Chủ tịch Hà Nội muốn giảm 50% chi phí chiếu sáng, cắt cây xanh

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu việc thay thế cây xanh phải có sự phê duyệt của lãnh đạo thành phố. Ảnh: Xuân Hoa
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu việc thay thế cây xanh phải có sự phê duyệt của lãnh đạo thành phố. Ảnh: Xuân Hoa
Cho rằng thành phố đang tiêu tốn vào đèn chiếu sáng, cắt tỉa cây, thu gom rác..., Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu cắt giảm một nửa các khoản chi này.

Tại hội nghị giao ban giữa lãnh đạo thành phố với quận huyện sáng 6/4, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra nhiều kế hoạch trong năm trật tự văn minh đô thị 2016, như: quy hoạch quản lý giao thông, chống ùn tắc giao thông, xây dựng đường trên cao, kè bờ sông Hồng, quy hoạch làng nghề phục vụ du lịch, lắp đặt 80 trạm quan trắc về môi trường, trang trí lại các tuyến đường...

Liên quan đến từng lĩnh vực, lãnh đạo thành phố yêu cầu rà soát để thu về một đầu mối quản lý, như việc trang trí ánh sáng thành phố trước đây do nhiều doanh nghiệp đầu tư gây ra nhiều ý kiến, nay sẽ giao cho Sở Văn hóa thực hiện. 370 nhà chờ xe buýt vẫn do 5-6 doanh nghiệp quản lý nay sẽ giao cho Tổng công ty Vận tải quản lý, bảo trì, thay đổi thiết kế...

Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu tiết giảm một nửa chi phí quản lý đô thị, bằng việc đầu tư các thiết bị cắt tỉa cây vừa đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm chi phí cắt mỗi cây từ 2,5 triệu đồng xuống còn 700.000 đồng.

Hệ thống chiếu sáng sẽ được thay thế toàn bộ bằng đèn LED trong 5 năm để tiết kiệm điện. Hiện nay chi phí chiếu sáng từ 240 đến 260 tỷ đồng tiền điện mỗi năm sẽ tiết giảm còn từ 90 đến 120 tỷ đồng. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các dự án làm đường mới và đường nông thôn đều phải sử dụng đèn LED.

Cùng với đó, chi phí thu gom rác thải phải tiết giảm tối đa song vẫn phải đảm bảo yêu cầu. Ông dẫn chứng quận Long biên đã áp dụng đơn giá thu gom rác mới và giảm được 40% chi phí. Cùng với doanh nghiệp thu gom, đoàn thanh niên thành phố sẽ kết hợp thu gom rác và hướng dẫn người dân bỏ rác đúng giờ.

Ông Chung cũng yêu cầu, từ 1/6 sẽ không cấp thêm giấy phép hoạt động taxi và xích lô vì số lượng taxi, xích lô hiện nay đã quá nhiều.

Lãnh đạo quận huyện cũng đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo trật tự văn minh đô thị trên địa bàn. Chủ tịch quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, quận đang chỉnh trang mặt tiền tuyến phố Lê Trọng Tấn để trở thành tuyến mẫu. Người dân được vận động chỉnh trang mặt tiền, sơn màu đồng nhất, sử dụng biển hiệu cùng kích cỡ, không đưa mái hiên ra ngoài chỉ giới... Hiện mỗi hộ dân bỏ ra 10-30 triệu đồng để chỉnh trang nhà cửa, phấn đấu hoàn thành trước 20/4. Tuyến phố này cũng có quy chế quản lý và được lắp đặt camera an ninh.

Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, đây là năm thứ 3 Hà Nội triển khai "Năm trật tự văn minh đô thị" nên phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, mục tiêu xanh sạch đẹp phải thấm vào từng cán bộ, cấp phường xã, phải trở thành thương hiệu của thủ đô, không chỉ là phong trào. "Mô hình tuyến phố mẫu Lê Trọng Tấn phải được người dân ủng hộ, người dân phải thấy được lợi ích của họ, nếu không thì chỉ vài hôm họ lại phá cây", ông Hải nói.

Bí thư Hà Nội cũng đánh giá, trong quý I/2016, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đang kém đi nên đề nghị các quận huyện tăng cường quản lý, thanh tra xây dựng không được "bật đèn xanh để người dân xây rồi lại phạt" mà khi thấy người đổ đất cát chuẩn bị xây nhà trái phép là phải ngăn chặn ngay.

Ông Hải cũng yêu cầu 4 đoàn kiểm tra của thành phố phải kiểm tra, đánh giá trách nhiệm của mỗi lãnh đạo quận huyện, xã về việc quản lý trật tự đô thị trên từng địa bàn. 

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.