Cách chinh phục người tiêu dùng của hàng Việt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đầu tư về mẫu mã bao bì, chất lượng không thua hàng ngoại nhưng giá cả cực phù hợp túi tiền người tiêu dùng; xuất hiện liên tục để người tiêu dùng nhận diện thương hiệu, len lỏi đến vùng sâu vùng xa, khu đông công nhân… để tiếp thị, quảng bá hàng hóa chính là cách chinh phục người tiêu dùng của hàng Việt.

Tự hào hàng Việt

Tại hội chợ kết nối cung nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh thành mới đây, nhà vườn, doanh nghiệp từ mọi nơi háo hức đưa đặc sản vùng miền, sản vật địa phương đến chào mời người dân thành phố.

Lựa chọn những bọc nấm tươi ngon do các nhà vườn ở huyện Củ Chi sản xuất, bà Lư Thị Kim Phụng, Tổng giám đốc Công ty TNHH PCL Én Việt niềm nở tiếp thị khách tham quan. “Tôi mong muốn đem những sản phẩm ngon nhất, tốt nhất đến cho người tiêu dùng, đồng thời khẳng định hàng Việt không thua kém hàng ngoại nhập từ mẫu mã, công nghệ đến chất lượng” – bà Phụng nói.

Có kinh nghiệm hơn 25 năm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhưng ba năm trở lại đây, bà Phụng bắt đầu bén duyên với nấm và hướng tới thị trường nội địa. Bà cùng các cộng sự tìm tòi, nghiên cứu sản xuất meo, phôi nấm sau đó liên kết với nông dân huyện Củ Chi trồng theo quy trình canh tác của công ty. “Nông dân thường gặp tình cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hoặc trồng theo phong trào. Vì thế chúng tôi hỗ trợ nông dân, bao tiêu đầu ra sản phẩm để họ yên tâm sản xuất” – bà Phụng chia sẻ.

Sản phẩm nấm của công ty Én Việt đa dạng từ nấm rơm, nấm mối, bào ngư xám… và các dòng trà thảo mộc hỗ trợ sức khoẻ. Nấm còn được chế biến sâu thành nấm sấy thăng hoa, snack nấm sấy giòn... Sản phẩm có mặt tại nhiều cửa hàng, kênh online được khách hàng trong nước đón nhận. Theo bà Phụng, sản phẩm nấm canh tác thuận tự nhiên, không hóa chất, không biến đổi gen; nhà máy sản xuất được có chứng nhận HACCP, ISO… nhằm đưa đến khách hàng trong nước sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu.

“Tôi rất yêu thích nông nghiệp và muốn đưa những nông sản Việt tốt nhất cho người tiêu dùng Việt. Tôi đang đồng hành cùng sinh viên để hỗ trợ các bạn khởi nghiệp. Nguyên liệu cuối của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác, do đó phải cùng nhau liên kết để tạo ra sản phẩm bền vững. Hiện doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, tài chính… nên mong được Nhà nước tháo gỡ để chúng tôi có thêm động lực” – bà Phụng bộc bạch.

Cách chinh phục người tiêu dùng của hàng Việt ảnh 1

Hàng Việt được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Uyên Phương

Cơ sở dệt chiếu và làm hàng thủ công mỹ nghệ Tân Phú Hưng (An Giang) đưa những chiếc túi xách, ba-lô làm từ cói, cỏ bàng được làm bằng tay vô cùng tỉ mỉ, đẹp mắt thu hút khách tham quan tại TPHCM.

“Sản phẩm “made in Việt Nam”, không đụng hàng và rất thời trang, giá lại rất mềm chỉ tầm 150.000 – 200.000 đồng/cái. Tôi mua 4 cái làm quà tặng cho người nhà. Tôi rất tự hào và yêu thích các sản phẩm trong nước. Sản phẩm của chúng ta bền, đẹp nhưng do hạn chế về khâu tiếp thị, quảng bá nên chưa được nhiều người biết đến”, bà Thu Hà (nhân viên văn phòng, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) nói.

Đại diện cơ sở cho biết, đây là những sản phẩm thân thiện môi trường được người dân An Giang làm nên. “Lần này bán hàng tại TPHCM, chúng tôi muốn được kết nối với các siêu thị, cửa hàng quà tặng… để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng nhiều hơn”.

Ghi nhận tại một số hội chợ hàng tiêu dùng ở TPHCM cũng như thông tin từ các siêu thị, trung tâm thương mại cho thấy, không chỉ khách hàng bình dân mua hàng Việt, mà rất nhiều khách có điều kiện cũng “săn” hàng nội địa.

Tại nhiều hệ thống siêu thị như Co.opmart, Satra… hàng Việt tại đây chiếm vị trí áp đảo so với hàng ngoại nhập, trong đó hàng thực phẩm các loại chiếm trên 95%. Hàng ngàn đặc sản khắp vùng miền lên kệ siêu thị như dừa Bến Tre, hạt điều Bình Phước, miến dong Bắc Kạn…

Cách chinh phục người tiêu dùng của hàng Việt ảnh 2

Nông sản Việt ngon, tốt cho sức khỏe được doanh nghiệp chào hàng đến người tiêu dùng trong nước

Tăng quảng bá, kết nối

Theo thống kê, sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%. Khảo sát tại một số siêu thị cho thấy, hàng Việt Nam được trưng bày tại hệ thống quầy, kệ ngày càng đa dạng về mẫu mã và chiếm tỷ lệ áp đảo hàng ngoại nhập.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Vận hành tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op Co.opmart nói rằng, hàng Việt ngày càng đa dạng về mẫu mã, chất lượng. Nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, nông sản có lợi thế sản xuất tại địa phương với nhiều chương trình ưu đãi nên người dân dễ lựa chọn. Với tỷ trọng hàng Việt tại Co.opmart đạt từ 90-95% theo từng ngành hàng, người tiêu dùng bước dễ dàng mua được các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, được cung cấp bởi doanh nghiệp uy tín trong nhiều ngành hàng khác nhau.

Còn bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại của hệ thống MM Mega Market Việt Nam cho biết, tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống chiếm trên 90%, nhiều nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn, quần áo thời trang, giày dép…

Sở Công Thương TPHCM cho biết, đang tổ chức nhiều hoạt động để hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng như chương trình Khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm Shopping Season năm 2024 đợt 2 bắt đầu từ ngày 15/11 đến 31/12, với hàng trăm thương hiệu chất lượng trong nước giảm giá “sập sàn” hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm cuối năm.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho rằng, để nâng cao vị thế của hàng Việt cần phải xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn;

Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả. Đồng thời, chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa tạo cơ hội cho hàng Việt đến với người tiêu dùng nhiều hơn; Tiếp tục nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho chủ thể liên quan bởi phương thức tiêu dùng thay đổi, buộc hệ thống bán lẻ cũng phải thay đổi mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Theo đại diện Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho biết, chương trình đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý và quyết định lựa chọn của doanh nghiệp cung ứng, cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước. Hàng Việt chiếm được niềm tin của khách hàng do có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng, chất lượng bảo đảm, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ tìm hiểu về sản phẩm.

Chuyên gia thị trường Trần Anh Tuấn cho biết, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức các hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng Việt, bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp đông công nhân... để nhằm đưa hàng Việt chất lượng đến tay người tiêu dùng. Xây dựng và triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ người thu nhập thấp mua sắm, thúc đẩy sản xuất. Đồng thời, TPHCM cũng cần tăng cường vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong cung ứng, phân phối hàng hóa, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt nhanh chóng, thuận tiện...

MỚI - NÓNG