Những mảnh đời như thể bị bỏ quên- Bài cuối:

Chạnh buồn chuyện của người có công

 Ngôi nhà lá trên khu đất đã từng nuôi giấu ông Lê Duẩn. Ảnh: Sáu Nghệ
Ngôi nhà lá trên khu đất đã từng nuôi giấu ông Lê Duẩn. Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Về quê hương cách mạng, sau chia sẻ nỗi buồn với gia đình cô út, chúng tôi lại day dứt với nỗi niềm của người nửa thế kỷ trước quên mình nuôi giấu ông Lê Duẩn.

Chủ nhà nuôi giấu ông Lê Duẩn là cụ ông Huỳnh Văn Diêm và cụ bà Trịnh Thị Xuyến đều đã qua đời. Cụ ông mất năm 1974, thọ 79 tuổi; cụ bà mất năm 1977, thọ 76 tuổi. Con trai của hai cụ là ông Huỳnh Thanh Lợi và vợ Trần Thị Thâu, trực tiếp tham gia nuôi giấu và bảo vệ ông Lê Duẩn, nay còn sống đều đã ngoài tám mươi.

Hết mình

Khi đến địa điểm lịch sử này, chúng tôi thấy hai ngôi mộ của cụ Diêm và cụ Xuyến, một ngôi nhà lá khóa cửa. Người cháu dâu của hai cụ ở căn nhà lá cách một quãng cho biết, vợ chồng ông Lợi và bà Thâu đã về sống với con gái út mấy tháng nay để trị bệnh, ở ấp Đường Cày, cùng xã Phú Tân.

Ông Lợi bị thương nặng trong chiến tranh, bây giờ liệt nửa người, đi lại rất khó khăn nhưng vẫn minh mẫn, nói cười vui vẻ. “Lúc nuôi giấu, chúng tôi không biết đó là ông Lê Duẩn”, ông Lợi cười, để lộ hàm răng cái còn cái mất khập khễnh, đôi mắt hồn hậu toát nét tinh anh.

“Muốn hưởng chế độ gì cũng đòi hỏi hồ sơ rất khó khăn nhưng hồ sơ của tôi bao năm tao loạn lại bị lạc mất. Ngay cả hồ sơ báo công được hướng dẫn làm, tôi gửi lên xã cũng mất luôn”.

Ông Lợi

Theo lời ông, ban đầu gia đình ông nuôi giấu một cán bộ cao cấp khác, sau đó thấy địa điểm an toàn người ta mới đưa ông Lê Duẩn về. Lúc vừa đến, ông Lê Duẩn ở chung với gia đình ông Lợi trong căn nhà lá ba gian nhưng thấy gia chủ có nhiều khách mới bảo cất “căn cứ” cách mấy chục mét phía sau để giữ bí mật. “Căn cứ” gồm chòi lá với hầm trú ẩn làm bằng cái lu lớn chôn xuống đất. Cái lu này, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, ông Lê Hoàng Bửu, cho biết còn tìm giữ được.

Cũng theo ông Lợi, bộ phận giúp việc ông Lê Duẩn có thư ký, bác sỹ, cần vụ. Bảo vệ thì vẫn ở căn nhà lớn và ăn cơm với gia đình ông. “Còn cơm nước của ông Lê Duẩn do bộ phận phục vụ nấu và đưa ra”, ông Lợi lại cười nhe hàm răng khập khễnh. Chưa biết ông Lê Duẩn nhưng gia đình ông Lợi cũng biết đang nuôi giấu cán bộ cao cấp của cách mạng. Nơi đây chỉ cách Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng (chứng tích tội ác của địch đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia) chưa đầy chục cây số đường chim bay. Nếu địch phát hiện, gia đình ông Lợi bị địch tàn sát ngay nên ông Lợi nói, cả gia đình ông hết mình bảo vệ. Vợ của ông Lợi cũng được đưa vào tổ bảo vệ.

Ông lại cười hể hả: “Ông Lê Duẩn rất cảnh giác. Tôi nhớ một lần vào ban ngày, từ đâu có con chó lạ chạy lạc vào khu vực, ông Lê Duẩn bảo có chó là có người nên lệnh di chuyển ngay”.

Nhiêu khê

Tấm bảng ghi nhận di tích nuôi giấu ông Lê Duẩn do Bảo tàng tỉnh Cà Mau tặng gia đình ông Lợi, chữ khắc vào đá: “Nơi đây, vào những năm 1955-1958 đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn được gia đình che chở bám trụ hoạt động cách mạng. Chính trong khoảng thời gian này, đồng chí đã soạn thảo bản “đề cương cách mạng miền Nam”, tiền thân của Nghị quyết Trung ương 15 của Đảng”.

Chạnh buồn chuyện của người có công ảnh 1

Ông Huỳnh Thanh Lợi, thứ hai từ trái

“Khi nào gia đình ông mới biết đang nuôi giấu ông Lê Duẩn?”, chúng tôi hỏi. Ông Lợi trả lời ngay: “Chuẩn bị rời nhà tôi để ra Bắc, ông Lê Duẩn đã cho gia đình tôi biết”. Theo lời ông Lợi, ông Lê Duẩn luôn đi lại và ở nhiều nơi, ấp Láng Cháo chỉ là một trong những nơi ở chính, khoảng vài tuần hay vài tháng ông Lê Duẩn mới về ở mấy ngày. “Khi về ở nhà tôi, ông Lê Duẩn đã rút tôi vào Ban Căn cứ chuyên xây dựng nơi ở cho ổng nên tôi được tham gia xây dựng cho ổng bốn nơi ở”, ông Lợi kể.

