Hàn nho Cao Tự Thanh và Việt Nam Bách gia Thi

Hàn nho Cao Tự Thanh và Việt Nam Bách gia Thi
TPCN - Viết và dịch là nguồn sống chủ yếu của Dũng (tên hồi học ĐH chuyên ngành Hán Nôm của Cao Tự Thanh). Có lẽ trong lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm, duy nhất Dũng là người nghiên cứu độc lập không thuộc biên chế Nhà nước.
Hàn nho Cao Tự Thanh và Việt Nam Bách gia Thi ảnh 1
Nhà nghiên cứu Hán học Cao Tự Thanh

Hao hao như hơn ba mươi lăm năm trước, hàm răng xỉn vàng khói thuốc, vóc dáng cũng xương xẩu như cái ngày Cao Văn Dũng (tên hồi học đại học, chuyên ngành Hán Nôm của Cao Tự Thanh) ngồi bệt trên đống rơm trong ngôi đình của thôn Sát Thượng bắt đầu câu đầu tiên nhân chi sơ tánh bản thiện...

Bây chừ đã bạc trắng và trên cái giá sách ken chật non trăm cuốn sách dịch và mấy chục cuốn nghiên cứu của Cao Tự Thanh là tác giả hoặc viết chung. Các nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, Mai Quốc Liên đã có mấy bài viết về tình hình văn chương học thuật trước đây của Nam Bộ nói riêng và Xứ Đàng trong nói chung lẫn tình hình sách dịch văn học Trung Hoa đều có cụm từ trân trọng nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh...

Nghĩ cũng hơi dại, hồi ấy không chấp chới cứ xin quách sang lớp Hán Nôm cho xong lại nghe lũ bạn xui  rằng học Văn oách hơn chứ thời buổi này Hán Nôm với Ngữ thì ra gì!? Ấy là đang bồi hồi cái thời ba mươi mấy năm trước lũ chúng tôi nhập trường Tổng hợp. Gần mười năm trường Đại học Tổng hợp mới  mở lại lớp Hán Nôm, nhõn chỉ 13 người.

Lớp Văn, lớp Ngữ được học ở hai cái lán mới cất có hầm chữ chi chung quanh. Còn lớp Hán Nôm học ở đình làng, cùng thôn Sát Thượng huyện Yên Phong, nhưng mỗi khi đi ngang đình, nhiều ánh mắt của bọn khoa Văn như lạ lẫm lẫn kiêu kiêu chiếu vào đám môn sinh 13 non choẹt chưa có ai quá hai mươi, không đủ chỗ nên người thì ngồi trên mấy manh chiếu rách, kẻ thì chồm hỗm lẫn chễm chệ trên đống rơm...

Tất thảy chú mục vào khi thì thầy Thảng, buổi thì thấy Quán để nghe giảng sách. Tấm bảng đen mà nào có ra bảng, được chế bằng ba mảnh ván ghép bôi lên thứ màu chi đó nhờ nhờ. ánh sáng hiếm hoi hắt vào hậu cung của ngôi đình làm những chữ Nho viết bằng phấn của các thầy như thêm phần bí hiểm thế nào.

Trong đám môn sinh ấy tôi để ý có một gã chân bị tật một bên đi cà nhắc cà nhắc, điếu thuốc luôn nhệch một bên mép. Mà thuốc gã hút những Tam Đảo Điện Biên mèng cũng là Trường Sơn Tam Thanh là những thứ khó kiếm hồi ấy.

Tôi biết Dũng, tên gã rồi sau này ngồi với nhau vài bận có lẽ là do Trần Quang Tửu (bây giờ dạy ở Đại học dự bị Dân tộc ở Phú Thọ) manh mối giới thiệu. Nghe nói Dũng là con của một vị cán bộ có cỡ ở Trung ương Cục miền Nam nên khoản thuốc và khoản gì gì nữa là do các chú, bạn của ba Dũng tập kết thi thoảng tới thăm cung đốn cho.

