Hạnh phúc có con của người đàn ông 22 năm khát khao làm cha

Anh Chiên hạnh phúc bên hai con là Lập và Công. Ảnh: Phan Dương
Anh Chiên hạnh phúc bên hai con là Lập và Công. Ảnh: Phan Dương
Anh Chiên (Hà Nội) đã bán hết tài sản, đất đai và từng 3 lần vượt qua cái chết để có con ở tuổi 44.

Cuối giờ chiều, căn nhà cấp 4 tuềnh toàng nhất xã Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) nhộn nhịp hẳn. Anh Chiên đón hai con song sinh 4 tuổi đi học về. Lũ trẻ hàng xóm ùa sang đùa nghịch. Cô bé Lập và cậu bé Công chơi cùng các bạn, chốc chốc chạy lại, lúc sà vào lòng bố, lúc bám vai, bá cổ, tỵ nạnh nhau. Mỗi lần như vậy, người đàn ông ngấp nghé tuổi ngũ tuần đặt môi thật lâu lên má hai con, hít hà.

"Bốn năm qua là bốn năm tươi sáng nhất cuộc đời tôi. Tôi có hai thiên thần này. Tôi đã thỏa nguyện báo hiếu với tổ tiên", anh Dương Văn Chiên giãi bày.

Anh Chiên là con thứ tám trong gia đình có 10 người con. Tất cả các anh em đều khỏe mạnh, có gia đình đề huề. Riêng anh sức khỏe yếu hơn, từ thời trai tráng đã hay gặp những cơn đau đầu. Năm 1990, anh lấy vợ và khi đó thì phát hiện ra mình bị bệnh tim. Nghĩ mình chẳng biết sống chết khi nào nên việc trước tiên cần làm là sinh con để báo hiếu tổ tiên và có một chỗ dựa cho vợ. Song anh càng cố gắng thì càng không thấy con đâu.

Hai năm sau ngày cưới, anh bắt đầu đến bệnh viện tìm nguyên nhân, nhưng cả 7 lần đi khám thì ngần ấy lần anh đều bước vào phòng bác sĩ với lọ tinh trùng rỗng không. "Đến lần thứ bảy - dù không có kết quả xét nghiệm - các bác sĩ kết luận tôi bị vô sinh bẩm sinh và bệnh viện trả về", anh nói.

"Lúc nhận được tờ giấy đó, mặt mũi tôi tối sầm, choáng váng. Tôi vớ được vào tường, lần mò mãi mới ra được ghế. Đau khổ, tôi đã nghĩ tới cái chết", anh nhớ lại. Cái tin sét đánh đó khiến anh sốt cao miên man và ốm liệt giường suốt hơn một tháng trời.

Cũng vì kết luận này mà đã 3 lần anh đứng trên cầu Long Biên muốn tìm đến cái chết giải thoát cho mình. Nhưng sau cùng, anh đều không cam lòng với kết luận oan uổng đó. "Bác sĩ chưa thăm khám gì đã kết luận như vậy. Ngay cả vợ tôi cũng chưa đi khám, sao lại nỡ gán cho tôi bốn từ đó", anh buồn nói.

Bắt đầu từ thời điểm đó, anh Chiên chăm chỉ làm việc hơn để lấy tiền chữa bệnh. Khi thì anh nuôi vịt, lúc lại buôn hoa quả. Tiền bạc kiếm được bao nhiêu đều dồn hết vào thuốc thang. "Tôi bắt đầu tìm tới các ông lang, bà lang, ở Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình... Xa gần gì tôi đều đi. Thầy bảo tôi theo 5 tháng, tôi theo đến 8 tháng. Thầy bảo 8 tháng, tôi theo cả năm trời. Đến với ai tôi cũng hy vọng họ chữa được cho mình", anh kể.

Suốt mười mấy năm trời uống thuốc lá, anh Chiên cảm tưởng bã thuốc phải chất được vài xe ô tô. Khi ở vườn không còn chỗ đổ nữa thì anh phơi ra làm củi nấu. "Đến những năm 2000, tôi còn có ý định chữa khoán. Tôi bảo với các ông bà lang, nếu ai chữa khỏi cho tôi thì ngôi nhà với 200 mét đất bố mẹ để lại, muốn lấy bao nhiêu tôi cũng đồng ý", anh kể.

Hạnh phúc có con của người đàn ông 22 năm khát khao làm cha ảnh 1

Hai bé song sinh của anh Chiên 4 tuổi, rất quấn bố. Ảnh: Phan Dương.

