Hành trình chinh phục giải thưởng Tạ Quang Bửu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là một trong hai chủ nhân của giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024, PGS. TS Trần Mạnh Trí, Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ - khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), có một hành trình kì diệu khi xuất phát điểm từ cậu bé sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo chỉ có ước mơ được học hết THPT.

Chia sẻ sau khi nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu, PGS. Trần Mạnh Trí nói, một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất là được gắn bó ở nơi này ngôi trường hơn 20 năm qua, từ sinh viên, trở thành giảng viên, nối nghiệp những người thầy của mình giảng dạy.

Có thất bại mới có thành công

Hành trình chinh phục giải thưởng Tạ Quang Bửu ảnh 1

PGS.TS Trần Mạnh Trí (người đứng) hướng dẫn học trò nghiên cứu khoa học. Ảnh: Diệp An

PGS Trần Mạnh Trí sinh năm 1981, trong một gia đình có 5 anh chị em ở xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Xã của ông được xếp vào diện nghèo nhất, nhì tỉnh. Năm 2000 mới có điện, đến năm 2019, đường qua xã mới được trải nhựa. Trước đó, nếu trời mưa, để về nhà, ông chỉ có cách duy nhất xắn quần, lội bùn. Cuộc sống của người dân nơi đây khốn khó nên số học sinh tiểu học rơi rụng nhiều. Do quá ít học sinh nên trường THCS của xã phải đóng cửa. Trí muốn học lớp 6 phải đi sang nhà cô ruột xã bên cách nhà 20km trọ học. May mắn, khi lên lớp 7 thì trường THCS của xã mở lại, cậu trở về nhà học tiếp.

Khi Trí chuẩn bị hết kỳ I lớp 9, trong câu chuyện đêm bên bếp lửa, người bạn của bố về thăm đã khuyên nên cho Trí lên thị xã (bây giờ là thành phố Tuyên Quang) học, để có điều kiện tốt hơn. Sau hai ngày suy nghĩ, bố mẹ đồng ý. Với Trí, đây như một ngã rẽ “định mệnh” ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp sau này.

Lên thị xã học, cậu mới thấy kiến thức của mình về môn Hóa bị hổng quá nhiều. Được thầy cô, bạn học hỗ trợ, giảng giải lấy lại “gốc”, Trí nhận ra tình yêu với môn học này.

Lên cấp 3, Trí thi vào lớp chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Tuyên Quang, nhưng chỉ đậu hệ B (lớp chọn). Học hết lớp 11, với kết quả học tập tốt, Trí được Ban Giám hiệu cho phép chuyển lên hệ A (lớp chuyên). Tuy nhiên, Trí vẫn ở lại lớp cũ, do quý mến bạn bè. Ngày đó, được người bạn của bố cho ở trọ không lấy tiền nên một buổi đi học, buổi còn lại giúp bác làm bánh chưng, bánh tẻ bán. Trí hầu như không có thời gian đi học thêm. Đến năm lớp 12 Trí mới đi học thêm môn Hóa và tiếng Anh, nhưng được các thầy cô dạy miễn phí.

Lớp 12, Trí giành giải Khuyến khích trong Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trí đăng ký thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với hy vọng được miễn học phí, nhưng không đủ điểm. Cậu đã trúng tuyển vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và gắn bó tới tận bây giờ.

“Với cá nhân tôi, chìa khóa cho những thành quả hôm nay, tôi cho rằng là sự quyết tâm. Tôi luôn đặt ý chí, quyết tâm, nghị lực ở trạng thái cao nhất để vượt qua thử thách, không ngại khó khăn, thất bại. Tôi cho rằng, có thất bại mới có thành công. Với thí nghiệm làm sai thì rút ra những bài học bổ ích”, PGS.TS Trần Mạnh Trí nói.

Động lực nghiên cứu

Trong hành trình trở thành nhà khoa học, TS. Trí từng gặp không ít khó khăn. Đôi khi chỉ một sơ sẩy nhỏ, thầy, trò phải làm lại từ đầu. Trong giai đoạn COVID-19, đi lấy mẫu đã khó, mất 2-3 ngày, nhưng chỉ vì bảo quản không đủ mát, bị hỏng, thầy và trò lại phải đi lấy lại. Hoặc những hóa chất, thiết bị phải đặt mua ở nước ngoài, qua rất nhiều khâu phức tạp; lúc hỏng hóc cần sửa chữa phải chờ đợi kinh phí...

Khi được hỏi động lực nào đằng sau sự quyết tâm đó, PGS. Trí cho hay, đó chính là khát vọng muốn thoát ly. Không chỉ cho bản thân, anh còn muốn truyền động lực, làm gương, để hai em phía sau cố gắng. Từ chính tấm gương của anh trai, một em của PGS Trí đã học xong thạc sĩ, một em khác đã tốt nghiệp trường cao đẳng, có công việc ổn định.

Sau 20 năm gắn bó với ngôi trường, tài sản lớn nhất của TS Trí là hơn 40 bài báo quốc tế, trong đó 7-80% thuộc nhóm Q1 (nhóm tạp chí uy tín nhất). Một trong những niềm vui của anh và đồng nghiệp là đã thành lập được nhóm nghiên cứu mạnh có tên “Quan trắc độc chất hữu cơ môi trường”. Hướng chính của nhóm là các công bố quốc tế, và các ứng dụng, giải pháp hữu ích.

Chia sẻ về cụm 3 công trình đã được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024, TS Trí cho biết, những công trình này đã được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành: Kỹ thuật môi trường, Độc học và Sức khoẻ. Nội dung chính của cụm 3 công trình nghiên cứu là phát triển các phương pháp phân tích chính xác các hợp chất hữu cơ gây rối loạn nội tiết mới nổi, nhóm phthalate và siloxane trong môi trường không khí và nước, dựa trên các thiết bị phân tích chính xác và hiện đại. Công trình có ý tưởng từ năm 2017 và bắt đầu nghiên cứu từ năm 2019.

“Giải thưởng Tạ Quang Bửu là sự ghi nhận của cộng đồng khoa học cho những cố gắng của cá nhân và nhóm nghiên cứu. Điều đó động viên, khích lệ chúng tôi rất nhiều”, TS Trí nói.

PGS.TS. Trần Mạnh Trí đã được tặng Giải thưởng ĐH Quốc gia Hà Nội về Khoa học và Công nghệ năm 2021; Bằng khen của Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội về những thành tích xuất sắc trong công bố quốc tế và sở hữu trí tuệ hai năm liên tiếp (2020 và 2021); Giải thưởng nhà khoa học trẻ tại Hội nghị Hóa học khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2015.

MỚI - NÓNG
Thí sinh Rap Việt xin lỗi
Thí sinh Rap Việt xin lỗi
TPO - Sau 16 Typh, đến lượt Thành Draw xin lỗi vì trận rap chiến gây bàn tán, ảnh hưởng người khác. Khán giả quan tâm vụ việc do trước đó cả hai là bạn thân, cùng quê Hải Phòng và là học trò Binz tại Rap Việt.