Dũng lầm lì ít nói. Mà nói thì khó nghe lắm. Chả phải âm sắc Nam Bộ mà là kiểu nói. Cứ ngang ngang lại thêm các kiểu đệm khá chói tai. Nhưng Dũng, không biết trong dòng tộc hay có người thân biết chữ Hán không mà Dũng học cứ vô thun thút. Nghe đâu nhỉnh nhất lớp.

Lắm hôm nghe gã cao hứng cắt nghĩa cho Tửu với đám bạn về tích nọ tích kia hay điển cố khá rành rọt đến đầu đến đũa mà đám sinh viên văn thường biết một cách rất lơ mơ thì tôi phục gã lắm! Phục nữa là gã rất hào phóng. Muốn ăn kẹo dồi ngoài quán hay hút Tam Đảo cứ theo Tửu rồi gặp Dũng là có. 

Sau Hiệp định Paris, Văn lẫn Hán được về Hà Nội nhưng còn ở nhờ bên Đại học Ngoại ngữ. Mỗi lúc ngó các em xinh tươi của trường ngoại ngữ chiếu ánh mắt lạ lẫm lẫn thương hại mỗi lúc đi qua lớp học của các ông đồ trẻ, thấy cái quyết định của mình chọn học khoa Văn thì lấy làm tự đắc lẫn cao kiến lắm. Mà không biết rằng hai mươi mấy năm sau, mình lại phải ôm sách theo lũ đồ trẻ kia có điều là ban đêm là tại chức! Chao ôi làm sao mà lùi lại thời gian để mà được nghe những thầy như Nguyễn Đình Thảng, thầy Quán, các đấng như Hà Văn Tấn như Cao Xuân Huy dạy Kinh Thư cho?

Hàn nho Cao Tự Thanh và Việt Nam Bách gia Thi ảnh 2
Ông Cao Tự Thanh và tác giả. Phía sau là cuốn “Việt Nam Bách gia Thi độc ấn bản”

Tôi dám chắc cái lớp Hán Nôm ấy của Dũng, các môn sinh đa phần lười thì lười thật nhưng sức học phải là nhỉnh là khá cả thì kết thúc cái năm thứ nhất cả lũ mới có thể được thày dằn bụng cho những là Sơ học vấn tân, Minh tâm bửu giám, Khải đồng thuyết ước, Luận ngữ chính văn tiểu đối, ấu học ngũ ngôn thi vv... chứ? lại nói chuyện lười của các đồ trẻ lớp Hán.

Một hôm cả khu ký túc xá náo loạn lên, mà lại đang giờ học sáng. Cả lũ dồn ra hành lang mục kích cái cảnh thầy Thảng chủ nhiệm lớp Hán sục đi các phòng để lùa các môn sinh lên lớp vì quá giờ học lâu rồi mà lớp đâu chỉ vài người! Lại nghe nói bữa ấy đâu như có các giáo sư Hà Nội đích thân vô dự giảng. Tò mò tôi lần lên lớp Hán.

Trong số môn sinh vừa bị lùa lên có Dũng vừa bị dựng dậy mắt còn ghèn vì chưa kịp rửa mặt. Vô phúc cho Dũng hôm ấy, cụ giáo sư Hán học mà tôi quên tên chỉ vào Dũng đứng lên giải thích mà tôi nhớ mang máng hình như phân tích ngữ pháp một đoạn trong Quân trung Từ mệnh tập.

Dũng có cái phong thái không ấp úng rụt rè như nhiều trò hồi ấy mà khá tự tin kể cả khi chẳng thuộc bài! Nhưng quái cho cái gã này, phong thái ấy lại kèm theo hôm đó thuộc bài nên Dũng làm cho cả lớp cũng như hai giáo sư dự giờ rất chi là hài lòng!

