Những ngày này, tại nhiều chợ truyền thống ở TPHCM như Bình Tây (quận 5), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Nguyễn Tri Phương (quận 10)… tiểu thương ngành hàng bánh kẹo, trái cây sấy khô đã bắt đầu đưa hàng Tết giới thiệu đến người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hà (tiểu thương chợ Thiếc, quận 11) cho biết, bên cạnh các loại bánh mứt truyền thống như mứt dừa, hạt bí… năm nay còn có thêm các dòng sản phẩm mới như các loại mứt như mứt hồng bì, mứt xoài, hạt sa-chi, mứt chanh dây, đu đủ sấy dẻo, xoài sấy dẻo của các doanh nghiệp Việt được với mẫu mã bắt mắt, giá cả hợp lý được đưa ra thị trường.
“Trước đây, khách hàng thường chọn hàng ngoại để mua sắm Tết như sô-cô-la, bánh bơ nhập khẩu thì nay người tiêu dùng lại chọn mua hàng Việt, các sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhiều hơn. Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng giá nhưng các doanh nghiệp đều giữ giá cũ. Vì vậy, chúng tôi bán lẻ sản phẩm đến tay người tiêu dùng đều không tăng giá” – bà Hà nói.
Hàng Việt tràn ngập thị trường Tết, người tiêu dùng thích thú mua sắm |
Khảo sát nhiều mặt hàng Tết đang bày bán tại chợ, sản phẩm do các các doanh nghiệp trong nước sản xuất chiếm phần lớn. Ngoài các thương hiệu tên tuổi, các sản phẩm, đặc biệt là của các doanh nghiệp Việt Nam, đều được đầu tư hình ảnh, bao bì bắt mắt, giá cả phải chăng từ 80.000 - 400.000 đồng/ký. Đồng thời đảm bảo nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm. Ngay cả các sản phẩm trang trí, quà tặng Tết của có nguồn gốc “made in Việt Nam” được bày bán chiếm đa số.
Theo các tiểu thương, thời điểm này, hàng Tết về nhiều nhưng sức mua chưa tăng. Thông thường, cao điểm sắm Tết sẽ bắt đầu từ 22 tháng Chạp đến 30 Tết. Dẫu vậy, tiểu thương vẫn kỳ vọng thị trường Tết năm nay khởi sắc hơn vì kinh tế đang phục hồi, thu nhập người dân tăng trong khi hàng Tết phong phú, nhiều khuyến mãi.
Tại các siêu thị, hộp quà Tết cũng được bày bán sớm thu hút nhiều quan tâm của khách hàng. Cầm một hộp quà Tết ngắm nghía tại siêu thị MM Mega Market Bình Phú, chị Đào Thị Minh Trang (35 tuổi, ngụ quận 6) cho biết, nhiều năm trở lại đây, các doanh nghiệp trong nước đã tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm với giá thành phải chăng.
“Đa số hàng hóa trong các siêu thị đều là hàng Việt. Những sản phẩm của doanh nghiệp trong nước sản xuất có chất lượng tốt, hợp khẩu vị, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng nên năm nào gia đình tôi cũng ưu tiên tin dùng. Những năm gần đây, kinh tế khó khăn nên việc mua sắm hàng Việt cũng giúp tiết kiệm được chi phí khá lớn. Tôi cũng chọn hàng Việt để làm quà biếu tặng và mọi người đều tấm tắc khen” – chị Trang cho biết.
Hàng hoá của các doanh nghiệp Việt ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn |
Tăng cường đưa hàng Việt đến người tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Bibica, tổng sản lượng bánh kẹo Bibica đưa ra thị trường năm nay hơn 5.000 tấn các loại, riêng dòng sản phẩm quà biếu là khoảng 6 triệu hộp. “Năm nay chúng tôi đặt kế hoạch doanh số mùa Tết cao hơn năm ngoái từ 15 - 20%. Hiện tình hình tương đối khả quan. Các điểm bán mạnh dạn nhập hàng. Thị trường tăng trưởng đều ở cả ba miền. Chúng tôi cũng đang tuyển 300 - 400 lao động thời vụ để kịp tiến độ sản xuất Tết”- ông Hoàng nói.
Để người tiêu dùng dễ dàng mua sắm, các doanh nghiệp còn tận dụng kênh thương mại điện tử, bán hàng livestream (phát trực tiếp). Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans – nói rằng hiện nay, doanh nghiệp buộc phải làm quen và sử dụng tốt kênh thương mại điện tử để quảng bá thương hiệu lẫn bán hàng. Tỷ lệ người mua hàng hoá của các doanh nghiệp Việt cũng tăng rất cao so với thời gian trước đây.
Thay vì livestream bán hàng từ 20h – 23h như thường lệ, ty Việt Thắng Jeans đã khảo sát thông tin mua sắm của khách hàng trẻ trên các sàn thương mại điện tử và thấy rằng, thói quen của khách hàng thay đổi. Vì vậy công ty thay đổi thời gian livestream, thời gian từ 22h đến 2h ngày hôm sau. Trong đó cao điểm “giờ vàng” từ 0h - 2h sáng.
“Ngay khi các cửa hàng truyền thống trở nên ít hiệu quả hơn, chúng tôi đã đầu tư mạnh vào thương mại điện tử, tổ chức livestream bán hàng thường xuyên. Kết quả thu về rất tích cực” - ông Việt chia sẻ.
Khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, đa số người bán đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua, có thương hiệu uy tín, sản phẩm đa dạng chủng loại, giá bán cạnh tranh. Điều đó cho thấy người tiêu dùng ngày càng tin tưởng đón nhận và sử dụng hàng Việt...
Nhằm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu phục vụ người lao động có thu nhập thấp vào dịp Tết Nguyên đán năm 2025 trên địa bàn thành phố, Sở Công thương TPHCM cũng vừa ban hành công văn gởi UBND các quận huyện, TP Thủ Đức và các doanh nghiệp về việc phối hợp tổ chức Chương trình Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường… với chủ đề “Kết nối tiêu dùng - Lan tỏa yêu thương”, diễn ra từ tháng 12/2024 đến tháng 1/2025.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh, chương trình nhằm tạo điều kiện cho đối tượng là công nhân và phụ nữ, công nhân viên chức, người dân tại quận, huyện của thành phố được tiếp cận sản phẩm chất lượng, giá cả ưu đãi từ các mặt hàng thiết yếu phù hợp với chính sách bình ổn thị trường và hỗ trợ cộng đồng trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Chuyên gia kinh tế Lê Bá Thường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và Văn hóa doanh nghiệp nhận định, nhờ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa nội địa đang dần được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và tin tưởng sử dụng. Ngoài giá cả hợp lý, chất lượng hàng Việt cũng đã không ngừng được nâng cao.