Sáng 13/10, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức buổi họp với các chủ đầu tư KĐT Thanh Hà (Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5), các đơn vị cấp nước và đại diện người dân liên quan đến việc cung cấp nước ổn định cho hàng chục nghìn cư dân KĐT.
Bên ngoài cuộc họp, hơn 50 người dân là cư dân KĐT Thanh Hà có mặt, yêu cầu cơ quan chức năng, doanh nghiệp cấp nước đối thoại, làm rõ thời điểm nào họ được dùng nước sạch.
Lo ngại cho sức khỏe của mình, nhiều cư dân đã cung cấp cho PV Tiền Phong phiếu kết quả thử nghiệm nước do cư dân tự mang nước đi thử nghiệm. Một số kết quả cho thấy, nhiều chỉ số vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Trong đó có hàm lượng Amoni là 11,46 mg/l, trong khi ngưỡng giới hạn cho phép là 0,3 mg/l (theo TCVN 6179-1:1996).
Nhiều cư dân KĐT Thanh Hà có mặt tại Sở Xây dựng sáng 13/10/2023 để đòi quyền lợi |
Trao đổi sau cuộc họp, ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở thông tin báo chí từ đầu tháng 10/2023 về tình trạng thiếu nước, chất lượng nước không đảm bảo ở Khu đô thị Thanh Hà. Sở Xây dựng đã mời các đơn vị liên quan lên làm việc và đã có phương án giải quyết trước mắt và lâu dài.
Theo ông Du, từ năm 2018 UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho chủ đầu tư triển khai xây dựng trạm cấp nước cục bộ cho KĐT Thanh Hà với công suất 10.000m2/ngày đêm, chất lượng nước phải đảm bảo quy chuẩn 04 năm 2019 của Bộ Y tế. Đến nay, chủ đầu tư đã xây dựng hạ tầng phục vụ cho trạm cấp nước, tuy nhiên một số thời điểm chất lượng không đạt yêu cầu.
Đến năm 2019, khi Nhà máy nước mặt sông Đuống hoàn thành với công suất 300.000m3/ngày đêm, thành phố cho phép bổ sung nguồn nước cho khu vực này, điều tiết qua Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông. Song song với việc đó, thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư cũng phải thực hiện cải tạo, nâng cấp trạm nước ngầm để đảm bảo cho KĐT Thanh Hà.
Ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Hà Nội trao đổi với PV Tiền Phong |
Để cấp nước ổn định cho nhân dân, cuộc họp đã thống nhất giao Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông phối hợp với Công ty CP nước mặt sông Đuống và Công ty nước sạch Thanh Hà thực hiện điều tiết, chuyển nguồn từ hệ thống cấp nước do Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông đang quản lý để cấp cho KĐT Thanh Hà với công suất tối thiểu là 2.000m3/ngày đêm.
“Giải pháp tiếp theo, Sở Xây dựng yêu cầu trong 3 tháng tới, chủ đầu tư phối hợp với Công ty nước sạch Thanh Hà cải tạo nâng cấp công trình để sản xuất nước đảm bảo QCVN 01-1:2018 và Thông tư 41 năm 2018 của Bộ Y tế. Đề nghị CDC Hà Nội thực hiện công tác kiểm tra ngoại kiểm đột xuất, yêu cầu chủ đầu tư công khai kết quả để người dân an tâm sử dụng”, ông Du nói.
Cư dân KĐT Thanh Hà buộc phải mua nước đóng chai sử dụng suốt thành gian qua |
Về định hướng quy hoạch, ông Du thông tin: Sau khi KĐT Thanh Hà hoàn thành, theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô điều chỉnh, KĐT sẽ được bổ sung nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà và Nhà máy nước sạch Xuân Mai thông qua hệ thống truyền tải trên đường vành đai 3,5 và vành đai 4.
Trước đó, hàng loạt cư dân KĐT Thanh Hà phản ánh tới báo Tiền Phong về việc nước sinh hoạt nồng nặc mùi chất tẩy rửa. Nước xả gây cay mắt, trẻ em bị mẩn đỏ da, dị ứng do sử dụng nước để tắm.