Giải phóng Sài Gòn được một dạo chúng tôi nghe nói Dũng đã bỏ học vô Nam làm việc. Ai cũng tiếc cho sức học của Dũng. Chỉ in ít thời gian nữa là tốt nghiệp. Dũng sẽ về Viện Hán Nôm hoặc một viện nghiên cứu nào đó oách lắm chứ? Thời buổi này thạo Hán Nôm được mấy hột? Hồi ấy trí lự lẫn thang trật cho tiêu chí tử tế của lũ chúng tôi chỉ có vậy!

 Tôi vô Nam lúc rảnh việc hỏi Dũng, mấy người bạn cho hay Dũng nghe đâu làm ở báo Sài Gòn giải phóng hay Đại Đoàn Kết đang theo một nhóm nghiên cứu gì đó ở Đồng bằng sông Cửu Long. Rồi lại nghe Dũng trở ra Bắc học nốt năm cuối Hán.

Bẵng đi lẩu lâu, những nhộn nhạo thời bao cấp đẩy cái lứa cùng khóa 17 ấy tao tác khắp nơi. Mãi một dạo ở Sài Gòn tôi mới chắp mối qua mấy người bạn mà biết thêm Dũng sau khi  về Long An làm ở Sở Văn hóa Thông tin đến năm 1990 thì xin thôi việc hẳn. Tôi chỉ biết loáng thoáng về Dũng như thế còn cái tên Cao Tự Thanh trước nay thấy xuất hiện trên mảng sách dịch lẫn mặt báo và mấy cuốn tạp chí thì tôi không hay đó là Cao Văn Dũng!

Nếu không có Nguyễn Văn Thông cùng khóa làm ở báo Thanh Niên thì không thể tự hỏi thăm mà đến được bởi nơi Dũng thuê ngoắt ngoéo quá. Một chút ngậm ngùi lẫn thán phục, Thông phác qua về Dũng, từng đổ bể hôn nhân và giờ vẫn một mình ở vậy. Giang sơn dị cải bản tánh nan di. Vẫn y chang tính cách như ba mấy năm trước. Dũng khảng khái từ chối mọi sự trợ cấp giúp đỡ của gia đình...

Viết và dịch là nguồn sống chủ yếu của Dũng. Có lẽ trong lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm, duy nhất Dũng là người nghiên cứu độc lập không thuộc biên chế Nhà nước. Cái nhà mà chúng tôi đang tới là nhà Dũng thuê. Thông cười, ở trong này có người kêu bằng ẩn sĩ, kỳ sĩ nhưng bọn tớ gọi Dũng là Hàn nho Nam Bộ Cao Tự Thanh!

... Tôi mở mắt ra thì Sài Gòn đã vàng mặt trời. Dũng đang hí húi gì đó bên cái máy vi tính. Cái mùi đặc trưng khó chịu của con rạch bên hông nhà Dũng thuê trong xóm nghèo cứ lẩn quất đâu đây.

Rồi bóng tối chợt loang. Quầng sáng màn hình vi tính hắt ra làm khuôn mặt và nửa ở trần của Dũng như một khối điêu khắc bán thân hoàn chỉnh dường như chả phải gọt đẽo gì! Bên cạnh là cái giá sách mà hồi sáng, tôi tỉ mẩn đếm cả sách dịch lẫn công trình nghiên cứu nhọc nhằn của Dũng mấy chục năm rồi dễ đến non trăm cuốn!

Trong câu chuyện lan man hồi trưa, hóa ra Dũng không thuần chỉ là dịch với nghiên cứu Hán học và đặc biệt chú tâm vào mảng Hán Nôm học Nam Bộ. Mà mảng xã hội học cũng chi dùng của Dũng nhiều thời gian. Dũng cho hay mấy năm trước, Dũng và một số bạn bè xin thành lập Hội nghiên cứu Hán học thành phố. Nhưng các cơ quan có trách nhiệm cho đến nay vẫn im lặng!

Chất giọng rè ám khói thuốc của Dũng thế này: Khi người ta thật sự cần biết chẳng hạn Nho giáo ở Gia Định là gì? Văn học Hán Nôm ở Gia Định là như thế nào thì lúc ấy tôi sẽ là nhà khoa học hợp quy cách và có đủ bao bì nhãn hiệu.

