Hai mặt cuộc đời của huyền thoại ‘Bố già’ Marlon Brando

Marlon Brando là cái tên bất tử của nền điện ảnh thế giới. Ông giành Oscar đầu tiên trong sự nghiệp với On the Waterfront (1954), khi mới chỉ 30 tuổi.
Marlon Brando là cái tên bất tử của nền điện ảnh thế giới. Ông giành Oscar đầu tiên trong sự nghiệp với On the Waterfront (1954), khi mới chỉ 30 tuổi.
Bộ phim tài liệu ‘Listen to Me Marlon’ khắc họa hai mảng đối lập trong cuộc đời huyền thoại Hollywood Marlon Brando: rất nhiều hào quang, nhưng cũng lắm nỗi bi kịch.

“Tôi sẽ đánh đổi mọi thứ để có thể trở thành Marlon Brando. Tôi thực sự thèm muốn tài năng của anh ấy” - Woody Allen, đạo diễn, diễn viên, chủ nhân 4 tượng vàng Oscar

Những ngôi sao sáng của Hollywood từng dành nhiều lời có cánh như thế để nói về Marlon Brando - người khổng lồ của điện ảnh Mỹ nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung.

Không chỉ được đồng nghiệp và người hâm mộ kính phục qua rất nhiều vai diễn đáng nhớ, ông còn giúp thay đổi vĩnh viễn cách thức tiếp cận vai diễn của giới diễn viên với phong cách nhập vai (“method acting”). Đó là khi người diễn viên hóa thân thực sự vào vai diễn, biến mình thành nhân vật trên phim thay vì đem phong thái riêng của bản thân áp đặt cho mọi nhân vật.

Bằng vẻ đẹp khỏe khoắn tràn đầy sức sống và kỹ năng diễn xuất sân khấu thượng hạng nhờ những ngày tháng tôi luyện trong lò đào tạo của người giáo viên huyền thoại Stella Adler, Marlon Brando đã chinh phục Hollywood ngay từ những tác phẩm đầu tiên mà ông tham gia, như A Streetcar Named Desire(1951), Julius Caesar (1953) và đặc biệt là On the Waterfront (1954) - tác phẩm đem tới cho nam diễn viên giải Oscar khi mới 30 tuổi.

Cho đến tận ngày nay, các vai diễn của Marlon Brando trong On the WaterfrontThe Godfather (1972), Last Tango in Paris (1972) hay Apocalypse Now (1979) vẫn được coi là thước đo chuẩn mực chưa bao giờ lỗi thời của nghệ thuật diễn xuất.

“Một trong những rắc rối của Brando là ông ấy không thể đối thoại với mọi người. Ông ấy sống ở một thế giới khác, ông ấy là con người hết sức lạ lùng” - Peter Bart, nhà sản xuất phim của hãng Paramount

Nhưng tại Hollywood, người ta còn biết tới một Marlon Brando khác. Đó là một Brando khó tính, luôn gây rắc rối cho đạo diễn và quá trình làm phim với nhiều yêu cầu kỳ quái. Đó là một Brando có đời sống riêng tư sóng gió với rất nhiều người tình, rất nhiều con cái. Đó là một Brando chịu nhiều bi kịch trải dài từ tuổi thơ thiếu tình thương tới buổi xế chiều đầy mất mát. Trong suốt 25 năm cuối cuộc đời, cái tên Marlon Brando thường xuất hiện trên báo chí qua những rắc rối gia đình, chứ không phải bởi hàng loạt vai diễn đáng quên.

Hai nửa đối lập ấy của cuộc đời Marlon Brando là chủ đề của Listen to Me Marlon, một trong những tác phẩm tài liệu được nhắc tới nhiều nhất trong năm 2015. Dựa trên những cuộn băng ghi âm do chính Brando thu lại như một dạng nhật ký cá nhân và chưa từng được đưa công bố, đạo diễn Stevan Riley đem đến cho khán giả cái nhìn về cuộc đời Marlon Brando qua con mắt của chính huyền thoại điện ảnh.

Hai mặt cuộc đời của huyền thoại ‘Bố già’ Marlon Brando ảnh 1

Listen to Me Marlon giống như lời tự sự của huyền thoại điện ảnh, vọng lại từ thế giới bên kia.

Hoàn toàn không sử dụng lời dẫn, câu chuyện cuộc đời trong Listen to Me Marlon được “kể” lại bằng chính giọng nói như vọng lại từ thế giới bên kia của của Marlon Brando và minh họa qua băng tư liệu hay trích đoạn các bộ phim mà ông tham gia. Vốn không được giới nghệ sĩ sân khấu kinh viện đánh giá cao bởi đài từ không rõ ràng - kết quả của việc Brando thích dùng cách nói lầm bầm và gằn giọng, phong cách kể của huyền thoại bỗng dưng trở nên cực kỳ phù hợp cho Listen to Me Marlon. Chất giọng trầm ấm, giàu cảm xúc, suy tư của Brando giúp truyền tả hiệu quả những nốt thăng, trầm trong cuộc đời ông tới khán giả.

Đối với người hâm mộ Marlon Brando, có lẽ chẳng gì có thể sánh được với việc được nghe chính thần tượng kể lại câu chuyện cuộc đời. Trong câu chuyện ấy, người xem có thể tìm thấy lửa nhiệt huyết của Brando với các vai diễn, đặc biệt là ở những bộ phim đầu tiên, những thời khắc ông trăn trở với nghề nghiệp, với bất công xã hội, với sự tồn tại của chính bản thân, và đặc biệt là tình yêu mà Brando dành cho cuộc sống và những con người tự do, khoáng đạt ở hòn đảo Tahiti xa xôi. 