Ông Lợi tham gia cách mạng năm 1949, lúc mới 17 tuổi. Ban đầu ở cơ quan tài chính sau chuyển sang an ninh tỉnh. Khi về Ban Căn cứ, ông tham gia xây dựng căn cứ cho ông Lê Duẩn, ngoài cái ở nhà còn ở xã Khánh Lâm (U Minh), xã Khánh Bình Tây (Trần Văn Thời, đều thuộc tỉnh Cà Mau) và cuối cùng là ở tỉnh Vĩnh Long trên đường ông Lê Duẩn ra Bắc.

“Sau khi ông Lê Duẩn đi rồi, địch phát hiện tôi tham gia cách mạng nên bắt giam 2 năm, đến năm 1960 mới thả. Tôi liền vào bộ đội, ở Sư đoàn 9 miền Đông. Năm 1967 trong một trận đánh, tôi bị thương nặng ngất đi, địch bắt đày ra Phú Quốc đến năm 1973 trao trả tù binh và được đưa ra Bắc an dưỡng. Tết năm 1974, ông Lê Duẩn đã cho xe đón tôi về nhà ổng ăn Tết đấy chớ”, giọng ông Lợi rộn ràng.

Đến đây, chúng tôi mới chú mục vào vết thương đỉnh đầu bên phải ông, lõm xuống bằng cái miệng bát. Vết thương hiểm làm ông liệt nửa người bên trái. Hồi ra Bắc chữa không khỏi. Ông được xếp thương binh hạng đặc biệt, mất sức khỏe vĩnh viễn 85%. Từ trại thương binh, năm 1978, ông về nhà và vợ ông hưởng chế độ người phục vụ thương binh đặc biệt.

Câu chuyện trong nắng ấm bên con kênh rộng rì rào sóng nước, đang sôi nổi vui vẻ chợt lắng lại buồn. Đấy là vợ chồng ông Lợi ngoài tiêu chuẩn thương binh, không được hưởng chế độ gì nữa theo chính sách với người có công hay hưu trí. Vì ông là thương binh đặc biệt, hồ sơ do các cơ quan có trách nhiệm thuyên chuyển cho ông, từ các trại thương binh về địa phương. Ông kể, mấy lần con cháu bơi xuồng chở ông lên huyện đội và thương binh xã hội xin lục lại hồ sơ, được trả lời là không có. “Muốn hưởng chế độ gì cũng đòi hỏi hồ sơ rất khó khăn nhưng hồ sơ của tôi bao năm tao loạn lại bị lạc mất. Ngay cả hồ sơ báo công được hướng dẫn làm, tôi gửi lên xã cũng mất luôn”, ông Lợi nói và ngơ ngác nhìn ra bờ sông.

Khó hiểu

Chạnh buồn chuyện của người có công ảnh 2

Đường vào nơi từng nuôi giấu ông Lê Duẩn

Ông Lợi có mấy người anh đều tham gia cách mạng, người hy sinh trong chiến tranh, người từ trần trong hòa bình nên chẳng biết nhờ ai giúp làm hồ sơ để hưởng chế độ chính sách của nhà nước. Chỉ nhờ trời, ông mới yếu vài năm nay như cô cháu ngoại Cao Thúy Duy cho biết, chứ trước nữa ông vẫn tự lao động kiếm sống được.

Ông Nguyễn Văn Cứ, một nông dân ở ấp Tân Phú, kể rằng, một tay cầm len đào đất nhưng ông Lợi làm không thua mấy người.

Hồi giao thông còn rất trắc trở, từ thành phố Cà Mau về xã Phú Tân phải đi tàu, đò mất cả ngày nhưng ông Lợi kể, bà vợ ông Lê Duẩn và nhiều cán bộ bảo vệ thuở nào đều đã về thăm.

Lúc ở trên tỉnh, chúng tôi nghe nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, ông Lê Hoàng Bửu, cho biết tổ chức xác minh rất kỹ khi khẳng định vị trí ông Lê Duẩn từng ở. Sau đó, có kế hoạch xây dựng di tích lịch sử nhưng chưa thực hiện được thì năm 2007, ông nghỉ hưu. Ở xã Phú Tân, Phó Chủ tịch UBND Huỳnh Văn Lớn cho biết thêm, gia đình ông Lợi đã đồng ý hiến đất xây dựng di tích và ngành văn hóa đang làm dự án.

Đến tận nơi thì ngỡ ngàng thấy quang cảnh như bị lãng quên, không có một dòng chữ hay dấu hiệu gì về vị trí lịch sử. Tất cả hoang vu giữa nước phèn, sình lầy, cỏ dại và dừa nước. Ông Lợi xác nhận đã đồng ý hiến 1.000 m2 đất và “nếu chính quyền cần thêm tôi có thể hiến thêm vì ở đó tôi còn một héc-ta đất”. Trơ lại thành phố Cà Mau, chúng tôi nói với ông Bửu, sao ngành văn hóa không dựng ở đó ít nhất một tấm bia? Nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT&DL khẽ thở dài: Trước đây tính rồi, không hiểu sao đến giờ chưa có?

Chúng tôi lại băn khoăn, ông và gia đình từng quên mình cho cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, bây giờ nhiều người được hưởng lợi từ cuộc giải phóng ấy, sao không giúp ông vượt qua thủ tục hành chính nhiêu khê? Hơn thế, công lao đã rõ, sao còn đem thủ tục hành chính ra hành hạ người thương binh liệt nửa người? Ông Lợi lại cười với hàm răng cái còn cái mất trả lời là ông cũng không hiểu tại làm sao như vậy!

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.