Những cây cổ thụ hàng chục năm tuổi gắn với ký ức một thời về thành phố Sài Gòn xưa liên tục bị “trảm” đã khiến không ít người cảm thấy tiếc nuối.
Cây xanh nhường chỗ… bê tông
Khi triển khai thi công hạng mục nhà ga Nhà hát Thành phố (thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên), TPHCM đã bứng, đốn 51 cây xanh trong công viên Lam Sơn trước nhà hát thành phố (quận 1), trong đó có nhiều cây sao, dầu cổ thụ đường kính gốc 3-4 người ôm.
Ông Hậu (72 tuổi, ngụ phường Bến Thành, quận 1) kể: Hồi tôi lên 9-10 tuổi, hàng cây đã sừng sững ở đó. Hàng cây là chứng nhân các trận đánh của lực lượng biệt động Sài Gòn vào khách sạn Caravelle và cũng được in trên nhiều bưu thiếp trước năm 1975. Hy sinh hàng cây để xây metro là việc nên làm nhưng mỗi khi ngang qua lại thấy hụt hẫng.
“Tôi đề nghị đo vẽ lại hiện trạng, cây nào nghiêng, chẽ nhánh rồi tính toán, cân nhắc. Khổ cầu giả sử ở giữa là 12m, chỗ này 11m hay 10m thì phải xử lý làm sao chứ chặt hết để làm cầu thì ai làm chả được, đâu cần tư vấn thiết kế. Nhưng sau đó người ta chọn phương án rẻ nhất là chặt hết”.
(PGS. TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM)
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị (ĐSĐT), cuối năm nay, khi hoàn tất đấu thầu và triển khai thi công nhà ga trung tâm Bến Thành (từ công viên 23/9 đến chợ Bến Thành, quận 1), TPHCM phải tiếp tục xử lý 57 cây dầu, sao đen, bò cạp..., trong đó có 18 cây loại 1 đường kính gốc 10 - 20cm và 39 cây loại 2 đường kính gốc 30 - 70 cm, cao từ 6 - 12m.
Trao đổi với Tiền Phong chiều 15/4, ông Lê Khắc Huỳnh, phó Ban Quản lý ĐSĐT cho biết lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu bứng dưỡng (thay vì đốn hạ) toàn bộ cây xanh trong phạm vi công trường, trong đó có 16 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng khi làm nhà ga Ba Son.
Số phận nhiều cây xanh ở khu vực khác không được may mắn như vậy. Đến bây giờ nhiều người dân khu vực Ngã sáu Gò Vấp vẫn còn tiếc hai hàng cây trên đường Nguyễn Oanh (đoạn từ ngã tư Phan Văn Trị đến vòng xoay Ngã Sáu Gò Vấp) bị đốn hạ để thi công cầu vượt thép. Theo thiết kế kỹ thuật thì hàng cây sao trên đường Phạm Ngũ Lão sẽ bị đốn. Dự án đang bị người dân khiếu nại nên tạm ngưng hơn một năm nay.
Sốc nhất là nhiều cây xanh trên đường Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình), Phan Thúc Duyện bị đốn hạ để làm vỉa hè cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đại diện Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam, để xây tòa nhà vài chục tầng chỉ mất vài năm nhưng để có những cây cổ thụ mang tính biểu tượng có khi mất cả trăm năm.
“Trảm” cho khỏe?
Phó giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm nói trước mắt chỉ bứng dưỡng 16 cây xà cừ cổ thụ để làm nhà ga Ba Son. Thành phố vẫn chưa có phương án xử lý 284 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng liên quan dự án cầu Thủ Thiêm 2. Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, giảng viên Đại học Bách khoa TPHCM, việc trảm cây chỉ còn là vấn đề thời gian vì đã được quyết định hơn sáu năm trước.
Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND TPHCM, khi quyết định làm cầu Thủ Thiêm 2, TPHCM đã nghiên cứu rất nhiều phương án và quyết định chọn thiết kế cầu có độ cao cũng vừa phải theo đúng quy chuẩn và luồng tàu đi trên sông Sài Gòn. Khi làm thiết kế cầu đổ xuống đường Tôn Đức Thắng thì con đường phải đảm bảo đủ rộng để lưu thông nên phải tính toán xử lý một số cây xanh ở khu vực này.
“Cây ở đây có tuổi thọ khá lớn, hàng chục, thậm chí cả trăm năm nhưng gần như 100% là cây xà cừ. Giữa chuyện để lại hay giải tỏa cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng để làm dự án thì suốt mấy năm nay TPHCM đã cân nhắc. Các chuyên gia, nhân dân thành phố cũng tham gia góp ý. Thành phố cũng có tiếp thu nhưng tính tới, tính lui thì chắc phải có cách gì khác bù lại, không thể để hàng cây… Chúng ta phải biết chấp nhận. Để được cái này thì phải mất thứ khác nhưng mà mất ít là tốt nhất” - ông Hoan nói.