Hai người ở Nghệ An bị nghi ngờ chết do mắc tiêu chảy cấp

Hai người ở Nghệ An bị nghi ngờ chết do mắc tiêu chảy cấp
TP - Hai trường hợp đã tử vong nghi bị mắc tiêu chảy cấp là ông Bùi Văn Toàn (63 tuổi), trú tại xóm Hồng Lam, xã Nam Hưng và ông Trần Quý Ngũ (64 tuổi) ở xóm 6, xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn (Nghệ An).
Hai người ở Nghệ An bị nghi ngờ chết do mắc tiêu chảy cấp ảnh 1
Điều trị cho bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp

Được biết, nguyên nhân ông Toàn mắc bệnh là do ăn cá trích, còn ông Ngũ ăn rau khoai luộc chấm tương.

Trong khi đó, tính đến chiều 6/11, toàn tỉnh Nghệ An có 22 trường hợp có biểu hiện dịch tiêu chảy cấp đang phải cấp cứu ở các bệnh viện.

Theo nhận định của Ban phòng chống dịch, dịch tiêu chảy cấp đã có xu hướng giảm nhẹ lại tại một số tỉnh, song đường lây lan lại diễn biến phức tạp hơn.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng từ 23/10 - 6/11 ghi nhận 855 trường hợp mắc tiêu chảy cấp. 44 quận huyện của 11 tỉnh, thành phố nằm trong vùng dịch. Trong đó, Hà Nội có 481 người mắc, chiếm 57,6%. 

Dù là tỉnh đứng đầu về số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nhưng chiều hướng dịch ở Hà Nội hiện giảm nhẹ với 44 trường hợp mắc mới ngày 6/11, giảm hơn so với ngày 5/11 (45 trường hợp) và ngày 4/11 (56 trường hợp). Cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương được biểu dương vì nỗ lực ngăn chặn dịch lây lan rộng.

Trong khi đó, Hà Tây, Vĩnh Phúc là 2 tỉnh có số người mắc tiêu chảy cấp tiếp tục tăng. Đặc biệt là Hà Tây hiện có 206 người mắc, số mắc mới trong ngày 5/11 lên tới  91 người, ngày 6/11 có 46 người. Khâu phân loại bệnh nhân của các tỉnh này làm chưa tốt là một trong những nguyên nhân khiến số bệnh nhân mới tăng cao.

Hiện, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia đang điều trị cho 333 bệnh nhân. BV Bạch Mai có 32 bệnh nhân. BV Quân y 103 có 49 bệnh nhân. Điều đáng lo ngại là đã có 12 ca trốn viện, trong đó 1 ca chưa kịp lấy phân xét nghiệm, làm tăng nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh, không thể chủ quan vì tác nhân gây bệnh đã lây lan rộng ra các thực phẩm khác. “Ngay cả giò chả, thịt lợn, gà cũng có thể là nguồn gây bệnh nên khi chế biến cần đảm bảo rửa tay sạch. Giò chả cũng cần phải xử lý tốt, chẳng hạn đem rán, trước khi ăn. Chúng ta phải hết sức thận trọng vì tác nhân gây bệnh đã lan sang cả các thực phẩm vốn không được liệt vào nhóm nguy cơ cao như tiết canh, gỏi cá, hải sản…” - Bộ trưởng khuyến cáo.

Hải Dương hiện đang có một bệnh nhân rất nguy kịch. Đó là một cụ bà 71 tuổi, ở huyện Nam Sách. Bệnh nhân này ăn giò chả do chồng mang về từ một bữa cỗ. Hiện bệnh nhân bị bục dạ dày. Các bác sĩ nghi do bệnh nhân tự uống thuốc cầm tiêu chảy.

Ca bệnh này hiện đang được các bác sĩ Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia tiến hành hội chẩn, điều trị.

Điều tra của các tiểu ban phòng chống dịch trên 41 mẫu mắm tôm chưa tìm thấy phẩy khuẩn tả. 5/79 mẫu thực phẩm, ngoại cảnh dương tính với phẩy khuẩn tả, trong đó có 1 mẫu nước ao, 1 mẫu nước rửa tay, 1 mẫu rau sống.

80/140 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả. Mắm tôm đứng đầu trong các nguyên nhân gây tiêu chảy cấp (66%), tiếp đó là thịt chó (62%), thịt lợn (56%), rau sống (38%), thủy sản (26%), thịt gia cầm (26%)… Hiện chưa xác định được tác nhân gây bệnh trong nguồn nước của các tỉnh có dịch.

MỚI - NÓNG