Hải quân châu Âu tìm cách đối trọng Nga?

Tàu ngầm lớp U-33 của hải quân Ðức đang rời cảng quân sự ở Eckernfoerde, phía bắc nước này Ảnh: Sputnik
Tàu ngầm lớp U-33 của hải quân Ðức đang rời cảng quân sự ở Eckernfoerde, phía bắc nước này Ảnh: Sputnik
TP - Nhiều quốc gia châu Âu đang tham gia một loạt các cuộc tập trận hải quân trên biển Baltic với vai trò dẫn đầu của Ðức. Một số chuyên gia nói đây là các động thái chuẩn bị để đối đầu với mối đe dọa từ nước Nga.

Hãng tin Reuters nói hôm qua, Đức đã bắt đầu khởi động một chuỗi các cuộc tập trận quan trọng ngoài khơi Phần Lan với sự tham dự của 3.600 binh lính, 40 tàu chiến và 30 máy bay. Số quốc gia châu Âu tham dự chuỗi hoạt động quân sự này lên đến hơn 10 nước. Mục tiêu chính được nói là để đảm bảo biển Baltic an toàn  cho các hoạt động vận tải thương mại.

“Biển Baltic là “mặt tiền” của chúng tôi, vì vậy chúng tôi và các quốc gia láng giềng muốn đảm bảo được tự do hoạt động vận tải biển ở khu vực này”, thuyền trưởng Sven Beck, chỉ huy khinh hạm Hamburg của hải quân Đức nói với các phóng viên trên boong tàu.

Nga thường xuyên nhấn mạnh rằng họ không có ý định đe dọa tấn công quân sự quốc gia nào ở châu Âu, theo Sputnik. Tuy nhiên, Mỹ đã triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa, theo các chuyên gia quân sự, có thể điều chỉnh trong trường hợp cần thiết để biến thành hệ thống tên lửa tiến công. Đáp lại, Nga cho triển khai các bệ phóng tên lửa đạn đạo tối tân Iskander-M ở vùng Kaliningrad kể từ năm 2013. Sputnik cho hay, tháng 2/2018, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Shamanov cho biết các bệ phóng Iskander-M sẽ được triển khai thường xuyên.

Tuy vậy, các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng trong trường hợp có xung đột quân sự, Nga sẽ phong tỏa biển Baltic, cắt đứt các hải lộ thương mại và khiến các quốc gia Tây Âu khó mà hỗ trợ quân sự bằng đường biển cho các nước vùng Baltic có biên giới giáp với Nga.

Theo bản tin của Reuters, biển Baltic có độ sâu không lớn, các eo biển hẹp và dễ dàng bị phong tỏa bằng thủy lôi. Trong đợt tập trận lần này, các tàu chiến châu Âu sẽ tập luyện phá thủy lôi, hộ tống  tàu hàng và sử dụng các loại vũ khí.

“Mục tiêu của các cuộc tập trận là đảm bảo tự do hàng hải, đảm bảo sự thông suốt của các tuyến hải lộ thương mại dọc bờ biển Baltic”, thuyền trưởng Beck nói với các phóng viên.

Theo Sputnik, kể từ năm 2014, khi xảy ra sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga và nội chiến nổ ra ở Ukraine, Đức đã tìm cách nắm lấy vai trò dẫn đầu về hải quân ở châu Âu thông qua việc tổ chức thường xuyên các cuộc họp lãnh đạo hải quân các nước. Đức cũng xây dựng trung tâm chỉ huy mới ở Rostock. Theo Reuters, trung tâm này có nhiệm vụ dẫn dắt các hoạt động của hải quân châu Âu (tất nhiên trừ Nga) ở biển Baltic kể từ năm 2023.

Điều này cho thấy Berlin đã dần trút bỏ vị thế sau Thế chiến 2 của một kẻ bại trận, dần nắm lấy vị trí dẫn đầu về quân sự, theo nhận định của Reuters. Tháng trước, bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nói nước này phải “nhận lãnh nhiều trách nhiệm hơn đối với các vấn đề khu vực”.

“Quy mô hải quân của chúng tôi không lớn nhưng so với các nước Baltic thì lớn hơn nhiều. Vì thế chúng tôi sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm”, thuyền trưởng Beck nói. Và có vẻ nhiều nước châu Âu chào đón điều này. “Chúng tôi rất vui khi thấy Đức nêu cao trách nhiệm”, chỉ huy hải quân Phần Lan, đô đốc Veijo Taipalus nói.

Không thể trông chờ Mỹ

Trong hầu hết thời gian diễn ra Chiến tranh lạnh và những thập kỷ tiếp theo, Mỹ đã giữ vai trò dẫn đầu trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO), nhận trách nhiệm bảo vệ châu Âu trước người Nga. Tuy nhiên, gần đây, đã hơn một lần tổng thống Donald Trump kêu gọi EU và đặc biệt là Đức, tăng chi phí cho quốc phòng. Đầu tuần trước, cựu tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu Ben Hodges nói các đồng minh châu Âu sẽ phải làm nhiều thứ để tự bảo vệ mình khi Nga đang “hồi sinh” bởi vì người Mỹ sẽ phải tập trung hơn cho việc bảo vệ lợi ích của họ ở Thái Bình Dương.

“Mỹ cần một trục mạnh ở châu Âu. Tôi nghĩ trong vòng 15 năm tới, tuy điều này không phải là không thể tránh khỏi, nhưng rất có thể Mỹ sẽ có chiến tranh với Trung Quốc”, ông Hodges nói với cử tọa tại Diễn đàn An ninh Warsaw, sự kiện diễn ra trong hai ngày với sự tham dự của các nhà lãnh đạo, chuyên gia chính trị và quân sự đến từ Trung Âu, theo AP.

“Mỹ không đủ năng lực làm mọi việc ở châu Âu (mà lẽ ra họ phải làm) trong khi đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc ở Thái Bình Dương”, tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu từ 2014 cho đến năm 2017 nói. Hiện nay ông Hodges là chuyên gia chiến lược của Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu, một viện nghiên cứu có trụ sở ở Washington.

MỚI - NÓNG