Chậm do DN hộp đen bỏ chạy
Theo quy định của Bộ GTVT, ngày 1/3 vừa qua là hạn chót buộc các phương tiện lắp hộp đen (xe khách, xe buýt, xe du lịch, container) phải truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ. Nhưng theo ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vận tải (Tổng cục Đường bộ), hiện còn khoảng 5.000 - 6.000 phương tiện chưa được tích hợp. “Chúng tôi đã tích hợp được khoảng 50.000 phương tiện trong khi số lượng phương tiện buộc phải lắp đặt khoảng 55.000 - 56.000” - ông Thủy nói.
Nguyên nhân chính của tình trạng doanh nghiệp (DN) không “khai báo” với Tổng cục Đường bộ, theo ông Thủy, do số xe trên lắp phải hộp đen kém chất lượng và không tìm đến địa chỉ để “bắt đền”. Có nhiều DN sản xuất hộp đen bị rút giấy phép sản xuất. Có trường hợp không còn ở địa chỉ đăng ký, khi đến tìm thì không thấy đâu. Để khắc phục điều này, theo ông Thủy, các DN vận tải và DN hộp đen phải làm việc với nhau để giải quyết “hậu quả”, Nhà nước không thể làm thay.
“Trung tâm thông tin dữ liệu là một việc làm quan trọng, thể hiện vai trò quản lý cầm cân nảy mực của Nhà nước. Đáng ra, Tổng cục Đường bộ nên lấy kinh phí của Nhà nước, chọn doanh nghiệp thông qua đấu thầu, không nên nhờ cậy vào sự hỗ trợ của doanh nghiệp”.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, Tổng cục đặt mục tiêu tích hợp toàn bộ phương tiện thuộc diện bắt buộc lắp hộp đen vào 1/6 tới. “Trong thời gian này, chúng tôi đốc thúc các Sở GTVT yêu cầu các DN vận tải khắc phục để truyền dữ liệu về. Trường hợp các DN không chịu khắc phục, ngành GTVT buộc phải áp dụng các biện pháp xử lý như tạm dừng hoạt động hoặc rút giấy phép” – ông Quyền tuyên bố. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, để xảy ra tình huống này là do Bộ GTVT trước đây đã cấp phép sản xuất, kinh doanh hộp đen quá dễ dàng, cấp xong kiểm soát không chặt. “Cần phải có các giải pháp xử lý các DN sản xuất hộp đen và quy trách nhiệm cho các đơn vị cấp phép, quản lý thị trường hộp đen của Bộ GTVT, không nên đổ dồn trách nhiệm lên đơn vị vận tải”, ông Thanh nói.
Thiếu đồng bộ kỹ thuật
Hiện thông tin từ thiết bị giám sát hành trình chưa được dùng để xử phạt vi phạm hành chính (theo thể thức phạt nguội) mà chỉ để quản lý các DN vận tải (thông qua việc tạm ngừng, rút giấy phép kinh doanh). Tuy nhiên, ngay cả ở cấp độ này, các dữ liệu đưa ra để “xử” DN vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ.
Một trong những cơ sở để xác định phương tiện có vượt tốc độ hay không qua màn hình máy tính là phải có bản đồ số thể hiện tốc độ của từng đoạn tuyến. Tuy nhiên, hiện nay, bản đồ này vẫn chưa được xây dựng. Vì thế, việc ghi nhận vi phạm tốc độ đang được vận dụng tạm thời bằng cách: Nếu xe nào chạy quá tốc độ được quy định cho loại phương tiện đó ở ngoài khu vực đô thị thì bị coi là vi phạm. Khi qua khu đô thị (phải chạy chậm hơn) hay cao tốc (được chạy nhanh hơn) đành phải “để trống”.
Ngoài dữ liệu về tốc độ, Tổng cục Đường bộ cho biết sẽ tập trung vào kiểm soát thời gian lái xe (không quá 4 tiếng liên tục). Tuy nhiên, việc thay đổi lái xe hiện nay được quy định được thực hiện bằng tin nhắn. Biện pháp này rất dễ bị lái xe “qua mặt” vì bất kể ở đâu cũng có thể nhắn tin “thay tài”.
Điều làm Hiệp hội Vận tải ô tô và nhiều DN sản xuất hộp đen khác băn khoăn, hiện việc xây dựng, vận hành trung tâm thông tin thiết bị giám sát hành trình này đang được giao cho Eposi, một DN sản xuất hộp đen. Điểm nữa, đây chính là DN từng bị thanh tra Bộ GTVT xử lý vì hộp đen chưa đảm bảo chất lượng (lắp nhầm chi tiết trên hộp đen) nên khó kham nổi khối lượng công việc lớn và khó tạo sự khách quan đối với các DN sản xuất hộp đen khác.
Việc Eposi bị xử lý về chất lượng hộp đen là có, nhưng việc tích hợp dữ liệu là công nghệ khác và họ đáp ứng được các nhu cầu quản lý nên đã được phê duyệt” ông Đỗ Công Thủy lý giải. Một nguyên nhân khác khiến Eposi được Tổng cục Đường bộ đồng ý là doanh nghiệp này đang thực hiện mà không yêu cầu trả thù lao bằng kinh phí. Tổng cục sẽ tính toán quyền lợi cho DN này sau khi công việc hoàn thành.