Hàng loạt ngân hàng ồ ạt ra đời

Hàng loạt ngân hàng ồ ạt ra đời
TP - Sau 10 năm không cấp phép thành lập cho bất cứ ngân hàng nào, tháng 11/2007, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) đã chấp thuận về mặt nguyên tắc với đề án thành lập ngân hàng cổ phần FPT, Bảo Việt, Liên Việt và Tài chính dầu khí.
Hàng loạt ngân hàng ồ ạt ra đời ảnh 1

Năm 2008, nhiều ngân hàng TMCP mới sẽ ra đời - Ảnh: Hồng Vĩnh

Cuối tháng 12/2007, Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp giấy phép của NHNN lại họp để xem xét hồ sơ xin thành lập của 5 NHTMCP khác.

Đó là hồ sơ của các NHTMCP: Năng lượng, Ngoại thương Châu Á, Ngôi sao, Đông Dương, Đông Dương Thương tín. Ngoài ra còn hơn 20 bộ hồ sơ xin thành lập NH chờ được thẩm định hàng trăm chi nhánh, phòng giao dịch của các NH trong, ngoài nước liên tiếp mở ra gần đây…

Đoạn đầu đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q. Bình Thạnh, TP HCM) dài chưa đến 500m nhưng chỉ trong vòng 2 tháng qua đã có 5 phòng giao dịch của các ngân hàng (NH) khai trương. Một chủ nhà trong khu tài chính Nguyễn Công Trứ (Q. 1, TP HCM) cho biết 3 tuần qua ông tiếp đến 8 đại diện các NH đến xin thuê để mở chi nhánh NH.

Theo nguồn tin của chúng tôi, từ tháng 7/2007 đến nay, NHNN đã nhận gần 40 bộ hồ sơ xin lập NH và đây chưa phải là con số cuối cùng. Tuy Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết chưa có NH nào chính thức được phép hoạt động nhưng chậm nhất đến cuối tháng 6/2008 sẽ có 5 NH nội sẽ mở cửa .

Trưởng ban trù bị thành lập của một NH cổ phần than thở: “Chúng tôi làm hồ sơ từ cuối năm 2006 nhưng vẫn chậm chân hơn 15 NH khác”. Ông này còn nói thêm nếu không được cấp phép trong 6 tháng đầu năm 2008 thì sẽ rất khó khăn với các NH nước ngoài.

Thiếu nhân lực trầm trọng

Giống như các công ty chứng khoán trước đây, khó khăn lớn nhất của các NH sắp hoạt động vẫn là nhân lực. Chủ tịch HĐQT một NH mới thành lập nói: “Vốn chúng tôi chỉ kêu gọi trong 3 tháng là đủ nhưng từ giữa năm 2007 đến nay vẫn chưa tìm xong một tổng giám đốc và cộng sự đúng yêu cầu”.

Đây cũng là tình trạng chung của các NH mới khi họ tìm đủ mọi nguồn vẫn không đủ nhu cầu. Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ngân hàng ACB cho hay, nhân lực trình độ cao trong ngành NH hiện nay đang thiếu trầm trọng và thường thì các nhân viên giỏi vẫn tin vào những NH đã hoạt động từ lâu hơn.

Hiện các nhân viên, lãnh đạo tại nhiều NH lớn đang được “chèo kéo” về các NH mới với chức vụ cao và thu nhập gần 2-3 lần nơi cũ. Ngay cả NHNH cũng có tình trạng cán bộ cấp vụ được mời chào chức Phó, Tổng GĐ các NH mới. Ngoài “sếp” thì nhân viên cũng đang là vấn đề nan giải khi nhiều NH lớn hiện nay cũng phải “săn” mới có người giỏi.

Mốt ngân hàng của tập đoàn

Dù đã chấp thuận  và đang thẩm định hồ sơ thành lập mới của nhiều NH nhưng NHNN vẫn khuyến khích các NH sáp nhập hay liên kết với nhau để nâng cao tính cạnh tranh và nội lực, đặc biệt là trong hoàn cảnh các NH nước ngoài mở NH 100% của họ tại VN chỉ còn tính bằng tháng.

Việc VCB rót vốn vào NH Gia Định hay ACB là một trong những cổ đông chính của Eximbank cho thấy xu hướng ấy đang đến rất gần. Tuy nhiên với tâm lý thích có NH của riêng mình ở nhiều tập đoàn kinh tế và NH đang mang lại lợi nhuận khổng lồ thì khuyến cáo của NHNN và các chuyên gia tài chính chưa đủ “ép phê”.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang Hưng nói: “Hầu như tập đoàn kinh tế nào cũng muốn mở NH và nhiều tập đoàn đang đạt được mục đích”. Bên cạnh cái lợi chủ động được nguồn vốn thì những hạn chế của “NH tập đoàn” đã được nhắc đến khá nhiều.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cảnh báo: “Có những rủi ro liên quan đến việc cho vay với các tổ chức liên kết và việc lạm dụng quyền hạn của công ty mẹ sẽ ảnh hưởng đến các quyết định cho vay của NH. Điều này đã được chứng minh từ nhiều nước trên thế giới và dẫn đến sự sụp đổ của nhiều tổ chức NH”.

Do sức ép cạnh tranh, nhiều NH mở rộng mạng lưới quá nhanh dẫn đến tình trạng “xí phần giữ chỗ” nhưng khách hàng rất ít, thu không đủ bù chi và chất lượng phục vụ thấp. Chưa kể do “cát cứ”, nhiều NH chưa thể kết nối các dịch vụ để tận dụng thế mạnh của nhau, điển hình như dịch vụ thẻ ATM.

Ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ Các NH (NHNN) nhận định sự có mặt của các NH mới sẽ khiến cạnh tranh sẽ trở nên vô cùng gay gắt vì với 5 NH thương mại Nhà nước, 35 NH thương mại cổ phần, 6 NH liên doanh hiện có sức ép đã rất lớn.

Theo cam kết WTO thì NHNN sẽ buộc phải cho phép các NH nước ngoài lập chi nhánh 100% của họ tại VN trong ngay năm nay và khi đó số lượng áp đảo của các NH nội chưa chắc đã lấn át được chất lượng của các NH ngoại. Những dịch vụ mà ANZ, HSBC đang thu hút khách hàng VN thực sự là nỗi lo cho ngành NH VN vốn được bảo hộ khá kỹ…

MỚI - NÓNG