Ngày 4/1, ông Trương Văn Gương - phó chủ tịch UBND xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (nơi có di tích khảo cổ hang Con Moong) chia sẻ: Đây là niềm vui lớn của chính quyền và nhân dân địa phương. Sau khi được công nhận di tích quốc gia năm 2008, chính quyền và nhân dân địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng khu vực hang và các di tích phụ cận.
Hiện nay, hàng tháng có tới hàng trăm lượt khách du lịch (trong và ngoài nước) tới thăm, tìm hiểu hang Con Moong. Khó khăn hiện nay nhất của địa phương đó chính là kinh phí để hỗ trợ người trông coi, bảo vệ, hướng dẫn du khách và xây dựng tuyến đường, tường rào đến khu vực hang…
Trước đó, trong cuộc hội thảo quốc tế hồi tháng 10/2014 về hang Con Moong, đoàn hợp tác khoa học giữa Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học - dân tộc Novosibirsk (Liên bang Nga) cho biết, đã hoàn thành quật hố 14m2 tại di chỉ hang Con Moong.
Theo đó, Hang Con Moong ở bản Mọ, xã Thành Yên, có độ cao tuyệt đối là 147m, độ cao tương đối là 32m, nằm trong núi đá vôi thuộc hệ tầng Đồng Giao, khoảng 240 triệu năm; Địa tầng di chỉ dày 9,5m. Đây là một trong số di chỉ có địa tầng dày và được bảo tồn tốt ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Khu vực lòng hang Con Moong được các nhà khoa học khai quật. Ảnh: Hoàng Lam
Tại địa tầng hang Con Moong các nhà khảo cổ đã phát hiện có 10 lớp cấu trúc khác nhau. Tại các lớp từ 1 đến 6, có tìm thấy công cụ lao động, xương cốt động vật, vỏ nhuyễn thể. Các lớp 7 đến 10 có công cụ đá quartz, di vật tập trung nhất là lớp 10 (độ sâu từ -8,5m đến -9,5m).
Tại mỗi giai đoạn phát hiện các di cổ như: công cụ đá cuội nghè đẽo, công cụ vỏ trai, mũi nhọn xương, rìu tứ giác và gốm Đa Bút; có các mộ chôn nằm co, bó gối, rắc thổ vàng, chôn theo công cụ đá và vỏ trai, mộ chôn tập thể gồm nhiều cá thể.
Các di tồn văn hóa còn lưu lại trên địa tầng hang Con Moong đã cho thấy truyền thống cư trú hang động, truyền thống sử dụng công cụ đá và sự tiến triển về loại hình, kỹ thuật chế tác công cụ, sự biến đổi khí hậu và sự thích ứng của con người trong suốt nhiều vạn năm qua.
Với kết quả khai quật hang Con Moong, Việt Nam bổ sung thêm kỹ nghệ mảnh đá quartz thuộc giai đoạn Late Pleistocene (sự tiến triển về cổ khí hậu từ khô lạnh giai đoạn cuối băng hà) ở Việt Nam.
Ngoài hang Con Moong ra, nhiều di tích hang động trên địa bàn xã Thành Yên cũng đã được các nhà khoa học khai quật, phát hiện nhiều di cổ, mộ cốt người xưa… như hang: Mang Chiêng, Lai, Diêm…