Hàng chục nghìn dân đổ dồn về quê: Hỗ trợ cả người về và ở lại

0:00 / 0:00
0:00
Người dân miền Tây ùn ùn về quê qua cửa ngõ TPHCM. Ảnh: Ngô Bình
Người dân miền Tây ùn ùn về quê qua cửa ngõ TPHCM. Ảnh: Ngô Bình
TP - Ba ngày qua, hàng chục nghìn người dân ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đã ùn ùn về quê bằng xe cá nhân sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội. Bên cạnh việc linh động tạo điều kiện cho những người thực sự cần thiết phải về quê, cơ quan chức năng các tỉnh thành đã vận động người dân ở lại để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tự phát

Ngày 3/10, rất nhiều người dân tiếp tục rời TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai để về quê ở các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên, miền Trung sau khi các địa phương này nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội. Dòng người rời TPHCM về quê đa số là lao động nghèo, công nhân thất nghiệp nhiều tháng qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội.

Trước đó, từ ngày 30/9, rất đông người dân đã tự phát chở nhau bằng xe máy ùn ùn từ các khu dân cư, nhà trọ hướng ra quốc lộ 1A để đi các tỉnh. Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát liên tỉnh đã tuyên truyền, vận động ở lại TPHCM nhưng người dân vẫn nhất quyết về quê nên Công an TPHCM đã phối hợp với Sở Y tế, Bộ Tư lệnh TPHCM tiến hành xét nghiệm nhanh COVID-19, tập hợp người dân theo từng tỉnh thành và điều động nhiều xe khách, xe buýt, xe tải đến chở người và xe máy về quê theo nhu cầu.

Do số lượng người dân có nhu cầu rời TPHCM về quê quá lớn, để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu, lực lượng chức năng đã liên lạc với các tỉnh thành để có phương án đón họ về. Từ ngày 2/10, lực lượng chức năng trực tại chốt kiểm soát liên tỉnh giữa TPHCM và Long An cũng linh động mở rào để người dân về quê bằng xe máy lưu thông qua.

Ngày 3/10, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TPHCM cho biết, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, lực lượng chốt chặn tại các chốt kiểm soát liên tỉnh sẽ tạo điều kiện cho người dân lưu thông qua chốt khi đáp ứng đủ các điều kiện như: đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai; thực hiện cuộc hẹn phỏng vấn trước khi đi nước ngoài...

Những người được lưu thông qua chốt kiểm soát liên tỉnh đã tiêm ngừa COVID-19 ít nhất 1 mũi đối với loại vắc-xin tiêm 2 mũi và ít nhất đã qua 14 ngày sau tiêm hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế... Người dân trong suốt quá trình di chuyển phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K.

Trong hai ngày qua, hàng chục nghìn người dân ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã đổ ra các tuyến đường liên tỉnh để về quê. Khi đến các chốt kiểm soát liên tỉnh, lực lượng chức năng vận động người dân trở lại nơi xuất phát để đảm bảo an toàn. Sau khi được vận động, rất nhiều người đã quay trở lại, riêng những người nhất quyết muốn về quê, ngành chức năng các tỉnh đã tiến hành sàng lọc, xét nghiệm COVID-19 và đưa nhiều trường hợp dương tính vào các khu cách ly tập trung. Những trường hợp đủ điều kiện về quê, các tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn xe dẫn đường để hỗ trợ người dân đi xe máy qua địa bàn đảm bảo an toàn.

Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã chấp thuận cho 18 doanh nghiệp với trên 13,5 ngàn lao động thực hiện phương án cho người lao động có thể lưu thông đi và về hằng ngày bằng xe cá nhân hoặc xe đưa rước. Như vậy, cùng với 145.264 lao động của 1.152 doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ, trong đầu tuần đầu tháng 10 tỉnh Đồng Nai sẽ có gần 170 nghìn người lao động trở lại làm việc trong các doanh nghiệp.

Mạnh Thắng

Kêu gọi người dân ở lại

Những ngày qua, song song với việc tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu về quê, ngành chức năng TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương cũng liên tục kêu gọi người dân ở lại để phục hồi kinh tế. Những người chấp nhận ở lại được chính quyền hỗ trợ tối đa từ chỗ ở, lương thực thực phẩm để sớm trở lại công việc.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, từ khi dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đến nay, TPHCM đã phối hợp các tỉnh tổ chức 54 đợt đưa hơn 37.000 người dân về quê theo nguyện vọng.

Hiện nay, TPHCM đang thực hiện Chỉ thị 18, đã có rất nhiều dịch vụ, cửa hàng và nhiều nhà máy, doanh nghiệp mở cửa hoạt động lại nên rất cần người lao động. Do đó, Thành phố đã động viên người lao động tiếp tục ở lại. Để người dân yên tâm ở lại, TPHCM đang khẩn trương thực hiện hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn vì dịch COVID-19, vận động chủ trọ giảm giá thuê, tiếp tục thực hiện các gói an sinh để người dân yên tâm ở lại góp sức cùng Thành phố vực dậy nền kinh tế.

Cũng như TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân có ý định về quê ở lại. Ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát ( Bình Dương) cho hay, chính quyền phối hợp với các chủ nhà trọ hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân không về quê. Những người ở lại sẽ được hỗ trợ tiền thuê trọ, nhu yếu phẩm. “Hiện, nhà máy, cơ sở kinh doanh đã hoạt động trở lại nên nhu cầu lao động rất lớn, người lao động sẽ dần ổn định. Riêng các trường hợp thật sự cần thiết phải về quê, chúng tôi linh động hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ về”, ông Ân nói.

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, hiện đã có hơn 85% doanh nghiệp trong khu công nghiệp trở lại hoạt động sản xuất, từng bước khôi phục kinh tế - xã hội. Do đó, nhu cầu về việc làm rất lớn. Các doanh nghiệp đều được đảm bảo an toàn dịch bệnh trong suốt quá trình hoạt động và sẽ không xảy ra tình trạng phải đóng cửa, ngay cả khi có F0. “Bình Dương đang triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động. Mặt khác, vận động chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê để hỗ trợ người lao động. Bình Dương cam kết không để người dân nào thiếu lương thực, ai thiếu lương thực thật sự, chỉ cần lên tiếng sẽ có người mang đến tận nơi”, ông Minh khẳng định.

Bà Rịa-Vũng Tàu dùng ô tô đưa bà con về quê

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, toàn tỉnh có hơn 2.700 người đã đăng ký nguyện vọng trở về quê. Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và tuân thủ các quy định phòng dịch, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ dùng ô tô chở người và ô tô chở phương tiện đưa người dân về các tỉnh.

Duy Quang

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.