Việc anh không thể có con là một trong những nguyên nhân khiến cho cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ. Năm 2002, anh làm thủ tục ly hôn, đến năm 2005 thì xong. Đầu năm 2007, anh cưới chị Vương Thị Thân (28 tuổi). Trước khi cưới, anh cũng nói rõ tình trạng của mình và ước mong có con. Sau khi cưới về, anh vẫn kiên trì uống thuốc trong vô định. Đến cuối năm 2011, tình trạng bệnh tim nặng hơn. Anh Chiên quyết định đặt cược, một sống, một chết để mổ tim.

"Tôi còn nhớ hôm đó mổ tim được 5 ngày. Sức khỏe còn yếu, tôi nằm giường xem tivi thì xem được một chương trình có vị giáo sư chữa vô sinh. Lúc đó tự nhiên trong lòng tôi rạo rực hẳn. Bốn tháng sau khi khỏe lên tôi đã lập tức đến tìm gặp giáo sư. Kết quả chọc thăm cho thấy các chức năng của tôi vẫn đầy đủ, chỉ là tôi không có hai ống dẫn tinh. Lúc đó tôi như được sống lại, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy ánh sáng trên hành trình tìm con", người đàn ông 48 tuổi sung sướng kể.

Sau 9 tháng kiên trì uống thì chất lượng và số lượng tinh trùng của anh Chiên đã tốt lên. Vợ anh Chiên, chị Thân (năm đó 32 tuổi) được cho đi khám. Buồng trứng của chị đã suy yếu và sau một tháng kích trứng thì thu được 3 quả. Đôi vợ chồng luống tuổi làm thụ tinh ống nghiệm, sinh được một cặp sinh đôi trai gái.

Nhớ lại chuỗi ngày vợ mang bầu, anh Chiên cho hay đã đi từ đủ loại cảm xúc này đến cảm xúc kia. Anh tâm sự: "Sau 10 ngày làm thụ tinh, vợ tôi ra máu. Tôi nghĩ cô ấy 'đến tháng'. Vậy là ước mơ có con của tôi đã tan tành sao? Cả ngày hôm đó tôi thơ thẩn như người mất hồn".

"Đến chiều hôm đó tôi gọi bác sĩ thì được thông báo vợ tôi đã mang thai, nhưng có nguy cơ dọa sẩy và bảo tôi sáng hôm sau đến lấy thuốc. Ngay khi nghe bác sĩ nói vậy, tôi vừa sung sướng, vừa sợ nếu không tiêm sẽ không giữ được thai nữa. Vì vậy tôi đã khẩn nài nhờ họ đừng đóng cửa phòng khám, chờ tôi hai tiếng sau ra lấy thuốc".

Hạnh phúc có con của người đàn ông 22 năm khát khao làm cha ảnh 2

Hiện tại sức khỏe anh Chiên yếu, chỉ có vợ anh đi làm nuôi cả gia đình. Ảnh: Phan Dương.

Kể từ đó, anh Chiên nghỉ làm luôn để ở nhà trông chừng, chăm sóc vợ. Suốt 9 tháng mang thai, vợ anh chỉ đi lại quanh trong nhà, cùng lắm là ra sân đi dạo. Từ ăn uống, vệ sinh đến tắm rửa, anh phục vụ vợ tất.

Chị Thân kể thêm, chồng chị giám sát và giữ cho chị không khác gì "canh giữ phạm nhân vượt ngục". Mang thai mệt mỏi, tâm lý thay đổi, lại nằm trong nhà, nhiều khi tâm lý chán nản, chị khóc lóc, nhớ mẹ. Mỗi lần như vậy anh Chiên lại lóc cóc đi mấy chục km đón mẹ vợ sang nhà chơi.

Ngày 8/10/2012, chị Thân được mổ bắt con. Vậy là cuối cùng ở tuổi 44, anh Chiên đã có hai con. "Mong mỏi cả đời tôi cuối cùng cũng đạt được. Tôi sung sướng quá, quyết định đặt tên hai bé là Lập và Công để ghi nhớ công ơn bác sĩ đã giúp tôi, ghi nhớ công ơn của vợ và cảm ơn cả hai con đã đến với tôi nữa", anh Chiên nói.

Do sức khỏe yếu, nên vài năm qua anh Chiên không đi làm được, mà ở nhà cơm nước, chăm sóc các con. Vợ anh đi làm thuê nuôi 4 miệng ăn. Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, từ đời ông cha để lại, chẳng có tài sản gì do hơn 2 thập kỷ dồn hết vào việc chữa chạy sinh con. Dù thế đối với anh Dương Văn Chiên, hạnh phúc với anh đã quá đủ.

"Hai con là tài sản lớn nhất với tôi. Giờ tôi chỉ có mong ước, trời cho tôi khỏe hơn để tôi đi làm được, để còn chăm cho các cháu thật tốt", anh bộc bạch.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.