Tiếp tục đối mặt khó khăn

Hai “kịch bản” lạm phát năm 2009

Hai “kịch bản” lạm phát năm 2009
TP - Bên cạnh việc khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn, không ít chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước còn đưa ra nhiều khuyến cáo về những khó khăn sẽ phải đương đầu trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị đầu tư quốc tế (chiều 11/11 tại TPHCM), Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang thừa nhận, kinh tế thế giới đang bất ổn sẽ ảnh hưởng đến nền sản xuất phục vụ xuất khẩu của Việt Nam.

Việc Mỹ đang chiếm khoảng 26% thị trường xuất khẩu Việt Nam và dân Mỹ đang có khuynh hướng giảm bớt chi tiêu, sức cầu dự báo còn giảm trong vòng 6-9 tháng nữa sẽ khiến nhiều doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu Việt Nam lao đao trong ngắn hạn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, bước sang năm 2009 Việt Nam có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế Mỹ và giá dầu biến động khó lường.

Ông Dũng cho biết thêm, từ đầu năm 2008 đến nay một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có biểu hiện xấu như: nhập khẩu và nhập siêu tăng, giá nhiều mặt hàng lên cao, cân đối tiền tệ, tổng dự nợ tín dụng, tổng phương tiện thanh toán đều tăng cao so với nhiều năm trước…

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu Alain Cany đánh giá Việt Nam đã vượt qua tình trạng khó khăn tạm thời trong quý 3/2008. Tuy nhiên, ông Alian Canya cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 6%, giải ngân vốn FDI có thể bị chậm lại do các quỹ đầu tư giảm quy mô, áp lực giảm phát, toàn cầu cắt giảm chi tiêu sẽ ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu Việt Nam… nếu kinh tế toàn cầu tiếp tục đi xuống kéo dài.

Ông Phạm Đỗ Chí, kinh tế trưởng của Vina Capital e ngại khủng hoảng kinh tế toàn cầu đe dọa sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam và đã đưa ra hai “kịch bản” của lạm phát của Việt Nam năm 2009.

Theo ông Chí, đồng USD tăng giá sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát vì VND giảm giá trị làm tăng nhập siêu; việc NHNN giảm lãi suất cơ bản trong tương lai có thể dẫn tới việc nới lỏng các khoản vay dẫn đến tăng lạm phát.

Với “ kịch bản”, lạm phát giảm sẽ do giá lương thực và các loại hàng hóa thiết yếu giảm, nhu cầu các mặt hàng chủ yếu trên toàn thế giới sụt giảm và lạm phát Việt Nam có thể xuống dưới 10% vào cuối 2009.

Không bi quan như lo ngại

Nói chuyện với gần 100 nhà đầu tư quốc tế đến TPHCM dự hai hội nghị về đầu tư, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải nhận định: “Trong ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam có xuất hiện những yếu tố khó khăn nhưng nhìn vào những tiềm năng nội tại, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng tích cực về kinh tế Việt Nam ở tầm trung và dài hạn”.

Ông Horst Geike, Chủ tịch tập đoàn Vina Capital đã đem kinh nghiệm thành công của quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam này (gần 2 tỷ USD- PV) để thuyết phục các nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam. Thay vì “chờ thời”, sắp tới Vina Capital sẽ có thêm một quỹ đầu tư bất động sản từ 300- 500 triệu USD để đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Trung cho hay, dù tình hình giải ngân vốn FDI đang gặp khó khăn nhưng vốn đầu tư thực hiện của các DN FDI đã đạt hơn 9 tỷ USD, dự kiến vốn FDI năm 2008 sẽ đạt khoảng 60 tỷ USD và vốn thực hiện khoảng 12 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Ngay cả thị trường chứng khoán đang sụt giảm thì vẫn có những “ánh sáng” như việc hãng tin Bloomberg nhận xét Việt Nam tiếp tục là một trong số ít các nền kinh tế mới nổi nhận được dòng vốn đầu tư ròng vào danh mục đầu tư chứng khoán trong năm 2008.

Hầu hết các ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế đều đánh giá do ngày càng hội nhập sâu, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải cùng “chống bão” và ít nhiều bị thiệt hại trong năm 2009 trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm chung.

Tuy nhiên, nói như ông Phạm Đỗ Chí thì “Kinh tế Việt Nam không bi quan như nhiều lo ngại, ngay cả thâm hụt thương mại dự báo trên 20 tỷ USD cũng đã giảm xuống khoảng 16 tỷ USD trong năm 2008”. Và có lẽ đó cũng là lý do chính để hàng trăm nhà đầu tư tổ chức lớn nước ngoài đổ về Việt Nam tìm cơ hội trong những ngày qua…

MỚI - NÓNG