Triển lãm của hai nghệ sĩ có tên “Cuộc sống như một tác phẩm nghệ thuật” đang diễn ra tại công viên Đất nung Thanh Hà (TP Hội An, Quảng Nam).
Hơn một tháng trước, làng gốm Thanh Hà đón hai vị khách nước ngoài, hai vị khách đó dạo khắp làng gốm, bị hớp hồn bởi những bàn tay nhào nặn, những sản phẩm được làm ra từ đất của những nghệ nhân ở đây. Tìm hiểu về gốm Thanh Hà, hai ông đã mê mẩn và bị hút hồn. Họ đã ở lại.
Từ sản phẩm của đôi bàn tay nghệ nhân, hai nghệ sỹ nhận ra rằng: Cuộc sống như một tác phẩm nghệ thuật. Và triển lãm của họ nảy sinh. 7 tác phẩm hai nghệ sĩ đang được trưng bày tại Công viên Đất nung Thanh Hà là 7 cung bậc cảm xúc không giới hạn với người xem. Đó là sự thăng hoa của ngôn ngữ đất nung, của linh hồn đất và ý tưởng nghệ thuật
Tại buổi khai mạc triển lãm, cả hai ông chia sẻ: Những ngày ở cùng người dân làng gốm Thanh Hà họ đã có những trải nghiệm thú vị, hiểu được về vẻ đẹp tiềm ẩn trong đất. Đôi bàn tay của những con người chân chất đã làm nên những sản phẩm mộc mạc, nhưng mang trong đó cả linh hồn, nét văn hóa độc đáo. Họ đã thổi hồn vào cho đất. Vũ điệu của những đôi tay nhào nặn, bàn xoay, tay vuốt đã làm cho đất thăng hoa thành những sản phẩm nghệ thuật có linh hồn.
Quãng thời gian ngắn ngủi chứng kiến lao động của nghệ nhân làng gốm Thanh Hà đã thôi thúc Bert và Douwe đi đến quyết định sẽ tạo nên một triển lãm sắp đặt, đồng thời tổ chức một hội thảo chuyên đề. Hội thảo – triển lãm “Cuộc sống như một tác phẩm tươi đẹp”, kéo người tham gia đi vào câu chuyện khám phá, từ những điều đơn giản nhưng có ý nghĩa sâu xa trong cuộc sống hằng ngày. Đầu tiên là câu chuyện của đất, sau nữa, là sự kết nối giữa nghệ nhân, nghệ thuật và cộng đồng.
Triển lãm nghệ thuật sắp đặt với gốm chủ đề “Cuộc sống như một tác phẩm nghệ thuật” tại Công viên đất nung Thanh Hà của Douwe Buwalda và Bert van der Sluijs sẽ kết thúc vào 1/1/2015.
“Chúng tôi nhận thấy rằng khách tham quan của làng không có được sự kết nối với cộng đồng. Do đó, làng nghề chỉ là hình ảnh được ghi lại và khách du lịch cũng không hiểu hết được văn hóa nơi đây. Và các nghệ nhân cũng trở nên sáo rỗng – và chỉ quan tâm lợi ích. Hoặc họ chỉ thích ứng với nhu cầu một cách hời hợt”, Douwe và Bert chia sẻ.
Theo hai nghệ sỹ, hàng thủ công và nghệ thuật cần có một sự kết nối, đó chính là con đường của sự phát triển lâu dài với làng gốm Thanh Hà. Điều hai nghệ sỹ này muốn là “sự trỗi dậy” như trong diễn giải của Bert và Douwe về mong muốn kết nối bền vững giữa hiện tại và tương lai của người làng gốm, giữa chính quyền địa phương và nghệ nhân, giữa sản phẩm làm ra và nhu cầu tiêu dùng…
Hướng phát triển của làng gốm Thanh Hà mà hai nghệ sĩ Hà Lan mong muốn chạm tới là từ đất, các nghệ nhân sẽ không chỉ tạo tác nên những nghệ thuật độc đáo hơn không còn chỉ đơn thuần là nồi, chum, vại…
Bert và Douwe bên một tác phẩm sắp đặt.
Bert chia sẻ, nghệ thuật sắp đặt, lâu nay vẫn mang đến nhiều cảm xúc khác nhau. Chúng tôi không muốn áp đặt cảm quan của mình vào những tác phẩm nghệ thuật và buộc người xem phải nghe theo những dụng ý. Mở ra những chiều kích suy tư, bằng chất liệu gốm, họ tìm kiếm mối tương quan giữa tự do và giới hạn, giữa quyền tự chủ và sự phụ thuộc, giữa hướng tâm và nội tâm.
Những ngày ở làng gốm Thanh Hà, chứng kiến “sự trỗi dậy của đất” đã mang lại cảm xúc cho hai người nghệ sĩ Hà Lan. Họ bảo rằng, mình đã chạm được vào hồn của đất, sự hòa điệu giữa đất và lửa. Từ đất, hai ông đã nhào nặn nên ba “hạt giống tâm hồn”. Cả ba hạt giống đó, đều được tạo tác từ đất sét sông Thu Bồn.
Về nước sau khi khai mạc triển lãm, họ mang theo hai hạt giống để chôn trên đất quê mình. Hạt còn lại, hai ông gửi ở Công viên gốm đất nung Hà Thành. Với họ đó là sự gửi gắm về một không gian sống của gốm, với khát vọng về những ngày dài sau này, làng gốm Thanh Hà là nơi cất lên tiếng nói hòa điệu của Đất và Lửa. Hạt giống tâm hồn từ đất là minh chứng cho một tương lai mới của đất, nơi những giai điệu gốm đã vút lên từ hơn ba ngàn năm nay.