Huyền bí hang Con Moong chốn rừng thiêng

Huyền bí hang Con Moong chốn rừng thiêng
TP - Một loạt hang xung quanh Con Moong được phát hiện mang thêm nhiều bí ẩn về một vùng đất cổ.

> Thanh Hóa: Nhiều phát hiện mới tại di chỉ hang Con Moong
> Lập hồ sơ di sản văn hóa hang Con Moong

Hang Con Moong ở thôn Thành Trung, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã được khai quật 4 lần và được cho là nơi chứng kiến các nền văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn của Việt Nam.

Rừng thiêng

Các xã Thành Yên, Thạch Cẩm, Thành Mỹ, Thành Minh thuộc huyện Thạch Thành ngày nay thuộc tổng xứ Mõ Sơn (có sách ghi là Mọ) trước đây.

Bấy giờ Mõ Sơn có ba chòm: Chòm Xạ, chòm Sánh và chòm Góc do người Mường sinh sống, còn gọi là xứ Mường Mõ. Người dân xứ Mường Mõ thờ hổ.

Ông Đinh Văn Chinh (hơn 80 tuổi), sống tại thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên kể: “Năm 1955, tôi mới hơn 10 tuổi, bố tôi là Đinh Văn Riếc (lúc ấy 55 tuổi) đi vào rừng lấy nhựa cây trám. Trễ một ngày không thấy ông Riếc về, cả nhà đi tìm thì phát hiện ông Riếc đã bị hổ vồ chết, ăn hết phần chân ở tại bản Sót.

Em gái ông là bà Đinh Thị Son cũng bị hổ cắn chết khi còn là thanh niên. Dẫu vậy người thân và người dân bản bấy giờ không bao giờ giết hổ.

Hiện nay, tại thôn Yên Sơn 2, gần hệ thống suối Cô Tiên, người dân đang thờ Đinh Côn Sơn đại vương thượng đẳng sắc phong thần- là người bảo vệ chúa sơn lâm và thờ Đinh Thị Ngọc Liễn còn gọi là Diêm vương thượng đẳng thần- là hai chị em bảo vệ nguồn nước ở vùng này”.

Những câu chuyện như vậy ở vùng này khá nhiều. Mỗi chuyện gắn với một di vật, một địa danh và đều mang màu sắc huyền bí.

Thành Yên là xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện Thạch Thành, với 764 hộ (khoảng 3.000 nhân khẩu), trong đó, đồng bào Mường chiếm 97%.

Kinh tế địa phương tập trung chủ yếu vào chăn nuôi, hoa màu ngắn hạn và kinh tế rừng. Tiếp giáp rừng Cúc Phương, thời tiết ở đây quanh năm mát mẻ, không khí trong lành, cảnh vật hoang sơ.

Toàn bộ phần khai quật ở hang Con Moong đã được bao bọc bằng ni lông và hàng rào tạm
Toàn bộ phần khai quật ở hang Con Moong đã được bao bọc bằng ni lông và hàng rào tạm.

Từ con đường chính của xã, đến dãy núi Moong có hang Con Moong chừng khoảng hơn 100 m, trong đó có khoảng 40 m đường lên hang là núi đá dốc. Chân núi là hệ thống suối nhỏ có nước lớn, cạn theo mùa.

Ngoài dấu vết các nhà khảo cổ để lại, hang Con Moong giữ được nguyên tính tự nhiên từ khi phát hiện, khai quật.

Hang Con Moong cùng các di tích xung quanh như hang Lai, Mộc Long, hang Đắng, Mang Chiêng, hang Diêm lập thành nhóm di tích tiền sử hang động, đặc trưng cho sự tương thích của con người với môi trường hang động đá vôi. Di chỉ hang Con Moong đang được bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.

Dường như ở một cánh rừng đặc biệt nên nơi đây có những địa danh mà tính kỳ bí của chúng đến giờ vẫn chưa được lý giải.

Như ở làng Lống Đá (tiếng Mường gọi là Lống Thụ) thuộc thôn Yên Sơn 2, gần núi đá, cách quèn (nghĩa là dốc hoặc đèo) Dấu Trâu chừng 500 m, trên đường đi vào thung Lắm, người dân gọi đây là nơi có những ngôi mộ lạ.

Anh Đinh Văn Huỳnh - Phó trưởng Công an xã Thành Yên - cho hay: Các ngôi mộ này được đánh dấu bằng hai viên đá to, phẳng, dài ở đầu mộ và cuối mộ. Có nhiều người dân địa phương gọi nơi này là Ma Ngô. Những viên đá to đã bị người dân đào đi và có khoảng hơn 10 hộ gia đình sống ở đây.

Cách hang Con Moong không xa, ở thôn Thành Trung, xã Thành Yên có hang Tình Yêu được nhiều người thường lui tới bởi vào mùa lạnh thì nước trong hang rất ấm, mùa hè nước lại mát.

Cùng cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, ở đây còn có những món ăn ngon mà thiên nhiên ban tặng: ốc đá tròn, ốc suối dài, con chấu chôm, cá niếc (loài cá làm tổ dưới đất sâu, mùa mưa mới chui ra khỏi tổ)...