May mà tôi còn biết thân lẻ loi đi vào đời thì phải cẩn thận như đi trên băng mỏng, viết cái gì cũng phải cố nắm vững tư liệu và vấn đề không được sai lại càng không được ẩu càng không được trộm cắp xào xáo của người khác chứ đâu có dám dễ dãi vô tư...

Đèn bật sáng. Lấp lóa trên tường mấy câu mà chủ nhân là tác giả dạng tự vịnh Chỉ nhân thức tự thành hao mục/... Bạch phát nguyện khan tân thế giới/ Thanh tâm tàm đối cựu giang sơn/ Thị tri thị tội tòng thiên mệnh/ Kim cổ du du ý độc hàn (Bởi chưng biết chữ nên mắt ta cay/ Tóc trắng mỏi mệt nhìn thế giới mới/ áo xanh thẹn trước núi sông xưa/ Người ta biết hay bắt tội đành theo mệnh trời/ Cổ kim mênh mông riêng thấy run sợ).

... Buổi họp khóa XVII của lớp Văn Hán Ngữ nhân 30 năm ra trường mới đây có một món quà đặc biệt! Quà nhưng chả ai đựợc nhận mà chỉ xúm nhau vào coi cho đã mắt. Cao Tự Thanh công phu cho đóng hòm gửi theo đường tàu hỏa từ Sài Gòn rinh ra Việt Nam Bách gia Thi độc ấn bản.

Cuốn sách mà nghe nói đã được đưa vô Guinness Việt Nam. Chỉ một cuốn duy nhất. Khổ 1,5 mét x 0,9 mét. Nặng 54 kilôgam, đóng bằng thứ giấy ngoại. Mỗi trang như thế đều có hoa văn chìm như tôn thêm kiểu chữ khải chữ chân sắc nét của người viết với hơn trăm trang của đúng một trăm tác giả cổ điển Việt Nam xuất sắc (Báo chí một dạo đã nói nhiều về cuốn sách độc đáo lẫn độc bản này.Thày Nguyễn Kim Thảng  viết chữ. Trò Cao Tự Thanh sưu tầm và dịch.

Với thầy Thảng, Dũng từng thủ thỉ rằng, ba mươi lăm năm nay không chỉ là thày học bởi ngoài ngữ nghĩa ra còn học được ở thầy nhiều điều bất ngôn nhi giáo trong cách sống và đạo làm người. Vui nhất là năm nay 82 tuổi mà thầy còn lọ mọ từ Quảng Ngãi ra với lũ học trò chúng tôi).

Tháp tùng Cao Tự Thanh còn có hai trò một nam một nữ vốn ham thích nghiên cứu Hán Nôm tự nguyện ở ngay nhà thầy vừa thực hiện những đề tài thầy gợi ý chỉ bảo lẫn tự nguyện hầu hạ cơm rượu cho thầy.

Thời buổi @ thấy lạ lẫn thương với kính cho ba thầy trò nhà này. Đến mục giở cuốn độc bản ra, Cao Tự Thanh không cho ai mó  vào vì sợ mồ hôi tay làm hỏng giấy nên bên cuốn sách to đùng như chiếc giường cá nhân, ai muốn coi trang nào hai  trò của Cao Tự Thanh tay đeo găng trắng luôn đứng túc trực giở ra cho coi trang đó.

Đi dạo ở Thủ đô, hay trong Sài Gòn cũng vậy, thầy cà nhắc đi trước, hai cô cậu cắp cái túi theo hầu. Có thứ nặng nhất thì sau khi cho bạn bè coi lẫn chụp ảnh chán chê cuốn độc bản Việt Nam Bách gia Thi độc ấn bản, Hàn nho Nam Bộ Cao Tự Thanh lại  cho hai đệ tử đóng hòm cẩn thận để rồi lại gửi theo đường hỏa xa vô Sài Gòn...

Cuối năm Tuất

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.