kịp họ”. Lời thầy khiến khát vọng mà cô từng vùi xuống bỗng bừng thức. Ngày còn ở Bệnh viện Mắt Trung ương Hoàng Anh nung nấu trong suy nghĩ đề tài nghiên cứu sinh: ghép giác mạc nội mô mới. Ý tưởng thì có mà người đồng hành tìm không ra do Việt Nam chưa có kĩ thuật đó. Sang Nga, trong những lần trao đổi cô phát hiện thầy mình rất muốn thực hiện kĩ thuật này. Từ nghĩa Thầy - Trò, cô thêm một bước trở thành đồng nghiệp tin cậy bên vị giáo sư đáng kính.

Đôi mắt biết cười của Hoàng Anh không ngừng cấy vào tôi mỗi lần qua phố chạm phải những bước lần mò, dè dặt, quờ quạng của người mù. Tạo hóa bất toàn, liệu con người có chiến thắng được định mệnh không? Có, từ chính họ và cộng đồng, từ cái chìa tay giúp họ an toàn hơn trên lối đi, nhưng chưa đủ, làm sao cho họ nhìn thấy mặt trời, lá cây và đồng loại? Ánh sáng của tình thương và tình yêu khoa học, khao khát dâng tràn trong ánh mắt cô tiến sĩ trẻ cứ gợi cho tôi một viễn cảnh, sẽ có ngày những người kém may mắn kia vỡ òa ánh sáng như lần đầu lọt lòng mẹ, tiếng khóc của họ như mồ hôi của cảm xúc sẽ thay lời tạ ơn. Hoàng Anh đang đi tiếp con đường cô chọn, và quả ngọt khoa học đẫm tình thương đồng loại ấy ra đi từ đôi bàn tay mê say dương cầm sẽ thay Thượng đế mang lại cho những người bất hạnh món quà “giàu hai con mắt”. Có hạnh phúc nào bằng khi sở hữu một đôi mắt tỏa nắng…

Năm 2014 GS Amar Agarwal đề xuất kĩ thuật ghép giác mạc nội mô mới - PDEK, mang lại nhiều lợi thế so với 2 phương pháp ghép phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên hạn chế của PDEK là có thể có nhiều biến chứng, dẫn đến tỉ lệ tổn thất giác mạc hiến khá cao và các phẫu thuật viên sẽ e ngại áp dụng. “Do đó mục đích nghiên cứu của hai thầy trò là tối ưu hóa kĩ thuật chuẩn bị và bảo quản mảnh ghép PDEK để giảm tổn thất giác mạc hiến và đơn giản hóa kĩ thuật mổ PDEK cho các bác sĩ nhãn khoa”, TS Hoàng Anh nhớ lại.

Tiếp theo là chuỗi ngày hai thầy trò miệt mài trong phòng nghiên cứu để rồi các thiết bị và kĩ thuật mang tên Kalinnikov - Dinh được phát minh ra đã khắc phục những hạn chế đó. Hạnh phúc vỡ òa và nhân lên nhiều lần khi các thiết bị và kĩ thuật Kalinnikov - Dinh nhận được lời khen ngợi, đặt hàng từ các bác sĩ quốc tế và đạt giải 3 tại hội thảo Khoa học Nhãn khoa toàn LB Nga. Giờ đây nữ tiến sĩ trẻ đã quen với việc đứng trước các đồng nghiệp quốc tế, trong những hội thảo tầm thế giới để trình bày về kĩ thuật và thiết bị mới này.

MỚI - NÓNG