Xưa và nay, người dân địa phương đi rừng hái măng, kiếm củi, đào củ mài, hái cây thuốc rừng vẫn thường tránh trú ở các hang này những khi trời tối, mưa. Không ai nghĩ rằng, đó là những nơi chứa đựng cả thời kỳ lịch sử bước đầu được đánh giá là khoảng hơn 40.000 năm.

Liên tục phát hiện hang mới

Hang Con Moong có nghĩa là hang Con Thú. Theo lý giải của người dân địa phương, nơi này xưa có rất nhiều thú tụ về. Hang có hình bán nguyệt, có hai cửa thông nhau. Cửa hướng đông nam có một tảng đá tạo hình con hổ.

Theo đánh giá của các nhà khoa học thì vết tích văn hóa khảo cổ học chỉ gặp ở cửa tây nam. Ở đây, bề mặt tầng văn hóa dốc nghiêng, thấp dần từ cửa vào trong.

Ngoài cửa hang có một khoảng đất hẹp tương đối bằng phẳng. Hang có vòm cao và rộng. Ở giữa hang vách phẳng hơi cong, đôi chỗ có nhũ nhỏ xuống làm nền hang ẩm ướt.

Đường lên hang Mang Chiêng
Đường lên hang Mang Chiêng.

Những năm gần đây, các nhà khoa học ở Viện khảo cổ học Việt Nam phối hợp với các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm khoa học Nga tiếp tục khai quật lần 2, lần 3, lần 4 tại hang Con Moong; đồng thời tiếp tục phát hiện và khai quật một số hang khác cũng trên địa bàn xã Thành Yên, huyện Thạch Thành như hang Lai, hang Lý Chùn, Hang Mang Chiêng, hang Diêm...

Cuối tháng 11 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Thanh Hóa phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội nghị công bố kết quả sơ bộ về khai quật khảo cổ học hang Con Moong và hang Mang Chiêng đợt 3 năm 2012.

Theo đó, sau một năm thực hiện, Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học và các chuyên gia Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga khai quật khảo cổ hai hang này.

Căn cứ hiện vật thu được, kết quả nhận xét sơ bộ, cho thấy: hang Con Moong là di tích mộ táng của cư dân thời đại Đá; di tích có địa tầng dày, nguyên vẹn minh chứng cho sự tiến triển về cổ khí hậu từ khô lạnh về giai đoạn cuối băng hà sang nóng ẩm, từ văn hóa thời đại Đá cũ sang Đá mới, từ kỹ nghệ chế tác công cụ mảnh sang kỹ nghệ cuội ghè; hang Con Moong đại diện cho sự diễn tiến văn hóa gắn với nhiều giai đoạn trước Sơn Vi sang Sơn Vi đến văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn và Đa Bút.

Qua khai quật hang Mang Chiêng (lần 2) thu được nhiều hiện vật, di cốt động vật, di cốt người, các nhà khoa học nhận xét đây là di tích mộ táng của cư dân thời đại Đá mới có tổ hợp công cụ đá gần với văn hóa Hòa Bình, tuy nhiên đặc trưng mộ táng kết cấu dạng cụm tròn khác với Hòa Bình.

Hang Con Moong cùng các di tích xung quanh như hang Lai, Mộc Long, hang Đắng, Mang Chiêng, hang Diêm lập thành nhóm di tích tiền sử hang động, đặc trưng cho sự tương thích của con người với môi trường hang động đá vôi.

Trong thời gian các nhà khoa học khai quật tại hang Mang Chiêng (lần 2), hang Con Moong (lần 4), một học sinh THCS ở Thành Yên đã cung cấp cho các nhà khoa học một hang mới có tên là hang Diêm ở núi làng Sánh, thôn Thành Tân, xã Thành Yên.

Những hiện vật tìm thấy được cho thấy hang Diêm có mối quan hệ chặt chẽ về giá trị khoa học lịch sử với hang Con Moong. Ngoài các hang trên, xã Thành Yên còn nhiều hang: Ông Bành, Bịa, Tình Yêu, Thung Lợn, Dốc Ngù…

Theo ông Trương Văn Gương- Chủ tịch UBND xã Thành Yên, sau khi khai quật hang Con Moong, người dân địa phương cũng đã ý thức được giá trị khoa học lịch sử của hang.

Được công nhận là di tích Quốc gia năm 2008, hang được cấp điện. Ngoài ra chưa hề được đầu tư hạng mục nào. Trong khi đó, xã phải tự trích ngân sách thuê người trông coi, bảo vệ, mua vật liệu để làm hang rào cho cửa hang… Hiện nay, mỗi tháng có hàng trăm lượt khách đến thăm, tìm hiểu hang Con Moong.

Tuy nhiên, từ tỉnh lộ vào đến hang Con Moong mất gần 10 km đang là đường cấp phối nên mỗi khi mưa thì đường lầy lội, ách tắc khó đi.

Di chỉ hang Con Moong đang được bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG