Lên phương án di dân tránh bão
Chiều muộn 5/9, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chủ trì buổi họp khẩn với các sở ngành, quận huyện triển khai các phương án phòng chống cơn bão số 3 (YAGI).
Trước diễn biến mới của cơn bão số 3 mạnh lên cấp siêu bão và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã ban hành Công điện chỉ đạo các sở ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bão.
Tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Ban Chỉ huy PCTN và TKCN thành phố thông tin, khu vực xung yếu nhất là các tuyến ven biển, đê biển chưa hoàn chỉnh tại Đình Vũ, vùng biển Cát Bà, Đồ Sơn (khu vực có đê chắn sóng kém).
Vật tư phòng chống bão khu vực xung yếu đã được bố trí đá hộc, các vật liệu bao tải, đất cát và các trang thiết bị cần thiết khác sẵn sàng ứng phó với các tình huống. Dự kiến sẽ cấm biển, các hoạt động vận tải ở bến phà ra Cát Bà từ trưa 6/9.
UBND TP Hải Phòng họp khẩn cấp bàn phương án ứng phó với cơn bão số 3. |
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, hệ thống thoát nước của thành phố có khả năng chống chịu mưa với lưu lượng 100mm, tuy nhiên dự báo bão số 3 mưa rất lớn 300mm, do đó hệ thống thoát nước sẽ quá tải sẽ dẫn tới tình trạng ngập sâu tại các tuyến phố trung tâm.
Theo Sở Xây dựng Hải Phòng, các công trình chung cư cũ, chung cư xuống cấp là có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi bão, nhất là địa bàn quận Ngô Quyền và Lê Chân, Hồng Bàng. Thành phố hiện có khoảng 600 căn chung cư đảm bảo chất lượng dự phòng, có thể làm nơi ở cho các hộ thuộc diện phải di cư tránh bão.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Sở Xây dựng thông tin về phương án chuẩn bị nơi ở cho các hộ thuộc diện phải di cư tránh bão. |
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu, Sở Xây dựng khẩn cấp rà soát các khu vực chung cư cũ đủ điều kiện sẵn sàng để bố trí cho các hộ dân có thể bị ảnh hưởng bởi bão, cần phải di cư tránh bão.
UBND các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền rà soát các khu vực dân cư bị ngập lụt sâu, nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão để tổng hợp, thống kê và chuẩn bị khu vực trường học, công sở phục vụ việc trú bão cho nhân dân. Đồng thời, chuẩn bị phương tiện, nhân lực, cơ sở vật chất, lương thực thiết yếu sẵn sàng ứng phó các tình huống cần thiết.
Đối với quận Đồ Sơn, huyện Cát Bà, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các địa phương rà soát các cơ sở vật chất, các trang thiết bị phòng chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”.
Sở GD&ĐT sớm có phương cho học sinh các cấp nghỉ học, đồng thời phối hợp với các quận bố trí các trường làm điểm tạm trú tránh bão cho các hộ dân thuộc diện di cư.
Bộ đội biên phòng hỗ trợ ngư dân đưa tàu cá lên bờ tránh bão
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản để thông báo, hướng dẫn ngư dân và chủ phương tiện trên địa bàn, đặc biệt các phương tiện đánh bắt xa bờ nắm chắc diễn biến cơn bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Bộ Chỉ huy BĐBP TP Hải Phòng cũng ban hành Công điện chỉ huy duy trì nghiêm chế độ trực, tổ chức rà soát, kiểm tra phương án, kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra.
Lực lượng chức năng thực hiện các phương án phòng chống bão số 3 tại huyện đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: Hà Tuấn |
Qua rà soát, lực lượng biên phòng đã phối hợp với các đơn vị thông báo tới 1.794 phương tiện với 5.219 lao động, chủ 173 lồng bè nuôi thủy sản, 24 chòi canh đang hoạt động, neo đậu tại các vùng biển về diễn biến cơn bão số 3.
Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, các chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) đã phối hợp với Trạm Rada 490 nắm bắt các phương tiện đang hoạt động trên biển, đồng thời cùng chính quyền địa phương thông báo cho thuyền trưởng, chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết, nắm diễn biến của bão, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và phương tiện.
Lực lượng biên phòng cũng tiến hành chỉ đạo thông tin trực canh 24/24h, tổ chức lực lượng, phương tiện thường trực và thành lập đội cơ động sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Lãnh đạo huyện Bạch Long Vĩ kiểm tra công tác phòng chống bão. |
Bộ đội biên phòng hỗ trợ ngư dân đưa tàu cá lên bờ tránh bão tại huyện Bạch Long Vĩ. Ảnh: Hà Tuấn |
Huyện Bạch Long Vĩ có 113 phương tiện, 216 lao động làm nghề biển. Tính đến sáng 5/9, lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động và giúp các ngư dân đưa 27 phương tiện, 31 lao động lên bờ an toàn; 75 phương tiện với 98 lao động đã vào neo đậu tại âu cảng Bạch Long Vĩ; 12 phương tiện với 77 lao động đã vào các bến thuộc thành phố Hải Phòng. 26 tàu thuyền với 41 lao động còn lại đang hoạt động trên biển.
Bắc Giang hỏa tốc tạm dừng cuộc họp không cần thiết để ứng phó bão số 3
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có công điện hỏa tốc yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh khẩn trương tập trung triển khai ứng phó bão số 3.
Theo đó, tại tỉnh Bắc Giang dự báo từ sáng 7/9, khu vực thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên và các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động, Lục Ngạn có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 8.
Từ đêm ngày 6 đến hết ngày 8/9, các nơi trong tỉnh Bắc Giang khả năng xảy ra đợt mưa to đến rất to và dông. Thời gian mưa lượng lớn tập trung từ trưa ngày 7 đến trưa ngày 8/9. Lượng mưa các nơi phổ biến từ 150 - 250mm/đợt.
Để chủ động đối phó với diễn biến của bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần “Chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất”.
Tỉnh Bắc Giang đình hoãn, tạm dừng các cuộc họp, hội nghị không thật sự cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão, lũ.
Cơ quan chức năng và địa phương trong tỉnh Bắc Giang bố trí lực lượng trực tại cơ quan 24/24 giờ để kịp thời nắm bắt thông tin chỉ đạo và xử lý khi có tình huống xảy ra; rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên các hệ thống đê sông, hồ đập, các công trình đang thi công để có phương án xử lý đảm bảo an toàn.
Cơ quan chức năng chuẩn bị các lực lượng, vật tư, phương tiện, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến bão số 3 và tình hình mưa lũ và nguy cơ thiên tai trên địa bàn; kịp thời bổ sung phương án phòng chống, đặc biệt các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, những vùng ven sông, suối, vùng thấp trũng dễ bị chia cắt khi có lũ.
Đối với các huyện vùng núi phải chủ động xây dựng phương án sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt các hộ dân sau đập đang có dung tích chứa đang đạt xấp xỉ 100% dung tích thiết kế và vùng ven sông suối có nguy cơ sạt lở cao).
Lãnh đạo và các cơ quan chức năng xuống các địa phương, vị trí xung yếu để trực tiếp chỉ đạo khi có tình huống xảy ra, chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn đề phòng trường hợp mưa, lũ lớn gây chia cắt dài ngày.
Nguyễn Thắng