“Bông hoa đáng thương trên những ngọn sóng lừng kia ơi. Hãy cho tôi biết, nếu một ngày kia trở lại, tôi có còn được thấy hòn đảo quyến rũ này không, nơi thiên đường thực sự của bình yên, và tình yêu?”

Đó là những câu hát trong Tiếng hát về những hòn đảo, ca khúc yêu thích của Marlon Brando về hòn đảo Tahiti, mà đứa con gái bé bỏng Cheyenne của ông hát tặng bố trong cảnh phim có lẽ là đáng nhớ bậc nhất của Listen to Me Marlon. Thông qua bộ phim, người xem được nghe và chứng kiến cuộc chiến đấu không ngừng của Brando khi ông đi tìm hạnh phúc, đi tìm nơi thiên đường trong tâm hồn.

Cuộc chiến đấu lâu dài không hồi kết ấy không ít lần khiến ông bị tổn thương, gây ra biến đổi trong suy nghĩ. Từ một chàng trai trẻ với ánh mắt và cách nói chuyện có thể quyến rũ bất cứ ai, dù đó chỉ là cô phóng viên xinh đẹp mà ông mới gặp vài phút, Marlon Brando dần trở thành cái bóng của vô vàn những dằn vặt, xung đột nội tâm và bi kịch gia đình. Có lẽ đó là cái giá tất yếu phải trả cho một diễn viên “nhập vai” thượng hạng như Brando, người luôn vứt bỏ cái tôi sang một bên để có thể hóa thân hoàn toàn vào nhân vật mà mình thể hiện.

Hai mặt cuộc đời của huyền thoại ‘Bố già’ Marlon Brando ảnh 2

Đằng sau những vai diễn để đời như Vito Corleone trong The Godfather là một số phận đầy rẫy những bi kịch đời tư.

Tất cả giờ phút đáng nhớ nhất trên màn ảnh rộng của Marlon Brando đều được bộ phim đưa tới khán giả, giúp họ cảm nhận sâu sắc giá trị các vai diễn mà ông thể hiện, cũng như hy sinh về mặt tinh thần của Brando để phục vụ cho thứ nghệ thuật diễn xuất mà ông hết mực yêu quý.

Điểm yếu lớn nhất của Listen to Me Marlon có lẽ là việc bộ phim tài liệu chưa thực sự khám phá được những góc cạnh, thông tin mới về Marlon Brando - ngôi sao vốn có cuộc đời và sự nghiệp được báo chí săn đón trong suốt nhiều thập niên. Marlon Brando của Listen to Me Marlon vẫn là Marlon Brando nhiều góc cạnh, nhiều trăn trở mà bất cứ ai từng yêu thích, tìm hiểu về huyền thoại hẳn đều đã biết rõ.

Cuộc sống và suy tư của tài tử trong giai đoạn dài bị coi là “thuốc độc phòng vé”, tâm tư của ngôi sao hết thời trong những năm tháng cô độc cuối đời, biến đổi của ông sau sự cố khủng khiếp trong đời tư... tất cả khía cạnh ít người biết tới của Marlon Brando chưa được bộ phim khai thác triệt để. Nhưng có lẽ những thông tin hiếm có khó tìm ấy không phải là mục đích chính của đạo diễn Stevan Riley khi thực hiện tác phẩm tài liệu.

Hai mặt cuộc đời của huyền thoại ‘Bố già’ Marlon Brando ảnh 3 Những thời khắc hạnh phúc có lẽ là hiếm hoi trong đời tư của Marlon Brando bên con gái. Người ta từng gọi gia đình ông là "House of Pain" (Ngôi nhà của đau thương).

Listen to Me Marlon đơn giản là lời tự sự của Marlon Brando, từ thế giới bên kia - thế giới của chính ông, dành cho những người mộ điệu. Chính sự giản dị đã giúp tác phẩm tài liệu gạt bỏ được mọi điều phù phiếm hay những lời tụng ca trống rỗng vốn thường xuất hiện trong các tác phẩm tiểu sử về sao Hollywood, đem đến cho người xem bức chân dung chân thực, rõ ràng nhất về huyền thoại Marlon Brando.

Bernardo Bertolucci, đạo diễn của Last Tango in Paris, từng kể lại rằng Marlon Brando tỏ rõ sự không hài lòng của ông bởi Bertolucci đã thành công trong việc “ăn cắp” cảm xúc riêng tư trong con người thật của Brando để đưa lên màn ảnh. Trong phim, huyền thoại sắm vai Paul, một người đàn ông với ngọn lửa yêu thương nồng cháy và cũng dễ dàng bị tổn thương bởi chính ngọn lửa nội tâm ấy.

Nếu đúng như vậy, nếu còn sống Marlon Brando hẳn không hài lòng với Listen to Me Brando, bởi bộ phim tài liệu cũng đã thành công trong việc tái dựng một Brando của đời thực, bên cạnh một Brando huyền thoại điện ảnh. Nhưng với khán giả, chắc chắn không ai có thể bỏ qua những giờ phút vô cùng xúc động và đáng nhớ khi được chứng kiến Marlon Brando diễn xuất hết mình, và sống thực sự, như hình ảnh của ông trong Last Tango in Paris, và trong Listen to Me Brando.   

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.